Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật an toàn thông tin và Dự án luật khí tượng Thủy văn

Thứ bảy, 13/06/2015 20:38

(ĐCSVN) – Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 13/6, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật an toàn thông tin và Dự án luật khí tượng Thủy văn.

 

Các đại biểu làm việc tại tổ 


Dự án Luật an toàn thông tin quy định về hoạt động an toàn thông tin, bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; quản lý nhà nước về an toàn thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin. Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam.

Cho ý kiến về Dự án Luật an toàn thông tin, các đại biểu cho rằng, các sự cố về mất an toàn thông tin đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua, kéo theo những thiệt hại về vật chất và phi vật chất, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân, gây bức xúc, lo lắng cho xã hội. Do vậy việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin, tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Đại biểu Đào Việt Trung (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Dự án Luật an toàn thông tin là dự Luật mang tính kỹ thuật cao, điều chỉnh một vấn đề lớn trong đời sống sinh hoạt của xã hội, cộng đồng hiện nay không phải chỉ của nước ta mà là xu thế sắp tới chi phối tất cả đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, kể cả sinh hoạt của cá nhân ở phạm vi toàn cầu; đó là những vấn đề số hóa, mã hóa, thông tin mạng. Đây là vấn đề lớn và các khái niệm mang tính kỹ thuật cao nên có nhiều khoản các đại biểu không hình dung hết được dẫn đến khó khăn trong việc đóng góp ý kiến.

Đại biểu Đào Việt Trung đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các cơ quan chuyên môn, cơ quan thẩm tra nên có những hình thức như tọa đàm, hội thảo, phản biện để những chuyên gia đóng góp sâu về vấn đề này trước khi Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Luật này. Hiện nay, với hình thức là dự thảo Luật như thế này, các đại biểu chưa hình dung hết được tầm quan trọng và tính sát thực, tính rõ ràng, đúng hay không đúng của các điều khoản trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Đào Việt Trung, đây là vấn đề mới và có tính quan trọng nên Ban soạn thảo phải thận trọng và cố gắng đảm bảo tính chính xác cao để không phải chỉnh sửa khi mới ban hành. Vì vậy, cần có nghiên cứu đào sâu hơn nữa và các cơ quan chuyên môn cần tập trung vào các nội dung trong Luật trước khi trình Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng phải là một nội dung cơ bản, quan trọng trong Luật này, trong khi đó các quy định này trong dự án luật hiện nay còn quá ít. Bên cạnh đó, dự án Luật chưa có sự phân biệt trong việc thu thập, xử lý, sử dụng các thông tin do cá nhân thực hiện khai báo theo yêu cầu của tổ chức cung cấp dịch vụ với các thông tin cá nhân do cá nhân chủ động đưa lên mạng. Do vậy, chưa thể hiện được một cách toàn diện trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn đối với từng loại thông tin cá nhân.

Thảo luận về dự án Luật Khí tượng Thủy văn, đa số các ý kiến cho rằng, qua tổng kết, đánh giá việc thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn giai đoạn 1994 - 2014 cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về khí tượng thủy văn hiện tại chưa đầy đủ và không có hệ thống nên đã không bao quát được các hoạt động khí tượng thủy văn đang ngày càng phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Khí tượng thủy văn là cần thiết nhằm tạo ra bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thuỷ văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thuỷ văn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội có hiệu quả. Đồng thời, Luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khí tượng thủy văn trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật khí tượng thủy văn gồm 11 Chương, 61 Điều, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Thảo luận về dự án Luật, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị quán triệt nguyên tắc coi dự báo khí tượng thủy văn là dịch vụ công, mà nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho xã hội; từ đó có chính sách đầu tư thỏa đáng về phương tiện, con người; nâng cao tính chính xác, kịp thời của bản tin dự báo. Theo đại biểu Trần Du Lịch, thông tin Khí tượng thủy văn phải phục vụ tốt mọi lĩnh vực kinh tế, dân sinh, chứ kiểu dự báo “khu vực Nam bộ rải rác có mưa” thì thực tế không mấy ý nghĩa. Bên cạnh đó, muốn xã hội hóa lĩnh vực này thì cần làm rõ đây có phải loại hình kinh doanh có điều kiện không, giá và phí như thế nào.

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị, dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi công bố những dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không chính xác, dù dự báo thì không thể chính xác tuyệt đối, nhưng cũng chỉ có thể chấp nhận một sai số nhất định./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực