Việc cần làm sau Liên hoan Sân khấu hài lần thứ nhất

Thứ ba, 30/08/2011 17:16

Hài chèo Mợ ba nhà Bá Kiến của
đoàn nghệ thuật Thái Nguyên
Ảnh: sgtt.vn

(ĐCSVN) - Liên hoan Sân khấu hài lần thứ nhất được đánh giá là một bước tiến trong khâu quản lý nghệ thuật của Hội nghề. Khi các chương trình hài đã trở thành món ăn tinh thần của đông đảo công chúng, có mặt thường xuyên trong các chương trình biểu diễn thì đó đây, các vấn đề của tiếng cười trên sân khấu cũng đã được dư luận quan tâm.

Khi hầu hết các đơn vị phía Bắc “ra quân” đồng loạt trong một cuộc thi như thế này, những điểm mạnh, yếu trong biểu diễn hài mới trở thành tiếng chuông báo động mạnh mẽ.

Công luận và giới nghề đều rất hoan nghênh việc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan Sân khấu hài, bởi nhu cầu được giải trí của khán giả và sự đáp ứng một cách tự phát của các đơn vị nghệ thuật, các công ty giải trí tư nhân lâu nay đang là hiện thực sinh hoạt thường xuyên của sân khấu. Rõ ràng, diễn hài đã trở thành một trong những mảng hoạt động đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt sân khấu thường nhật. Nhưng do chưa chú trọng đến mảng diễn này, nên các nhà quản lý cũng như lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật chưa khi nào thực sự đặt hài như một vấn đề cần giải quyết thấu đáo về mặt nghệ thuật. Vậy là xảy ra hiện trạng: khi có những kỳ cuộc, cần có tiếng nói chính thức hay cần gây uy tín nghệ thuật thì các đơn vị dựng những vở, những chương trình nghiêm ngắn, đặt yêu cầu nghệ thuật là chính. Nhưng, để lo cho đời sống của nghệ sĩ, các vở diễn, chương trình trong hoạt động thường nhật lại chủ yếu là các tiết mục hài. Song vì là tiết mục chỉ để diễn doanh thu, lại hầu hết đi tỉnh xa, yêu cầu của bà con còn đơn giản nên các lãnh đạo đoàn không mấy khi chú ý đến những đòi hỏi như ý nghĩa tư tưởng, tính nghệ thuật.

Chính vì thế, khi Liên hoan Sân khấu hài được tổ chức, rất nhiều đơn vị đem tiết mục thường diễn đến dự thi và bộc lộ nhiều "tử huyệt" của tiếng cười trên sân khấu chúng ta hiện nay. Đó là sự nghèo nàn về kịch bản đến mức, trích đoạn khai thác từ vở tuồng đồ Nghêu – Sò – Ốc – Hến đã được cả Chèo, Tuồng, Cải lương đem đi Liên hoan. Khán giả "bội thực" khi cô Hến xuất hiện vài lần trên sàn diễn Liên hoan, lại càng thấy chán hơn bởi cô Hến của các đoàn đều na ná như nhau ở vẻ chua ngoa, đanh đá, mưu mô chứ không phải vì sự thông minh, đại diện cho công lý của dân gian đánh lại cường quyền. Hay như mô tả tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở, hoặc trích đoạn phê phán cái sự già mà còn đánh trống bỏi của Bá Kiến cùng lấy ý tưởng từ truyện ngắn Chí Phèo thì cũng có đến 4 đơn vị cùng dựng... Và không chỉ cùng khai thác kịch bản mà khi biểu diễn, sự giống nhau trong nét diễn, nét trang trí cũng đặt ra vấn đề về nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, công tác chỉ đạo nghệ thuật của các nhà hát…

Có thể thấy, viết cho hài và biểu diễn hài là hết sức khó khăn như cách nhìn của NSND Ngọc Phương, vì sau hơn hai ngàn năm của lịch sử sân khấu thế giới cũng chỉ là vài tên tuổi tác giả viết hài đếm được trên đầu ngón tay hay diễn viên hài có hạng cũng là của hiếm. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta tự an ủi, ru ngủ trước hiện trạng rất đáng báo động này.

Mặc dù ý kiến chung là rất ủng hộ và đồng tình, nhưng cũng phải nhận thấy những bất cập còn tồn tại khi tổ chức Liên hoan. Trước hết, tiêu chí đặt ra chưa rõ ràng, chủ trương chưa nhất quán nên có đơn vị đem trọn vẹn cả vở, có đơn vị đem trích đoạn để dự thi. Rõ ràng là hình tượng nghệ thuật của vở diễn khác với hình tượng nghệ thuật của trích đoạn, lại được cùng đặt để so sánh sẽ gây ra những sự khập khiễng nhất định. Cũng đã có sự nhầm lẫn về thể tài, khi có đơn vị đem những trích đoạn đậm tính bi hơn sự hài hước. Và các trích đoạn được đưa đến Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp đợt này, còn mang nặng tính cổ động thông tin, rất thiếu tính nghệ thuật. Nghĩa là, dù sống bằng các tiểu phẩm hài, bằng việc biểu diễn tạp kỹ, nhưng các đơn vị chưa thật sự chú trọng đầu tư cho mảng này.

Hay như việc Liên hoan chỉ xét yếu tố diễn xuất của diễn viên, cũng là tiêu chí khiến các nhà lý luận, hoạt động nghệ thuật phân vân. Diễn viên nằm trong tổng thể của tính trọn vẹn ở một tác phẩm sân khấu. Thật khó bóc tách, cái gì là thành công chỉ thuộc về diễn viên trong sự trọn vẹn, thống nhất của vở diễn như vậy.

Là nghệ thuật tổng hợp nên yếu tố này ảnh hưởng một cách hữu cơ, biện chứng với các yếu tố khác nên việc thiếu kịch bản hài hay khiến các nghệ sĩ cứ phải gồng mình lên để biểu diễn và gây ra tình trạng, diễn viên thì cố hết mức, song khán giả vẫn thấy khó có thể cười được.

Kịch bản là "bột" cần thiết để các nghệ sĩ có những cơ sở để sáng tạo và "gột nên hồ". Vậy tại sao, kịch bản cho sân khấu hài hiếm hoi đến vậy? Nhà viết kịch Văn Sử, khi được hỏi tại sao vẫn còn nhiều những tiểu phẩm hài được biên dịch chứ không phải là sáng tác của chúng ta, đã nhận định: do tư duy của các nhà biên kịch. Khi mới đến với nghệ thuật biên kịch sân khấu, tất cả các tác giả đều xuất phát từ việc sáng tác những tiểu phẩm, kịch ngắn…, nhưng khi đã trở thành nhà biên kịch chuyên nghiệp thì tất cả các tác giả đều chỉ dành tâm sức cho việc sáng tác các kịch bản dài. Vì kịch bản cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp rất thiếu, nên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có mở trại sáng tác cũng chỉ đề ra tiêu chí viết vở dài. Thêm vào đó, chúng ta chưa có sự điều hành hợp lý khi các đơn vị chủ quản chưa nhận thức tốt, có tầm vĩ mô để phối kết hợp, cùng nhau giải quyết vấn đề này. Cụ thể là cần sự kết hợp giữa Hội Nghệ sĩ Sân khấu và Cục Văn hoá cơ sở để có thể có được những kịch bản hài ngắn vì viết kịch bản hài dài là rất khó. Theo ông, rất nhiều các tác giả nghiệp dư sống bằng việc bám sát cơ sở, có được những kịch bản ngắn giàu sức sống, bám sát hiện thực nhưng lại thiếu những kiến thức chuyên nghiệp của nghề biên kịch. Trong khi, người viết chuyên nghiệp lại thiếu đi nét tươi mới của hiện thực và chỉ chuyên chú đến việc sáng tạo theo yêu cầu, điều đó lý giải cho sự khan hiếm kịch bản hài cho sân khấu chuyên nghiệp. Nên chăng, cần cung cấp kiến thức biên kịch cho các nhà viết kịch cơ sở cũng như có thể đưa những ý tưởng của họ đến với các nhà biên kịch chuyên nghiệp?

Từ một cuộc Liên hoan, rất nhiều vấn đề của sân khấu cần được đặt ra bàn thảo một cách nghiêm ngắn. Tin rằng, công chúng sẽ là thước đo, là sự gạn lọc cho tiếng cười. Hiện trạng đáng buồn của sân khấu hài cũng là tiếng chuông báo động chung cho sân khấu chúng ta./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực