Bộ Tài chính xin ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Thứ tư, 20/04/2022 09:35
(ĐCSVN) - Việc thực hiện thu phí BVMT đối với khoáng sản theo quy định tại NĐ 164 đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý khai thác khoáng sản; khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ, khai thác hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản gắn liền với công tác BVMT; góp phần phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; bảo vệ, tái tạo cảnh quan môi trường nơi khai thác khoáng sản.
leftcenterrightdel
Ảnh minh họa, nguồn Internet 

Ngày 19/4, Bộ Tài chính đã gửi văn bản xin ý kiến một số Bộ, ngành về việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản (NĐ 164). Tại dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung 3 nhóm nội dung gồm: (1) Nội dung thể chế chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (2) Nội dung giải quyết vướng mắc; (3) Nội dung sửa đổi để bảo đảm thống nhất và kỹ thuật trình bày văn bản...

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện thu phí BVMT đối với khoáng sản theo quy định tại NĐ 164 đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVMT của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tăng cường quản lý khai thác khoáng sản; khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ, khai thác hiệu quả, tiết kiệm khoáng sản gắn liền với công tác BVMT; góp phần phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; bảo vệ, tái tạo cảnh quan môi trường nơi khai thác khoáng sản.

Số thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản hàng năm đã góp phần tích cực để địa phương bổ sung nguồn đầu tư cho BVMT tại nơi khai thác. Số thu phí hàng năm đều có tăng trưởng tích cực, cụ thể: Năm 2017 là 3.029 tỷ đồng; năm 2018 là 3.448 tỷ đồng; năm 2019 là 3.737 tỷ đồng; năm 2020 là 3.576 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần triển khai chủ trương mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản. Trong số các giải pháp phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 có đề cập đến giải pháp: Hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (TTg) đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường quản lý khai thác khoáng sản. Trong đó, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông. Tại Chỉ thị số 38/CT-TTg, TTg chỉ đạo: Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (bao gồm chính sách phí) đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, Nghị định 164 cũng bộc lộ một số vướng mắc phát sinh do hệ thống văn bản chưa đồng bộ như: Theo quy định tại Điều 65 Luật Khoáng sản: Tổ chức, cá nhân thực hiện “dự án đầu tư xây dựng công trình” khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác thì được thu hồi khoáng sản. Tại khoản 4, 5 và 6 Điều 3 Luật Dầu khí: Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài được khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện dịch vụ dầu khí theo quy định của pháp luật dầu khí. Như vậy, NĐ 164 chưa bao quát quy định thu phí đối với 02 trường hợp này.

Tại khoản 1 Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản (NĐ 158): Việc xác định sản lượng khai thác thực tế trên cơ sở các thông tin, số liệu của Sổ sách, chứng từ, tài liệu quy định pháp luật khoáng sản. Tại Điều 4 Thông tư số 17/2020/TT-BTNMT ngày 24/12/2020 của Bộ TN&MT: Toàn bộ khoáng sản nguyên khai phải được cân, ghi chép đầy đủ vào Sổ theo dõi, thống kê khối lượng khoáng sản nguyên khai và khối lượng đất đá thải. Hàng năm, phải tổng hợp số liệu sản lượng khoáng sản khai thác thực tế và khối lượng đất đá thải đưa vào báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản, gửi cơ quan thuế. Như vậy, căn cứ Sổ sách, chứng từ, tài liệu theo quy định của pháp luật khoáng sản có thể xác định số lượng đất đá bóc, đất đá thải và số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác làm căn cứ tính phí BVMT. Tuy nhiên, NĐ 164 không căn cứ theo các tài liệu này mà căn cứ vào tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình, báo cáo đánh giá tác động môi trường, các tài liệu khác và căn cứ vào tỷ lệ quy đổi; chưa bảo đảm thống nhất với pháp luật khoáng sản.

Ngoài ra, Nghị định 164 vẫn chưa tương thích với Luật Quản lý thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường nên đã đến lúc cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại NĐ 164 để bảo đảm thống nhất với Luật NSNN, Luật Quản lý thuế và Luật BVMT trong việc khai phí khoáng sản, quản lý tiền phí nộp ngân sách nhà nước, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản...

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 64, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung thể chế chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong đó có giải pháp hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả; khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; bảo đảm cho địa phương linh hoạt trong điều chỉnh mức thu phí, hạn chế ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng trong bối cảnh dịch Covid-19, ảnh hưởng đến thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng; Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tăng khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng tăng 150% mức phí tối thiểu và mức phí tối đa tại NĐ 164. Theo đó, các loại khoáng sản như sỏi, cuội, sạn sẽ có mức phí từ 6.000 – 9.000 đồng/m3; Đá làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ có mức phí từ 1.500 – 7.500 đồng/m3; Cát vàng được đề xuất mức phí từ 4.500 – 7.500 đồng/m3; Các loại cát khác được đề xuất phí ở mức 3.000 - 6.000 đồng/m3; Đất sét, đất làm gạch, ngói cũng dao động từ 2.250 – 3.000 đồng/m3.

Để thống nhất với pháp luật khoáng sản, bao quát các trường hợp khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than theo quy định pháp luật dầu khí, Bộ Tài chính trình Chính phủ nội dung giải quyết vướng mắc. Theo đó, người nộp phí BVMT đối với khai thác khoáng sản theo Nghị định này gồm: (1) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật khoáng sản; (2) Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài được phép tiến hành khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí thải trên cơ sở hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện dịch vụ dầu khí theo quy định của pháp luật dầu khí; (3) Tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua khoáng sản không có cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc khai nộp phí thay cho tổ chức, cá nhận khai thác khoáng sản nhỏ lẻ và không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp phí BVMT đối với khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua khoáng sản là người nộp phí.

Việc sửa đổi khung mức phí đối với khai thác đá làm mỹ nghệ khối lớn, đá hoa trắng để sản xuất bột carbonat đã được đề xuất tại dự thảo này. Hiện pháp luật khoáng sản không quy định thế nào là “khối lớn” để làm cơ sở tính phí, gây vướng mắc trong xác định mức phí. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sử dụng mốc 0,4 m3 để làm mốc phân biệt mức phí. Theo đó, quy định mức phí đối với đá ốp lát, làm mỹ nghệ < 0,4 m3: 50.000 - 70.000 đồng/m3 (như mức phí hiện hành); mức phí đối với đá ốp lát, làm mỹ nghệ ≥ 0,4 m3 sẽ dao động trong mức 60.000 - 90.000 đồng/m3 (bằng mức thu đối với đá block). Đồng thời, bãi bỏ khoản 6 Điều 5 NĐ 164.

Hiện nay, pháp luật khoáng sản không quy định rõ về các loại khoáng chất khác. Tại tỉnh Nghệ An áp dụng điểm 6 Mục II nêu trên để thu phí đối với trường hợp khai thác đá hoa trắng sản xuất bột carbonat. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng đá hoa trắng có giá trị cao, việc áp dụng thu như tỉnh Nghệ An là không phù hợp. Tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung thu phí đối với trường hợp này vào Biểu khung mức phí. Để bảo đảm thống nhất, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho bổ sung quy định thu phí đối với đá hoa trắng sản xuất bột carbonat: 1.500 - 7.500 đồng/tấn (bằng mức phí đối với đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại dự thảo Nghị định).

Tại dự thảo Nghị định này, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi phương pháp tính phí đối với đất đá bóc, đất đá thải, bỏ tỷ lệ quy đổi số lượng khoáng sản thành phẩm ra khoáng sản nguyên khai. Vì các quy định hiện nay mới mang tính ước lệ, nhiều địa phương cho rằng việc quy đổi chưa có căn cứ cụ thể, mang tính tương đối. Mặt khác, để thống nhất về thuật ngữ với pháp luật khoáng sản, cần sửa cụm từ “đất đá bốc xúc” tại dự thảo Nghị định thành “đất đá bóc, đất đá thải”.

Để bảo đảm thống nhất, tạo thuận lợi trong việc thực hiện, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa khoản 3, 4 Điều 5 NĐ 164 (quy định tại khoản 2, 3 Điều 7 dự thảo Nghị định). Theo đó, số lượng đất đá bóc, đất đá thải trong kỳ nộp phí (Q1) được xác định căn cứ vào sổ sách, chứng từ, tài liệu theo quy định của pháp luật khoáng sản. Số lượng khoáng sản khai thác trong kỳ để tính số phí BVMT phải nộp là số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí (Q2) được xác định căn cứ vào Sổ sách, chứng từ, tài liệu theo quy định của pháp luật khoáng sản.

Quy định căn cứ tính phí khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm cũng được Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung bởi theo quy định hiện hành, căn cứ khoản 5 Điều 5 NĐ 164 khó xác định mức phí phải nộp đối với khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm. Vì không xác định được tỷ lệ khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm trong khoáng sản nguyên khai, để làm căn cứ tính phí. Một số địa phương đề nghị bổ sung tỷ lệ quy đổi đối với trường hợp này. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa khoản 5 Điều 5 NĐ 164 (quy định tại khoản 4 Điều 7 dự thảo Nghị định) theo hướng “4. Trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm (bao gồm cả trường hợp có nhiều loại khoáng sản đi kèm), căn cứ Quyết định Phê duyệt/công nhận trữ lượng/tài nguyên khoáng sản trong “Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản” của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia hoặc UBND cấp tỉnh tỷ lệ trữ lượng thành phần có ích của khoáng sản chính và từng khoáng sản đi kèm trong tổng trữ lượng thành phần có ích. Trên cơ sở tỷ lệ này và tổng số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (Q2), xác định số lượng khoáng sản nguyên khai đối với khoáng sản chính và từng khoáng sản đi kèm làm căn cứ tính phí BVMT đối với khai thác khoáng sản. Mức phí đối với trường hợp này xác định như sau:

Mức phí đối với khoáng sản chính = Tỷ lệ trữ lượng thành phần có ích của khoáng sản chính X Tổng số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (Q2) X Mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (f2).

Mức phí đối với từng khoáng sản đi kèm = Tỷ lệ trữ lượng thành phần có ích của từng khoáng sản đi kèm X Tổng số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (Q2) X Mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (f2)”.

Đối với một số trường hợp cũng được bổ sung phương pháp tính phí. Theo quy định tại Luật Khoáng sản, có 03 trường hợp không có Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đó là: (i) Khai thác tận thu khoáng sản (khoản 1 Điều 70); (ii) Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó (khoản 2 Điều 64); (iii) Khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình, phát hiện có khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác khoáng sản mà không bắt buộc tiến hành thăm dò khoáng sản (điểm b khoản 1 Điều 65).

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức phản ánh, thực tế còn phát sinh trường hợp doanh nghiệp thu được khoáng sản đi kèm không trong trữ lượng được phê duyệt, trường hợp này không có Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Để bao quát các trường hợp nêu trên, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho bổ sung khoản 5, 6 Điều 7 dự thảo Nghị định theo hướng: “5. Trường hợp không có Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, người nộp phí tự xác định khối lượng từng loại khoáng sản khai thác thực tế nhân mức phí tương ứng của loại khoáng sản này; trường hợp khoáng sản được khai thác không có tên trong Biểu khung mức phí, số phí phải nộp bằng số lượng khoáng sản khai thác thực tế nhân mức phí của khoáng sản chính. 6. Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản bằng khối lượng khoáng sản thu mua nhân mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản”.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng kê khai số lượng khoáng sản nguyên khai và số lượng đất đá bóc, đất đá thải làm căn cứ tính phí không phù hợp thực tế, gây thất thu NSNN; đồng thời, làm rõ trách nhiệm tham mưu của các quan TN&MT, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung quy định (quy định tại điểm e khoản 2 và khoản 3 Điều 9 dự thảo Nghị định). Theo đó, cơ quan TN&MT có trách nhiệm đối chiếu số lượng đất đá bốc xúc thải ra và số lượng quặng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác tại từng mỏ do người nộp phí kê khai với dữ liệu đã có tại cơ quan TN&MT; Trường hợp số lượng khai phí không phù hợp với số lượng được phép khai thác ghi trên Giấy phép khai thác hoặc không phù hợp với số lượng thực tế khai thác không trái pháp luật hoặc thực tế thu gom hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan TN&MT sẽ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định số lượng đất đá bốc xúc thải ra và số lượng quặng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác. Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin do cơ quan thuế chuyển đến, cơ quan TN&MT có trách nhiệm chuyển thông tin cho cơ quan thuế để xử lý theo quy định của pháp luật quản lý thuế.

Cuối cùng, Bộ Tài chính trình Chính phủ về nội dung sửa đổi để bảo đảm thống nhất và kỹ thuật trình bày văn bản. Theo quy định hiện hành, có hai nội dung chưa được thống nhất đó là địa điểm nộp hồ sơ khai phí BVMT gồm: (i) Cơ quan thuế nơi khai thác khoáng sản, (ii) Cơ quan thuế quản lý trực tiếp; Khai phí (điểm đ khoản 1 Điều 8 NĐ 126); Quyết toán phí (điểm đ khoản 6 Điều 8 NĐ 126) và Hồ sơ khai phí (Phụ lục 1 kèm theo NĐ 126). Như vậy, chưa có sự thống nhất trong quy định về tổ chức thu phí giữa Điều 3 với khoản 1, 4 Điều 6 NĐ 164; giữa NĐ 164 với Luật Quản lý thuế và NĐ 126. Mặt khác, có sự quy định lặp lại về nội dung kê khai, nộp phí giữa Điều 6 NĐ 164 với pháp luật quản lý thuế.

Để bảo đảm thống nhất, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa Điều 3 NĐ 164 (tại Điều 3 dự thảo Nghị định): “Tổ chức thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản theo Nghị định này là cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.

Và tránh quy định lặp lại nội dung về kê khai nộp phí, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa Điều 6 NĐ 164 (quy định tại khoản 1 Điều 8 dự thảo Nghị định) theo hướng “Kê khai, nộp phí BVMT đối với khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định pháp luật quản lý thuế”.

Kim Chung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực