Ban hành Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự là cần thiết

Thứ tư, 27/05/2015 17:30

(ĐCSVN) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 27/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh chương trình khóa XIII và năm 2015, đồng thời cho ý kiến về điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.  

Quốc hội làm việc tại hội trường sáng 27/5. 


Theo tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự cho biết, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2006, 2009 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động điều tra hình sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự. Để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp và đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra, bảo đảm tính thống nhất và sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp lệnh năm 2004 thì việc xây dựng, ban hành Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đồng bộ, cụ thể và nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra hình sự trong tình hình mới.

Theo tờ trình của Chính phủ, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau nêu trong dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự như: Về bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Về điều tra đối với một số trường hợp phát hiện tội phạm ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Về bổ sung quy định nhằm bảo đảm sự phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan.

Cho ý kiến về điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các đại biểu bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ với bức xúc của một bộ phận người lao động trong thời gian qua liên quan đến việc thu hẹp đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau 1 năm nghỉ việc. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chưa có hiệu lực thi hành, có nghĩa là chính sách bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau 1 năm nghỉ việc vẫn đang được thực hiện bình thường cho đến hết ngày 31/12/2015. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đặt câu hỏi: Có phải tất cả người lao động về một lần đều hoàn toàn thực sự khó khăn không và liệu số tiền hưởng bảo hiểm xã hội một lần có giải quyết được khó khăn trước mắt của họ không? Vì theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2010-2014, trong hơn 2 triệu người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có tới gần 1 triệu người mới làm việc có một năm trở lại, tức là hưởng một lần chỉ được tối đa 1,5 tháng tiền lương tối thiểu mà có thể số tiền này còn thấp hơn tiền lương thực nhận. Thực tế, phần lớn người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần là những người lao động có số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa nhiều, làm công việc ngắn hạn và thời vụ nên nhận thức về việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tích lũy số năm đóng bảo hiểm xã hội còn hạn chế.

Tuy nhiên, để đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động, các đại biểu Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ), Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh), Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) và một số đại biểu khác ủng hộ quan điểm của Chính phủ là tôn trọng quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Đại biểu Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) đề nghị: Thứ nhất, Quốc hội ra một nghị quyết kéo dài điểm C, Khoản 1, Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Thứ hai, đề nghị thời gian tới, phải xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nếu không thì xu hướng nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ lại tiếp tục tăng cao như thời gian qua. Thứ ba, Chính phủ cần xây dựng một lộ trình để nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần phù hợp với tỉ lệ lao động trong khu vực chính thức để giảm dần số người không có lương hưu khi về già.

Một số ý kiến cũng cho rằng, quy định tại điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 góp phần thu hẹp dần và hạn chế đối tượng đang tham gia sớm rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội. Điều 60 khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, khắc phục tình trạng nhà nước bỏ ra 3 nghìn tỷ trợ cấp người lao động từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu. Vì thực tế vừa qua cho thấy, quy mô và số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng rất nhanh. Nếu năm 2007, số hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần chiếm 18,92% so với số mới tham gia bảo hiểm xã hội trong năm, tương ứng thì tỉ lệ này tăng lên 138,87% vào năm 2013 và 107,75% vào năm 2014. Luật nên quy định mở để người lao động được lựa chọn, theo nguyên tắc có đóng thì có hưởng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Cách làm thì chúng ta có thể sửa điều 60 hoặc ra Nghị quyết để người lao động có quyền chọn lựa được nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, hoặc có quyền bảo lưu cho đến lúc nhận lương hưu, nhưng phải bảo đảm quyền lựa chọn, chính đáng và hợp pháp của người lao động.

Thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhiều đại biểu nhận định, việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội vẫn còn những hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục. Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị, đối với các dự án luật đã được đưa vào chương trình xây dựng luật thì phải quyết tâm thực hiện, hạn chế tối đa việc đưa vào, rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, không nên chuyển tiếp các luật sang nhiệm kỳ sau. Đồng thời, không nên để một số dự án luật trên 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Do đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu ý kiến nên kéo dài thời gian kỳ họp để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh đã được đề ra. Đại biểu Trần Ngọc Vinh nhấn mạnh, đã đến lúc Quốc hội cần xây dựng chế tài cụ thể nhằm xử lý trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị chậm chễ trong việc xây dựng luật, pháp lệnh.

Về việc lùi thời gian trình các dự án, để đảm bảo tinh thần hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, đặc biệt là quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, một số ý kiến đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Biểu tình vào Kỳ họp thứ 10 và thông qua vào kỳ họp thứ 11 năm 2016.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực