Xử lý nghiêm các hành vi trục lợi trong phòng, chống dịch

Thứ sáu, 07/08/2020 11:21
(ĐCSVN) - Trước sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, trong khi cả nước đang chung sức đồng lòng chống dịch thì vẫn có những cá nhân tìm mọi cách thu lợi bất chính từ việc sản xuất trang, thiết bị y tế giả, kém chất lượng...

Thời gian qua, cùng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương trong cả nước đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây sản xuất hàng giả liên quan đến các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân.

Tại Hòa Bình, ngày 01/8, khi kiểm tra đột xuất Công ty CP đầu tư may mặc V-Link, cơ quan chức năng đã phát hiện trong khu vực nhà xưởng được đơn vị này cho Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM thuê lại có 1.552 kg găng tay cao su đã phân loại và chưa phân loại, 8 bao tải găng tay thành phẩm, 31 bao tải khẩu trang thành phẩm và 24 bao tải khẩu trang chưa thành phẩm, 154 kg vỏ bao găng tay y tế, 2.409 chiếc hộp đựng găng tay y tế loại 100 chiếc/hộp... Các bên liên quan không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số sản phẩm nói trên. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện và thu giữ hàng vạn chiếc găng tay cao su tại một số cơ sở ở Hà Nội do các sản phẩm này có dấu hiệu vi phạm về nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 Công an kiểm tra nhà kho của đường dây sản xuất găng tay y tế giả tại TP Hồ Chí Minh.
(Ảnh: Hoàng Thuận).

Trước đó, chiều 30/7, Cục nghiệp vụ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra Công ty TNHH sản xuất và Thương mại thiết bị Nam Anh (quận Tân Phú) đã phát hiện hàng trăm thùng với hơn 151.000 khẩu trang giả nhãn hiệu 3M của Mỹ.

Mới đây nhất, tối 03/8 cũng tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây sản xuất găng tay y tế giả với số lượng lớn. Tại thời điểm kiểm tra, đã phát hiện 32 công nhân đang sàng lọc, đóng găng tay từ những bao tải lớn thành từng hộp, thùng mang nhãn hiệu của một công ty khác. Trong kho có 2.370 thùng găng tay đã đóng gói hoàn thiện, tương đương 2,3 triệu chiếc găng tay giả, ước tính trị giá trên 3 tỷ đồng.

Đặc biệt, dư luận còn chưa quên vụ việc các cơ quan chức năng TP Hà Nội kiểm tra và phát hiện đối tượng Trương Thị Bình cùng các đồng phạm có hành vi làm giả là 14.587 bộ trang phục phòng dịch, tương đương với hàng thật trị giá hơn 1 tỉ đồng. Điều đáng nói là có hàng nghìn bộ trang phục phòng dịch trong số này đã được bán ra thị trường trước khi hành vi phạm tội của các đối tượng này bị đưa ra ánh sáng.

Đây chỉ là một số vụ việc điển hình liên quan đến việc sản xuất, buôn bán đồ bảo hộ y tế giả, khẩu trang y tế, găng tay y tế kém chất lượng... để thu lợi bất chính trong mùa dịch. Theo các chuyên gia, đây là những hành vi hết sức nguy hiểm bởi các mặt hàng nói trên khi đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch, gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch cũng như cho người tiêu dùng.

Anh Phạm Quốc Quyết ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chia sẻ, bản thân hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đã vi phạm các quy định của pháp luật. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc trục lợi từ đồ bảo hộ y tế giả, khẩu trang y tế, găng tay y tế kém chất lượng... là những hành vi phi nhân tính. Rất có thể chính vì những sản phẩm này mà dịch COVID-19 lại có cơ hội lây lan, gây hại cho cộng đồng.

Nhất trí với quan điểm nói trên, chị Nguyễn Thị Thủy ở TP Hòa Bình (Hòa Bình) cho rằng, để phòng chống dịch COVID-19, khẩu trang y tế, gang tay y tế... là những vật dụng thiết yếu đối với mỗi người. Vậy mà chỉ vì lợi nhuận, vì đồng tiền mà nhiều cá nhân đã bất chấp tất cả. Các loại khẩu trang giả, không đảm bảo về chất lượng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc phòng, tránh dịch bệnh. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân nói trên.

 Có thể thấy, việc sản xuất, mua bán đồ bảo hộ y tế giả, khẩu trang, găng tay y tế kém chất lượng không chỉ là hành vi gian dối trong hoạt động kinh doanh thương mại mà còn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại đến người sử dụng, đe dọa sự an toàn của xã hội. Trong tình hình bệnh dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay, hành vi này đã và đang bị dư luận lên án mạnh mẽ. Việc xử lý nghiêm minh các đối tượng sản xuất, mua bán đồ bảo hộ y tế giả, khẩu trang, găng tay y tế kém chất lượng sẽ có ý nghĩa răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự; đồng thời trực tiếp góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn xã hội./.
Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực