Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ hai, 28/09/2015 16:03

(ĐCSVN) - Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016. Luật ra đời nhằm tạo khuôn khổ pháp lý với nhiều đổi mới về xây dựng, ban hành VBQPPL nhằm xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả.

Luật ban hành VBQPPL gồm 17 chương, 173 điều quy định nguyên tắc, thẩm quyền , hình thưc, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

 

Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật .
(Ảnh minh hoạ. Nguồn: TH).


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Để khắc phục hạn chế trong việc phân biệt khái niệm VBQPPL với văn bản hành chính thông thường và những văn bản khác của cơ quan nhà nước được ban hành trong thời gian qua, Luật mới đã bổ sung khái niệm “Quy phạm pháp luật” (Điều 3), đồng thời hoàn thiện khái niệm “Văn bản quy phạm pháp luật”.

Thực tiễn triển khai thực hiện cho thấy chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội là quá dài, không khả thi và thường xuyên phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển của đất nước. Để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong công tác lập pháp, Luật mới không quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội và chỉ quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm (Điều 31).

Về quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, so với 2 Luật hiện hành, Luật năm 2015 tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó tập trung quy định về quy trình xây dựng chính sách. Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của một số cơ quan, người có thẩm quyền khác theo đó bổ sung quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản.

Cùng với đó, bổ sung nhiều quy định mới về việc tổ chức lấy ý kiến nhằm mở rộng dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch trong xây dựng VBQPPL; tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng VBQPPL.

Đáng chú ý, Luật năm 2015 đã bổ sung 01 điều (điều 7) về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL từ khâu lập đề nghị xây dựng VBQPPL, chủ trì, tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, trình dự án, dự thảo đến ban hành VBQPPL. Trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Luật đã bổ sung 01 điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (điều 14), bao gồm các hành vi sau: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên; Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Điều 4 của Luật này nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Ban hành VBQPPL không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này. Quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trừ trường hợp được giao trong luật.

Luật năm 2008 và Luật năm 2004 quy định về quy trình xây dựng văn bản từ đề xuất sáng kiến, soạn thảo, xem xét cho đến ban hành và công bố VBQPPL nhưng chưa tách bạch giữa quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo văn bản. Khắc phục hạn chế đó, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, Luật ban hành VBQPPL 2015 đã bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo VBQPPL theo hướng tách bạch với quy trình soạn thảo. Quy trình này được áp dụng đối với luật, pháp lệnh và một số loại nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực