Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ tư, 10/03/2021 18:53
(ĐCSVN) – Liên tiếp các vụ tai nạn đau lòng đã được ghi nhận liên quan đến tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian qua buộc dư luận phải đặt câu hỏi: “Trách nhiệm thuộc về ai?”
Hiện trưởng vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ngày 7/3 tại Quảng Ngãi. ( Ảnh:TTXVN) 

Ngày 7/3, một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng đã xảy ra tại tỉnh Quảng Ngãi. Vụ việc khiến cháu bé 1 tuổi tử vong, vợ chồng người tài xế ô tô bị thương nặng. Nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ tai nạn đau lòng này vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Trước đó ngày 26/1, một thanh niên làm shipper cố tình lách qua kẽ hở chắn đã đóng dẫn đến vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại đoạn giao cắt với đường Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) khiến anh thanh niên bị thương phải nhập viện.

Chưa hết, trong năm 2020, cả nước xảy ra 91 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 71 người, bị thương 23 người. So với tổng số vụ tai nạn giao thông năm 2020 là 8.177 vụ thì số lượng có thể không cao, nhưng so với tai nạn giao thông đường bộ, hậu quả của các vụ tai nạn giao thông đường sắt thảm khốc và ám ảnh hơn nhiều. Bởi ngoài thiệt hại về con người thì thiệt hại về phương tiện cũng rất lớn, đặc biệt là kéo theo nhiều thiệt hại khác do việc chậm lịch trình của các chuyến tàu gây nên. 

Và hẳn mọi người vẫn còn chưa quên vụ tai nạn giao thông đường sắt gây ám ảnh xã hội xảy ra cuối năm 2019 khiến đám hỏi thành đại tang của 10 người xảy ra tại km 27+387 tuyến đường sắt Thống nhất.

Rõ ràng, tai nạn đường sắt trong những năm qua vẫn là một vấn đề nan giải, nhức nhối và kéo dài như tiếng còi của đoàn tàu vẫn….rền vang, ngân dài. Ai cũng nghe thấy nhưng lại chẳng mấy lưu tâm.

Điều đáng nói giao thông đường sắt là giao thông đặc thù, được ưu tiên. Thanh đường ray và những con tàu hoàn toàn "vô can" trong những vụ tai nạn của loại hình vận tải này. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt đều xuất phát từ yếu tố con người, bao hàm cả người vận hành tàu chạy và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Điều này có nghĩa là hầu hết tai nạn đường sắt xảy ra do nguyên nhân khách quan với ngành đường sắt, nhưng lại là chủ quan của xã hội.

Ở góc độ khác, một thực tế dễ nhận thấy là phần lớn các vụ tai nạn giao thông đường sắt đều xảy ra tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ; thậm chí xảy ra tại những điểm giao cắt đã được lắp rào chắn, đèn tín hiệu và biển cảnh báo. Qua tổng hợp, phân tích cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, các vụ tai nạn giao thông đường sắt chủ yếu xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang đường sắt, chiếm 78%, còn lại là đường ngang biển báo, cảnh báo tự động có cần chắn tự động.

Trong khi đó, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, với hàng nghìn đường ngang, lối đi dân sinh qua đường sắt là thách thức lớn trong việc đảm bảo an toàn. Mà theo luật hiện hành, trách nhiệm chính về mặt đầu tư, đảm bảo an toàn hành lang đường sắt, đường gom, đường ngang… thuộc ngành đường sắt. Cùng với đó, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực tài chính nên một số nơi công tác này vẫn bị bỏ ngỏ …

Vì vậy, thông điệp: “Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang, vì an toàn của bản thân và xã hội” của ngành đường sắt gửi tới người tham gia giao thông vẫn còn nguyên giá trị. Bởi việc chủ động phòng tránh tai nạn khi lưu thông đến các điểm có nhiều nguy cơ đã được cảnh báo hoàn toàn có thể thực hiện được nếu người điều khiển phương tiện tuân thủ quy định và có trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm đối với bản thân và gia đình.

Có vị đại biểu Quốc hội đã ví von đầy chua xót: Một số người khi băng qua đường sắt vẫn còn tồn tại thứ “văn hóa nhanh chân”. Nhiều trường hợp nhân viên đường sắt đã kéo gác chắn nhưng không chỉ xe máy, mà cả ô tô vẫn cố tình phóng vượt qua.

Vì thế, giải pháp đầu tiên, quan trọng và ít tốn kém nhất chính là ý thức của người tham gia giao thông có thể giúp cứu hàng trăm sinh mệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người dân, đất nước mãi mãi không bao giờ hết giá trị. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đặc biệt là cần xử lý nghiêm về trách nhiệm hình sự và kinh tế đối với trường hợp cố tình vi phạm luật giao thông đường bộ; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố phải phân rõ trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép. Phải có kế hoạch cụ thể trong việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép qua đường sắt, không thể xem đây chỉ là việc của ngành đường sắt. Và nếu xảy ra vi phạm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm….

Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên chỉ thành công khi và chỉ khi ý thức của người điều khiển phương tiện “cao hơn” các barie gác chắn. Và khi đó câu hỏi: “Trách nhiệm thuộc về ai?” chắc chắn sẽ nhanh chóng tìm được câu trả lời đối với những thương vong liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực