7 bài học kinh nghiệm trong triển khai cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020

Thứ hai, 22/03/2021 10:39
(ĐCSVN) - Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐH)

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trình Hội nghị đã chỉ ra 7 bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Cụ thể:

Thứ nhất, cải cách hành chính tiếp tục phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền và sự tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng. Cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của cải cách hành chính đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Từ đó, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính đối với các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân để tạo ra sự đồng thuận chung trong toàn xã hội về thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xác định những lợi ích thiết thực, hiệu quả mà công cuộc cải cách hành chính đem lại cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Thứ hai, phải xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, lâu dài gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. Bảo đảm sự nhất quán, kiên trì, liên tục, có đổi mới, sáng tạo, theo định hướng trong triển khai cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Duy trì và tăng cường công tác chỉ đạo triển khai thực hiện cải cách hành chính thống nhất, đồng bộ từ Chính phủ tới chính quyền địa phương các cấp. Thực hiện cải cách hành chính phải đồng bộ với từng bước đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, cải cách kinh tế, cải cách lập pháp và cải cách tư pháp.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị, phải xác định mọi việc vì lợi ích thiết thực, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu là điều kiện quan trọng đảm bảo sự thành công của cải cách hành chính. Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân.

Thứ tư, cần xác định rõ phạm vi, nội dung cải cách hành chính, phân biệt cải cách hành chính với các cuộc cải cách đang diễn ra như cải cách, đổi mới kinh tế, cải cách tư pháp... Việc đặt cải cách thể chế trong thời gian vừa qua là tương đối rộng, vượt khỏi phạm vi của cải cách hành chính, trong đó, các nội dung của cải cách thể chế gần như là cải cách kinh tế, có liên quan đến Quốc hội và các cơ quan khác. Bên cạnh đó, cải cách tài chính công cũng rộng, nhiều nội dung thuộc cải cách tài chính trong cải cách kinh tế.

Thứ năm, xác định các mục tiêu cải cách hành chính mang tính định lượng với mức độ phù hợp, thiết thực để bảo đảm tính khả thi. Tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính phải gắn với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính của các bộ, ngành, địa phương. Phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính.

Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính. Coi trọng thí điểm, tổng kết, nhân rộng những mô hình, sáng kiến trong cải cách hành chính. Chú trọng việc đánh giá, biểu dương những cơ quan đơn vị cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị vi phạm.

Thứ bảy, củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò của cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều phối chung, tổng hợp, đôn đốc và theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, cần thiết phải nâng cao năng lực của đội ngũ công chức làm công tác cải cách hành chính; bố trí đủ nguồn lực tài chính cho cải cách hành chính./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực