(ĐCSVN) – Tin tưởng và kỳ vọng. Đó là những ngôn từ được nhiều người nhắc đến mấy ngày qua khi Chính phủ nhiệm kỳ mới dưới sự điều hành của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Hoàn, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật Học viện Chính trị khu vực 3 đã chia sẻ cảm nhận của mình với phóng viên.
TS. Nguyễn Huy Hoàn cho rằng, việc kiện toàn bộ máy của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII vừa qua đã nhận được sự ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nước. Trong đó, nhiều gương mặt mới và trẻ, có trình độ, năng lực, tư duy cũng như kinh nghiệm thực tiễn khá dày dặn chắc chắn sẽ tạo nên nhiều khởi sắc mới trong hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ tới.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng, thực tiễn đất nước hiện nay, hệ thống các cơ chế, chính sách, pháp luật thì nhiều nhưng chưa ổn, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, nếu Chính phủ không tiếp tục quan tâm, cải tiến, bổ sung, đổi mới nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trên thì sự nghiệp đổi mới của đất nước sẽ có rất nhiều khó khăn. Vì thế, mọi cử tri đều rất kỳ vọng ở tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên của Chính phủ sẽ luôn thể hiện được cái tâm, cái tầm và trách nhiệm với đất nước, với nhân dân. Song, cạnh đó Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ chắc chắn vẫn rất cần và cần nhiều vào sự ủng hộ của nhân dân, của cả hệ thống chính trị để lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, yêu cầu phát triển đặt ra trong tình hình mới ”- TS. Nguyễn Huy Hoàn chia sẻ.
TS. Nguyễn Huy Hoàn, Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực III
Nói về hoạt động của Chính phủ trong thời gian tới, TS. Nguyễn Huy Hoàn cho rằng: Phải đảm bảo sự kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch, tránh chồng chéo. Đặc biệt, phải nghiêm khắc, xử lý đến nơi, đến chốn các sai phạm của đội ngũ cán bộ, công chức dưới quyền để vừa răn đe, giáo dục cán bộ, công chức không lạm quyền, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, bộ máy, đồng thời củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ.
Ở góc độ lý luận, TS. Nguyễn Huy Hoàn cho rằng, thể chế nước ta có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Riêng với Chính phủ là cơ quan hành pháp, đòi hỏi rõ ràng, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành và xử lý các vi phạm. Đồng thời với đó, phải quan tâm thực hiện thật hiệu quả công cuộc cải cách nền hành chính đất nước, trước mắt là trong giai đoạn 2011-2020 để đưa nền hành chính nước ta thật sự là nền hành chính “phục vụ”. Điều này không đơn giản nhưng nếu Chính phủ làm được sẽ góp phần rất lớn để khẳng định quyền làm chủ của nhân dân, khẳng định bản chất Nhà nước là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Cũng liên quan đến việc cải cách nền hành chính, TS. Nguyễn Huy Hoàn đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó, yêu cầu đặt ra trước tiên phải là tận tâm, tận tình, có trách nhiệm với dân, với tổ chức, doanh nghiệp… “Thực tế cán bộ, công chức của ta một số nơi còn nhũng nhiễu, đòi chia sẻ lợi ích và gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Vì thế, nhất thiết phải đấu tranh, xử lý đến tận gốc các vi phạm, sách nhiễu này ở mọi cán bộ, công chức vi phạm đạo đức công vụ. Đồng thời với đó, Chính phủ cũng phải tính đến giải pháp làm sao để nâng cao đời sống của cán bộ, công chức. Một khi đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức được nâng cao, đảm bảo thì sẽ hạn chế tình trạng tham nhũng, làm họ không tham nhũng, không muốn tham nhũng và cũng không tham nhũng được”- TS. Nguyễn Huy Hoàn khẳng định.
Cùng với các yêu cầu trên, theo TS. Nguyễn Huy Hoàn, việc sắp xếp tổ chức và đổi mới hoạt động của các cơ quan hành chính, cơ quan công quyền của nhà nước các cấp cũng là nhiệm vụ trọng tâm gắn với cải cách nền hành chính quốc gia. Hiện chúng ta cũng đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn ở nhiều địa phương. “Đây là giải pháp nhằm đa dạng hóa các mô hình chính quyền ở cơ sở nhằm phát huy hiệu quả quản lý nhà nước, mặt khác nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân. Và dù mô hình nào thì cũng phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; phải phân định rõ đâu là quyết định của tập thể và đâu là quyết định của cá nhân, người đứng đầu. Một khi trách nhiệm được làm rõ thì sẽ không còn sự đổ lỗi hay đá quả bóng trách nhiệm sang người khác được. Mong rằng Chính phủ nhiệm kỳ mới này sẽ quyết liệt và ưu tiên quan tâm hơn đến vấn đề này”- TS. Nguyễn Huy Hoàn bày tỏ.
Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, TS. Nguyễn Huy Hoàn nhắc lại yêu cầu là phải nâng cao đời sống của cán bộ, công chức để đảm bảo họ không muốn và không cần phải tham nhũng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh pháp luật phải rõ ràng, nhất là các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân phải thực sự minh bạch. Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức nên đổi mới hơn, xác định rõ tính đột phá ở khâu nào, đối tượng nào cần thiết phải kê khai tài sản, tài sản kê khai không rõ ràng phải tịch thu thế nào…?
“Hiện nay, với cơ chế phân bổ tài chính, ngân sách của ta vẫn còn tình trạng “xin- cho”. Sắp tới, Chính phủ nên đổi mới bằng hình thức cho các địa phương, đơn vị “vay” ngân sách. Bởi khi vay thì phải trả, vay phải có trách nhiệm với đồng vốn vay. Tất nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nhất thiết phải làm thật tốt, thật quyết liệt ngay từ đầu công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế các sai phạm”- TS. Nguyễn Huy Hoàn nói.
Đối với vấn đề bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là chủ quyền biển đảo, theo TS. Nguyễn Huy Hoàn, Chính phủ và người đừng đầu Chính phủ phải có giải pháp để làm thế nào cho dân tin, dân ủng hộ, sẵn sàng cùng với Đảng, Nhà nước và quân đội giữ vững biên giới, lãnh thổ quốc gia. Đồng thời phải tiếp tục nâng cao vị thế quốc gia, đất nước với cộng đồng thế giới.../.