Làm rõ trách nhiệm của kiểm sát viên trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội

Thứ tư, 18/09/2019 14:05
(ĐCSVN) - Đối với trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội có căn cứ, đúng pháp luật, phải chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, lãnh đạo được phân công thụ lý, giải quyết vụ án và xử lý vi phạm (nếu có).

Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao vừa ban hành văn bản số 32/HD-VKSTC hướng dẫn VKS các cấp và các đơn vị thuộc VKSND tối cao về công tác quản lý các trường hợp VKS truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.

Việc ban hành hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý các trường hợp Viện kiểm sát (VKS) truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, phục vụ tốt các hoạt động sơ kết, tổng kết công tác của Ngành; đồng thời xây dựng báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại một phiên tòa. Ảnh minh họa. Nguồn:  Bắc Ninh.

Hướng dẫn nêu rõ, VKSND các cấp phải có hình thức cụ thể để theo dõi, cập nhật đầy đủ, kịp thời những trường hợp VKS truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; thực hiện việc thông tin, báo cáo theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 20 Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành KSND (Ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày 1/8/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) và Hướng dẫn này; đồng thời chịu trách nhiệm về việc không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, chính xác, kịp thời những trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội thuộc trách nhiệm theo dõi, quản lý của cấp mình.

Viện trưởng VKSND các cấp, thủ trưởng đơn vị trực thuộc VKSND tối cao yêu cầu Kiểm sát viên, lãnh đạo thụ lý, giải quyết vụ án báo cáo đề xuất quan điểm xử lý ngay đối với trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; chỉ đạo làm rõ tính có căn cứ, tính hợp pháp của bản án để quyết định đường lối xử lý theo thẩm quyền của VKS.

Cụ thể, đối với trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội không có căn cứ hoặc trái pháp luật, VKS phải ban hành kháng nghị hoặc báo cáo đề xuất kháng nghị và gửi ngay cho VKS cấp trên. Đồng thời kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, lý do dẫn đến việc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên và những người có liên quan. Báo cáo đề xuất kháng nghị cần nêu rõ: Lý lịch bị cáo; nội dung vụ án; quá trình tố tụng đối với vụ án, nhận định và quyết định của bản án tuyên bị cáo không phạm tội; nhận xét, đề xuất xử lý của VKS. Viện trưởng VKS cấp trên phải trực tiếp nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo đối với báo cáo đề xuất kháng nghị của VKS cấp dưới, không để kéo dài, quá hạn kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội có căn cứ, đúng pháp luật, phải chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, lãnh đạo được phân công thụ lý, giải quyết vụ án và xử lý vi phạm (nếu có); tổ chức rút kinh nghiệm chung về công tác chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ đối với cấp mình. Khi có yêu cầu bồi thường phải tổ chức tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan.

Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo theo dõi, quản lý chuyên đề VKS truy tố Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội đối với cấp mình và VKSND cấp huyện trực thuộc; chủ động nắm thông tin, yêu cầu báo cáo và có ý kiến chỉ đạo kịp thời đối với báo cáo của cấp dưới; thông báo rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn đến Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội thuộc trách nhiệm quản lý của mình; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND tối cao khi để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội do nguyên nhân chủ quan của VKS sát cấp mình và cấp dưới trực thuộc.

Viện trưởng VKSND cấp cao có trách nhiệm theo dõi, quản lý, rút kinh nghiệm những trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội của VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh theo địa hạt tư pháp của cấp mình và của VKSND cấp cao; kịp thời xử lý theo thẩm quyền tố tụng đối với kháng nghị hoặc đề xuất kháng nghị của VKS cấp dưới; định kỳ tổng hợp, báo cáo chuyên đề gửi VKSND tối cao (Vụ 7) để tổng hợp, theo dõi; chủ động ra thông báo rút kinh nghiệm hoặc tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề thực hành quyền công tố và kiểm sát việc xét xử hình sự, nhằm không để xảy ra trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội thuộc phạm vị theo dõi, quản lý của cấp mình.

Mặt khác, thủ trưởng các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra thuộc VKSND tối cao theo dõi, cập nhật kịp thời những trường hợp Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội trong những vụ án do đơn vị mình kiểm sát điều tra sau đó phân công VKS địa phương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; chủ động phối hợp với VKS địa phương, VKS cấp cao và Vụ 7 để xem xét, kháng nghị kịp thời đối với bản án tuyên bị cáo không phạm tội không có căn cứ hoặc trái pháp luật…/.

Linh An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực