Tự hào cho cả dân tộc

Thứ ba, 24/08/2010 15:14
New Page 1
GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên trái) cùng các nhà
Toán học quốc tế tại lễ khai mạc Đại hội Toán học
thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ ngày 19/8/2010
.

(ĐCSVN) - Tuy gần như đã có niềm tin gần như chắc chắn từ trước đó nhưng vào lúc 12 giờ 55 phút ngày 19-8-2019, khi cả hội trường lớn của Hội nghị toán học quốc tế họp tại (Ấn Độ) vang danh giáo sư Ngô Bảo Châu trong tiếng vỗ tay kéo dài và khi tổng thống Ấn Độ trang trọng trao tấm huy chương Fields- giải thưởng toán học cao quí nhất thế giới, được coi là giải Nobel về toán học- cho ông thì mọi người Việt Nam, nhất là các nhà toán học Việt Nam đều không khỏi rưng rưng xúc động và tự hào.

Mặc dù không nằm trong hệ thống giải Nobel nhưng câu hỏi bao giờ Việt Nam có giải Nobel, lĩnh vực nào và người Việt Nam nào được giải Nobel đầu tiên đã có lời giải. Niềm tự hào đó lại được nhân lên gấp bội vì một ngẫu nhiên nhưng cũng là tất nhiên, giáo sư Ngô Bảo Châu, vị giáo sự trẻ nhất của Việt Nam, năm nay 38 tuổi đã bước lên bục danh dự nhận giải thưởng Fields vào thời điểm cách đó đúng 65 năm, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã bùng nổ và thành công ở Hà Nội, nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Thời điểm ông nhận huy chương Fields cao quí cũng là thời điểm Hà Nội đang tưng bừng chuẩn bị đại lễ kỷ niệm 1.000 thành phố chính thức trở thành thủ đô của nước Việt Nam độc lập, tự chủ. Và Hà Nội, chỉ trong nửa tháng, sau sự kiện Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới nay lại được thế giới toán học thừa nhận một công dân ưu tú của mình là một tài năng toán học qua việc trao giải Fields. Đó là vinh dự không dễ có đối với mọi thành phố trong dịp kỷ niệm trọng đại của mình.

Trước khi Nobel- nhà bác học đã sáng chế ra thuốc nổ- mất, trong di chúc, ông có nguyện vọng được dùng hầu như toàn bộ tài sản khổng lồ của mình (2 triệu bảng Anh) để lập một quĩ giải thưởng dành cho những người có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, văn học, hoà bình (sau này ngân hàng Thuỵ Điển bổ sung giải kinh tế) vì lợi ích của loài người, nhưng rất tiếc, trong khoa học, Nobel chỉ dành giải thưởng mang tên mình cho hoá học, vật lý học, y học (sinh học). Năm 1923, nhà toán học Canada John Charles Fields đã dành 47.000 đô la Canada tài sản của mình để lập giải thưởng mang tên ông, dành tặng các nhà toán học dưới 40 tuổi, có những đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực toán học, được trao vào dịp Đại hội toán học quốc tế, 4 năm tổ chức một lần, mỗi kỳ đại hội trao cho không quá 2 người, nay tăng lên 4 người, tức là bình quân 1 năm chọn một người trên phạm vi thế giới. Giải thưởng Fields lần đầu tiên được trao vào năm 1936 (giải Nobel trao lần đầu tiên vào năm 1901), sau nhiều năm gián đoạn vì chiến tranh và không họp Đại hội, năm 1950 nó được trao lại, đến nay tổng cộng đã có 48 người được trao giải Fields.

Ngô Bảo Châu- người châu Á thứ 2 được giải này sau một nhà toán học Nhật Bản trong 74 năm qua, như lời giới thiệu của Liên minh toán học quốc tế, vì “đã đưa ra sự chứng minh sáng sủa, về bổ đề cơ bản, là phần quan trọng trong tầm nhìn về toán học mà Robert Langlands công tác tại viện nghiên cứu Princeton, bang New Jersey (Mỹ) đưa ra vào năm 1960. Với việc giải được bổ đề này, Ngô Bảo Châu đã chứng minh được lý thuyết mang tính cách mạng của R.Langlands, một lý thuyết giúp loài người gần như có được một cái nhìn thống nhất cho nhiều ngành của toán học là số học, đại số và giải tích và tiến xa hơn là giữa toán học và vật lý học, như một nhà toán học lý thuyết đã nói, một lý thuyết giống như cây cầu nối liền hai bờ sông. Đây là thành tựu toán học thuộc loại kỳ diệu, như một nhà toán học danh tiếng thế giới đã đánh giá.

Toán học lý thuyết là môn khoa học cơ bản trừu tượng nhưng ứng dụng của nó lại rất thiết thực trong đời sống thông thường, một thiên tài toán học phải được nuôi dưỡng trong một môi trường toán học trình độ cao và muốn có một nền toán học trình độ cao, phải có một nền kinh tế phát triển, một hệ thống giáo dục hoàn hảo. Vậy giải thích thế nào về hiện tượng Ngô Bảo Châu cũng như giải thích thế nào về hiện tượng Đặng Thái Sơn giải nhất trong cuộc thi âm nhạc Sô panh trước đây ? Chỉ có thể nói rằng, hoặc khẳng định thêm rằng người Việt Nam vô cùng thông minh và luôn khát khao vượt lên, bất chấp hoàn cảnh. Chúng ta đã có trên 450 trường hợp đoạt huy chương trong các kỳ thi ô limpích quốc tế giành cho học sinh phổ thông và tương đương phổ thông. Chúng ta đã đoạt huy chương ở ngay những môn Việt Nam rất ít lợi thế như toán học, sinh học, vật lý học, tin học… và không ít những người đoạt huy chương này đã chứng minh được thực tài của mình trong những năm tháng sau đó. Chúng ta cũng có rất nhiều nhà khoa học tầm cỡ thế giới trong nhiều lĩnh vực, nhiều học sinh giỏi tại các trường danh tiếng ở nước ngoài. Điều đó chứng minh với trí thông minh và ý chí vươn lên, trong một môi trường thuận lợi, chúng ta không phải quá xa vời với trình độ chung của thế giới.

Cũng phải kể đến nền giáo dục đại trà của Việt Nam, tuy còn không ít thiếu sót, yếu kém, bất cập nhưng không đến nỗi quá lạc hậu, quá kém cỏi so với bên ngoài. Phê bình thì cứ phê bình, phê bình để sửa chứ không nên phê bình để vùi dập, phủ nhận sạch trơn. Với sự kiện Ngô Bảo Châu, nhiều báo đã khẳng định đường lối đào tạo khoa học tại Việt Nam, riêng với toán học là những ý tưởng vượt trước thời gian của Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Phạm Văn Đồng là những chứng minh.

Nhưng nói đi phải nói lại, rõ ràng là làm việc ở nước ngoài có điều kiện phát triển tài năng khoa học hơn ở trong nước. Chúng ta thiếu rất nhiều thứ, thiếu nhất là môi trường có khả năng khuyến khích sự sáng tạo. Ngô Bảo Châu từng sinh ra trong lửa bom B.52 đánh vào Hà Nội, từng ăn uống thiếu thốn ở Hà Nội để đi học nhưng vẫn thành tài. Tuy thế, ông vẫn rất cần một môi trường thuận lợi để phát huy tài năng. Ở đâu cũng là phục vụ đất nước, miễn rằng luôn nghĩ mình là người Việt Nam, mình làm việc vì khoa học, vì nhân loại nhưng trước hết là vì tổ quốc Việt Nam. Và đất nước cũng như mọi người trong nước cũng cần mở lòng, rộng cửa để những người con như thế bay tới chân trời khát vọng của mình./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực