Từ 1/1/2015 khám bệnh ngoại trú bằng thẻ bảo hiểm y tế sẽ không được cùng chi trả 30%

Thứ năm, 11/12/2014 13:49

(ĐCSVN) - Từ 1/1/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới được quy định liên quan đến quyền lợi của hàng chục triệu người tham gia khám, chữa bệnh BHYT.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã sửa đổi, bổ sung 27/52 điều và đã bám sát những quan điểm tư tưởng của Hiến pháp 2013. Luật BHYT sửa đổi lần này có nhiều điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ, hội nhập quốc tế, mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, đặc biệt là đối tượng người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại vùng biển đảo để tiến tới BHYT toàn dân.

 

Người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. (Ảnh minh họa - Đỗ Thoa) 


Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), việc sửa đổi bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng bảo hiểm y tế nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.

Trong đó bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Từ 1/1/2015 khám ngoại trú sẽ không được cùng chi trả 30%

Cũng theo quy định tại Luật BHYT sửa đổi, từ 1/1/2015 người bệnh khám ngoại trú sẽ không được cùng chi trả 30%. Thay vào đó các quyền lợi cho bệnh nhân khám chữa bệnh nội trú vượt tuyến sẽ được mở rộng hơn.

Liên quan đến việc Luật BHYT sửa đổi có còn quy định nơi khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ bảo hiểm và quy định khám đúng tuyến và trái tuyến? bà Tống Thị Song Hương cho biết, về nguyên tắc, vẫn phải quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để làm cơ sở quản lý thẻ, theo dõi bệnh nhân, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên Luật sửa đổi lần này quy định thông thoáng hơn việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, nhất là đối tượng ở cơ sở. Từ ngày 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện đều được quyền khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được hưởng theo mức quy định.

Luật vẫn quy định mức thanh toán cho trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến và trái tuyến. Khi khám chữa bệnh đúng tuyến thì quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 100%, 95%, 80% tùy theo nhóm đối tượng, cơ sở khám chữa bệnh. Riêng trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, để tránh tình trạng quá tải tuyến trên, lần này Luật không thanh toán cho khám chữa bệnh ngoại trú. Quỹ BHYT chỉ thanh toán đối với trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến nhưng phải điều trị nội trú trái tuyến bởi người bệnh phải điều trị nội trú thường mang bệnh nặng, cần được ưu tiên về điều kiện chữa trị. Theo quy định mới của Luật, người điều trị nội trú trái tuyến sẽ được chi trả lần lượt 40%, 60%, 70% lần lượt đối với bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh - thành, quận - huyện khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Mức chi trả sẽ lên đến 100% ở Bệnh viện tuyến quận - huyện từ ngày 1/1/2016 và Bệnh viện tuyến tỉnh - thành từ ngày 1/1/2021.

Theo quy định mới của Luật BHYT sửa đổi bổ sung cán bộ hưu trí là đối tượng được nâng mức hưởng từ 95% lên 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi. Đối với những người có giấy tờ xác nhận là người có công sẽ được chuyển đổi quyền lợi lên mức hưởng cao hơn.

Thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh nếu tham gia BHYT 5 năm liên tục

Nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT ổn định, liên tục và đảm bảo thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng và công bằng hơn khi tham gia BHYT, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã quy định: Khi người tham gia bảo hiểm y tế đủ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh từ thời điểm đủ 5 năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho đến hết năm tài chính, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

Về mức phí đóng BHYT trong năm 2015, những đối tượng nào được hỗ trợ phí đóng BHYT, khi ra nước ngoài khám chữa bệnh, người có thẻ BHYT có được quỹ BHYT có hỗ trợ thanh toán không? bà Tống Thị Song Hương cho biết, từ ngày 1/1/2015, mức đóng BHYT giữ nguyên 4,5% như quy định tại Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Điều chỉnh mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở và thực hiện từ 1/1/2015. Tuy nhiên, mức đóng này thực tế sẽ được thực hiện từ năm học 2015-2016 vì Chính phủ quy định không truy đóng BHYT của năm học 2014 - 2015.

Về đối tượng được ngân sách hỗ trợ một phần mức đóng thì ngoài những đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi xã hội như người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người hiện đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo, các vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi…. được ngân sách nhà nước (NSNN) mua thẻ BHYT thì còn nhiều nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ một phần mức phí BHYT như:

- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo.

- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo quy định của Chính phủ;

- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại.

- Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng học sinh, sinh viên

- Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, tùy theo khả năng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác, kể cả 20% số kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT (nếu có), Nhà nước khuyến khích các địa phương tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng này.

Một trong những điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là không thanh toán chi phí khám, chữa bệnh khi người có thẻ BHYT ra nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh. Quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng hơn về quyền lợi BHYT, tránh sự lạm dụng và khuyến khích phát triển công nghệ y tế hiện đại ở trong nước.

Phải tham gia BHYT cả hộ gia đình

Tham gia BHYT theo hộ gia đình là quy định mới của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, bắt buộc toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú cùng tham gia thẻ BHYT. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng “lựa chọn ngược” – một hiện tượng phổ biến trước khi Luật này được ban hành, tức là chi khi ốm và chỉ những người ốm trong hộ mới tham gia BHYT.

Để khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, Luật đã quy định ưu tiên giảm trừ mức đóng BHYT từ thành viên thứ hai trở đi khi tất cả thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT, cụ thể hiện nay thực hiện như sau:

- Người thứ nhất có mức đóng = 4,5% mức lương cơ sở;

- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

- Từ người thứ năm trở đi đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Đối với hộ gia đình làm nông – lâm – ngư – diêm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực