Xử nghiêm hành vi tấn công để...“thông chốt”!

Thứ bảy, 28/08/2021 09:20
(ĐCSVN) - Liên tiếp những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều trường hợp các cá nhân “thông chốt” kiểm soát dịch COVID-19 bằng cách tấn công các cán bộ đang thực thi công vụ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho những người đang thi hành nhiệm vụ mà còn thể hiện rất rõ bản tính côn đồ của một số các đối tượng.
Đại úy Lê Ngọc Dũng bị đâm trọng thương phần đầu. (Ảnh: CAHN cung cấp) 

Chiều 25/8, ở tuyến đường Lê Đức Thọ (hướng đi Hồ Tùng Mậu) thuộc địa bàn phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tổ công tác kiểm soát dịch COVID-19 phát hiện nam thanh niên tên Trịnh Anh Anh (21 tuổi, trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), hiện là sinh viên năm cuối một trường cao đẳng tại Hà Nội, điều khiển xe máy không biển kiểm soát. Tổ công tác ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra, nhưng Trịnh Anh Anh không chấp hành, tăng ga phóng xe máy bỏ chạy và đâm vào Đại úy Lê Ngọc Dũng khiến anh ngã ra đường, chảy máu vùng đầu, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19/8.

Trước đó, đêm 21/8, tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 số 3 xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), lực lượng chức năng phát hiện Đặng Văn Tình (sinh năm 2003, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển xe máy định đi qua chốt. Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra giấy tờ nhưng đối tượng không chấp hành, bất ngờ tăng tốc tông trúng Trung úy Lưu Trường Giang (Công an huyện Mê Linh) làm nhiệm vụ kiểm soát, rồi bỏ chạy. Hậu quả, Trung uý Giang bị thương ở chân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức.

Còn nữa, chiều 10/8, Đại úy Ngô Hải Phú cùng tổ công tác được phân công trực tại chốt trước cửa số nhà 221 Hoàng Văn Thái (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân). Thời điểm này, có 1 thanh niên điều khiển xe máy chở 2 người, tất cả đều không đội mũ bảo hiểm, lưu thông trên phố Hoàng Văn Thái. Trông thấy chốt kiểm soát, nam thanh niên điều khiển xe máy bỏ chạy. Đại úy Ngô Hải Phú đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra nhưng đối tượng không chấp hành, tiếp tục tăng ga. Đại úy Ngô Hải Phú đuổi theo để giữ lại nhưng đối tượng cầm lái vẫn cố tình tăng ga và người ngồi sau bất ngờ dùng tay quàng qua vai cảnh sát, làm cả hai ngã ra đường làm Đại úy Ngô Hải Phú bị gãy xương.

Chưa hết, mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) vừa khởi tố hai đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ. Cả hai đối tượng bị khởi tố đều mới chỉ 18 tuổi, nhưng thể hiện bản tính hết sức côn đồ. Khi qua chốt kiểm dịch, chúng không dừng xe theo hiệu lệnh mà tăng ga bỏ chạy, không những vậy còn vác điều cày đánh cán bộ truy đuổi…

Đây chỉ là 4 trong số khá nhiều trường hợp cố tình vi phạm các quy định và ngang nhiên tấn công lực lượng phòng, chống dịch. Bởi trong thời gian qua, cả trên các báo cũng như mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những video clip có nội dung phản cảm, chống đối người thi hành công vụ tại các chốt kiểm dịch ở nhiều địa phương trong cả nước.

Mới đây thôi, một người đàn ông ở khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt 3,7 triệu đồng vì vi phạm hàng loạt các quy định của pháp luật. Người đàn ông này không những không chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, mà còn có hành vi chống đối, lăng mạ, thách thức lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch. Nhiều ý kiến tỏ ra phẫn nộ khi người đàn ông này có hành vi vỗ ngực tự xưng là tiến sĩ, người của VTV để đe dọa các cán bộ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch. Dư luận cho rằng, việc chỉ phạt hành chính hơn 3 triệu đồng đối với trường hợp này là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Nhiều người cho rằng, trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, các cấp, các ngành và toàn xã hội đang chung tay, góp sức vào nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh thì những hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ để “thông chốt” là điều không thể chấp nhận được, kể cả dưới khía cạnh đạo đức và luật pháp. Những hành động này cần phải được xem là việc chống lại xã hội, coi thường pháp luật chứ không đơn thuần chỉ là sự phản kháng yêu cầu của lực lượng chức năng.

Xét về mặt lý thuyết, chế tài nào cũng là để răn đe, phòng ngừa, kể cả phạt tiền hay xử lý hình sự. Song, thực tế cho thấy chế tài xử phạt hành chính đối với một số đối tượng gần như là vô tác dụng, nên cần phải áp dụng biện pháp mạnh hơn như tịch thu xe, hay xử lý hình sự. Chỉ có như vậy mới khiến họ biết sợ mà từ bỏ thói côn đồ.

Tuy nhiên, tính đến nay, các hành vi chống người thi hành công vụ tại các chốt kiểm soát dịch bệnh chủ yếu là xử phạt hành chính. Những vụ bị khởi tố, bắt giam về hành vi không chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19, cố tình “thông chốt” khi có hiệu lệnh dừng xe kiểm tra giấy tờ, lớn tiếng la lối ăn vạ, thậm chí tấn công lực lượng thực thi nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch... còn quá ít nên chưa khiến những kẻ manh động khác lấy đó làm gương. Đó là lý do vì sao liên tục xảy ra các vụ chống đối, tấn công cán bộ tại nhiều chốt kiểm dịch ở các địa phương trên cả nước.

Tình hình cấp bách hiện nay đòi hỏi phải có biện pháp chế tài cứng rắn, nghiêm khắc. Mọi hành vi tấn công bằng vũ lực đối với các thành viên tổ công tác phòng dịch, phá hoại tài sản hoặc trang thiết bị tại các chốt kiểm soát, cần thiết phải xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015. Đó là các hành vi như gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức... có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội. Do đó, cần phải tăng cường xử lý hình sự để phát huy tác dụng răn đe của hình phạt, khiến nhiều người vì sợ mà phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, rất cần sự đồng lòng, chung sức của toàn dân. Mà hiệu quả phòng, chống dịch không chỉ phụ thuộc vào lực lượng chức năng mà còn phụ thuộc vào chính nhận thức, trách nhiệm của mỗi người. Hành vi lăng mạ, đe dọa, tấn công lực lượng phòng, chống dịch của các đối tượng nói trên vừa thể hiện sự vô trách nhiệm cộng đồng, vừa là những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Do đó, việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm lúc này chính là hành động nhân văn, vì cộng đồng, vì mục tiêu sớm đẩy lùi thành công dịch bệnh. Do đó, các đối tượng này cần phải bị xử lý nghiêm để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật. Và, đây cũng là tấm gương để răn đe kẻ khác./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực