(ĐCSVN) - Theo dõi báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, các chuyên gia kinh tế bày tỏ sự đồng tình với quan điểm Chính phủ đưa ra khi nhấn mạnh rằng, thời gian tới phải tạo bước đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển...
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kết quả nổi bật của điều hành kinh tế nhiệm kỳ qua là lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người 2.109 USD.
(Ảnh minh họa. Nguồn: TL)
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Bên cạnh đó, công tác văn hoá, xã hội, cũng có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội) cho rằng, thành tựu quan trọng hàng đầu những năm vừa qua là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên…
Ông Phong cũng bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng, Chính phủ đã rất thẳng thắn khi thừa nhận nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều điểm hạn chế, yếu kém mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu, đó là: việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững. Cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội.…
Cùng quan tâm đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Độ (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, Chính phủ đã xác định đúng những nguyên nhân chủ quan cản trở tiến trình phát triển kinh tế đất nước mà theo Phó Thủ tướng đó chính là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực, cơ chế cung ứng dịch vụ công, giá dịch vụ trong giáo dục, y tế,... chưa đủ rõ, còn khác nhau, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Từ những thành tựu đạt được và những tồn tại, thách thức trong 5 năm qua, Chính phủ rút ra 7 bài học kinh nghiệm cần tiếp thu để phát triển mạnh hơn, thực hiện tốt hơn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Trong đó, bài học số 1 là phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển...
Chuyên gia Nguyễn Đức Độ nhận định rằng, đây chính là bài học quan trọng và ý nghĩa nhất. Bình luận về nội dung này, ông Độ cho biết, đầu năm nay, ông đọc bài phỏng vấn Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, trong đó ông rất tâm đắc khi Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định rằng, năm 2016, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức. Quá trình hội nhập sâu đòi hỏi cũng đặt ra yêu cầu đổi mới trên nhiều lĩnh vực kinh tế. Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế; đẩy mạnh đột phá, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư công.
Chuyên gia Nguyễn Đức Độ cho rằng, những đánh giá xác thực, không quá tô hồng, cũng không quá bôi đen như vậy là cơ sở để có những quyết sách đúng và trúng.
Về phần mình, chuyên gia Nguyễn Minh Phong bày tỏ, công tác quản lý điều hành bám sát thực tiễn của đất nước, đánh giá đúng tình hình, kịp thời đề ra chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách phù hợp và tập trung sức thực hiện quyết liệt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý sẽ chính là cơ sở quan trọng để có thể kỳ vọng vào chất lượng phát triển của nền kinh tế đất nước trong thời gian tới./.