Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) tăng cường hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước

Thứ tư, 30/09/2015 15:29

(ĐCSVN) - Ngày 24/6/2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Theo đánh giá, luật đã nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của kiểm toán nhà nước, quy định cụ thể địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán nhà nước…trong giai đoạn mới.

Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 sẽ gồm 9 chương, 73 điều (so với Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành, dự thảo tăng 1 chương, giảm 3 điều, trong đó bổ sung 11 điều mới và bỏ 14 điều của Luật năm 2005).

 

 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Kiểm toán
 Nhà nước (sửa đổi) (Ảnh: KS)


Theo ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Luật KTNN được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 16/6/2005, có hiệu quả hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như: Quy định về địa vị pháp lý của KTNN chưa tương xứng với vị trí, vai trò của KTNN; phạm vi kiểm toán chưa bao quát hết việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài chính, tài sản công; chưa quy định đầy đủ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động KTNN; chưa có sự tương thích về một số quy định giữa Luật KTNN với các luật liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Ngân sách nhà nước…Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN là cần thiết nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về KTNN, đồng thời khắc phục những tồn tại bất cập của Luật KTNN hiện hành.

Luật KTNN năm 2015 sẽ có một số điểm mới cơ bản. Thứ nhất về phạm vi, đối tượng kiểm toán, luật đã cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Hiến pháp, luật quy định đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và các hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Luật đã quy định rõ nội dung tài chính công, tài sản công theo phạm vi kiểm toán của KTNN (điều 3). Do phạm vi kiểm toán mở rộng theo quy định của Hiến pháp nên bên cạnh những đơn vị được kiểm toán như quy định của luật hiện hành, Luật KTNN năm 2015 bổ sung đơn vị được kiểm toán là cơ quan quản lý sử dụng nợ công.

Thứ hai, Luật KTNN năm 2015 đã quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán. Báo cáo kiểm toán của KTNN là văn bản do KTNN lập và công bố để đánh giá, xác nhận, kết quả và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán, việc quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán có ý nghĩa quan trọng đối với đơn vị được kiểm toán cũng như các cơ quan, tổ chức sử dụng trong hoạt động của mình. Vì vậy, luật quy định: Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với các đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời quy định báo cáo kiểm toán của KTNN là căn cứ để Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và là căn cứ để đơn vị được kiểm toán thực hiện khiếu nại.

Thứ ba, về chế định Tổng KTNN được sửa đổi cho phù hợp với quy định của Hiến pháp; sửa đổi quy định về nhiệm kỳ của Tổng KTNN từ 7 năm thành 5 năm cho phù hợp với các chức danh khác trong bộ máy nhà nước. Cụ thể, Tổng KTNN do Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động của KTNN. Nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 5 năm theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Tổng KTNN có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tục.

Thứ tư, về thời hạn kiểm toán, để bảo đảm kết quả kiểm toán phục vụ kịp thời cho hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, luật quy định thời hạn cụ thể, theo quy định tại Điều 34, thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày. Trường hợp phức tạp, cần thiết thì Tổng KTNN quyết định gia hạn một lần không quá 30 ngày. Đối với cuộc kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc thường cần thời gian kiểm toán dài thì Tổng KTNN quyết định cụ thể thời hạn kiểm toán cho phù hợp.

Thứ năm, công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận để giám sát hoạt động của KTNN và việc chấp hành pháp luật, chấp hành kiến nghị của KTNN của các đơn vị được kiểm toán, luật quy định báo cáo kiểm toán sau khi phát hành được Tổng KTNN công bố công khai bằng một hoặc một số hình thức như: họp báo, công bố trên Công báo và phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên trang thông tin điện tử và các ấn phẩm của KTNN; niêm yết tại trụ sở của đơn vị được kiểm toán.

Thứ sáu, về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động của KTNN. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan với hoạt động KTNN, luật bổ sung chương 7, quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động KTNN, trong đó quy định về: Quốc hội với KTNN; Chính phủ với KTNN; trách nhiệm các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; trách nhiệm cơ quan tổ chức trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán; quy định về thẩm quyền giám sát của Quốc hội, trách nhiệm báo cáo, giải trình, trả lời chất vấn của Tổng KTNN trước Quốc hội, đại biểu Quốc hội./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực