Quốc hội khóa XIII: Đổi mới để hoạt động ngày càng hiệu quả

Thứ tư, 23/03/2016 14:31
(ĐCSVN) - Kế thừa, phát huy thành tựu, kinh nghiệm của các khóa trước, Quốc hội khóa XIII đã không ngừng cải tiến, đổi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.


Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII (Ảnh: KS)

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIII đã đưa vào chương trình nghị sự việc xem xét, quyết định một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội với các giải pháp thiết thực. Sau khi Nghị quyết về vấn đề này được ban hành, các giải pháp đã được triển khai thực hiện và mang lại hiệu ứng tích cực trong hoạt động của Quốc hội. Việc xây dựng chương trình Kỳ họp Quốc hội tiếp tục được cải tiến; các nội dung được sắp xếp hợp lý, sát với thực tế; trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo. Công tác điều hành Kỳ họp vừa bảo đảm khoa học, đúng nguyên tắc, vừa linh hoạt, xử lý hài hòa các mối quan hệ, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; kết luận tại các phiên họp cụ thể, khách quan, có sức thuyết phục, được đại biểu Quốc hội và cử tri đồng tình.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không chỉ Quốc hội mà Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đặc biệt, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã dành thời gian, công sức, trong hoạt động thẩm tra, giám sát, kiến nghị về chất lượng các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban có sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội. Hoạt động nhịp nhàng của các Tiểu ban đã giúp tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng và các Ủy ban.

Bên cạnh đó, các Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII được bảo đảm cơ cấu, số lượng hợp lý; tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Đoàn; thực hiện tốt việc phối hợp công tác với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương và địa phương. Thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội, hoạt động của đại biểu Quốc hội được phát huy, quan hệ gắn bó với cử tri được tăng cường, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội lắng nghe, tiếp thu, phản ánh ý kiến cử tri trong quá trình tham gia xây dựng luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân… góp phần để đại biểu làm tốt vai trò người đại biểu Nhân dân.

Cùng với việc đổi mới tổ chức và hoạt động, các điều kiện bảo đảm hoạt động của Quốc hội cũng được tăng cường đáng kể. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy giúp việc Quốc hội được quan tâm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết sửa đổi nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Ban thư ký, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Theo đó, bộ máy giúp việc tiếp tục được tăng cường về số lượng, chất lượng cán bộ cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Mặc dù có nhiều đổi mới, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ qua. Trong một số trường hợp, Quốc hội chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, quy trình xử lý và chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa thực sự quyết liệt, chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về giám sát như việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chưa có điều kiện thực tế để thực hiện... Nguyên nhân của các hạn chế có nhiều song chủ yếu do Quốc hội chưa thực sự đi sâu, phân tích toàn diện nội dung giám sát; hình thức giám sát chủ yếu là nghe báo cáo của bộ, ngành, địa phương; một số quy định về hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể hoặc chưa thật phù hợp, nhất là trong việc giám sát thực hiện kết luận, xử lý kiến nghị sau giám sát và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Trải qua 5 năm hoạt động với nhiều kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ tới được Quốc hội xác định tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội; bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội được tiếp tục cải tiến, đổi mới, bảo đảm làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội. Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội được tăng cường các đại biểu Quốc hội có bản lĩnh, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực sự trở thành nòng cốt trong hoạt động của Hội đồng, Ủy ban./.

 

 

 

Kim Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực