Cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm

Thứ tư, 30/09/2015 15:52

(ĐCSVN) - Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ban hành hơn 10 năm nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.

 

 (Ảnh minh họa: TGPL)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành, hiện nay số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ. Tuy vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho biết con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó.

Đáng chú ý, xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm... Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau; 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18-25 tuổi; trên 40% chủ chứa là phụ nữ. Tại các thành phố, xuất hiện trở lại các tụ điểm mại dâm khu vực công cộng tác động xấu đến môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ LĐ-TB&XH nhận định tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Đó là nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS; làm gia tăng các băng nhóm tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương...

Tuy vậy, theo Bộ LĐ-TB&XH, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm ban hành hơn 10 năm nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới. Cụ thể, khái niệm mại dâm hiện hành không bao quát được các hành vi mới như mua bán dâm giữa những người đồng tính, kích dục, khiêu dâm... gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Mặc dù xác định phòng ngừa là biện pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống mại dâm, tuy nhiên Pháp lệnh thiếu các quy định về điều kiện đảm bảo về nguồn lực thực hiện; thẩm quyền xử lý vi phạm (thẩm quyền thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện; thẩm quyền xử phạt của Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội...).

Đáng chú ý, Pháp lệnh thiếu chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm như: bảo kê, khiêu dâm, kích dục; đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm chưa quy định rõ cơ chế thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị để xử lý kỷ luật theo quy định.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, một trong những hoạt động chính của dự thảo Chương trình đang được lấy ý kiến là hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm. Theo đó, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mại dâm. Đặc biệt các vấn đề liên quan đến can thiệp giảm hại, phòng chống HIV/AIDS và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật phòng, chống mại dâm; dự kiến quan điểm, chính sách pháp luật mới về phòng, chống mại dâm cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Sơ kết, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực