Tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ

Thứ sáu, 07/05/2021 15:11
(ĐCSVN)- Kiên quyết dừng hoạt động bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ của các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện theo quy định hoặc có sai phạm. Đây là một nội dung trong văn bản của Bộ GD&ĐT gửi các sở GD&ĐT, các đại học, trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm; Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng; Cục Đào tạo - Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ.
Ảnh minh họa 

Quy định rõ chế tài xử lý khi xảy ra sai phạm

Theo văn bản này, thực hiện quy định của Luật Giáo dục (2019), Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Kết quả thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua cho thấy công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các sở GD&ĐT, các Cục, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, vai trò quản lý của các cơ quan quản lý được nâng cao.

Tuy nhiên công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ còn có những tồn tại, hạn chế, một số nội dung thực hiện chưa đúng quy định.

Để bảo đảm công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đúng quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các Cục, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm ban hành hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản về quản lý văn bằng, chứng chỉ theo đúng nội dung, yêu cầu quy định tại Thông tư số 21/2019/TT- BGDĐT ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Nội dung văn bản phải quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của từng đơn vị, cá nhân, chế tài xử lý khi xảy ra sai phạm và chỉ quy định những nội dung Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT giao cho thủ trưởng cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý quy định.

Đồng thời, thực hiện cấp văn bằng, chứng chỉ đúng quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, các văn bản của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp của giáo dục đại học.

Quản lý văn bằng, chứng chỉ chặt chẽ, khoa học, đúng quy định

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu thực hiện việc quản lý văn bằng, chứng chỉ chặt chẽ, khoa học, đúng quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT, trong đó đặc biệt chú trọng những nội dung:

Ký văn bằng, chứng chỉ đúng thẩm quyền (trường hợp người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ chưa được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20).

Lập và quản lý sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ, sổ cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ đúng quy định (số gốc cấp văn bằng, chứng chỉ đúng mẫu tại Phụ lục Thông tư); chấn chỉnh việc cho phép nhận thay văn bằng, chứng chỉ.

Thực hiện việc in, quản lý, cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong việc tự chủ in, quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại các điều 9, 10, 11, 12.

Thực hiện công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị theo quy định tại Điều 26. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, xây dựng các phần mềm tra cứu để tạo thuận lợi người có văn bằng, chứng chỉ, cơ quan quản lý và các tổ chức có liên quan tra cứu, xác minh, công nhận văn bằng, chứng chỉ. Việc công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ đồng thời phải bảo đảm quyền bảo mật thông tin cá nhân của người được cấp văn bằng, chứng chỉ.

Trong văn bản, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trong việc việc tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp các loại chứng chỉ. Kiên quyết dừng hoạt động bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ của các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện theo quy định hoặc có sai phạm./.

Việt Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực