Bộ GD&ĐT xếp cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính

Thứ năm, 24/06/2021 16:42
(ĐCSVN)- PAR INDEX năm 2020 được Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố chiều 24/6. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp cuối bảng về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) giảm 6 bậc so với một năm trước (năm 2019 xếp thứ 11).
 Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2020.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2020 các bộ cho thấy tiếp tục tập trung vào 2 nhóm điểm: Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, tiếp tục là 03 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp;

Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không có đơn vị nào có Chỉ số CCHC dưới 80%.

Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87.56%, tăng 1.93% so với năm 2019 (chỉ đạt 85.63%), đồng thời tăng 12.18% so với năm 2012, năm đầu tiên sử dụng công cụ Chỉ số để đánh giá CCHC của các bộ, các tỉnh (chỉ đạt 75.38%). Chỉ số CCHC năm 2020 đạt giá trị trung bình cao nhất trong 09 năm triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính. Năm 2020, tiếp tục không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%.

Tuy nhiên, chỉ có 05/17 bộ có Chỉ số CCHC năm 2020 trên mức giá trị trung bình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2020 cao nhất ở năm thứ sáu liên tiếp với kết quả là 95.88%, cao hơn 12.64% so với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 83.24%. So sánh kết quả giữa năm 2019 và 2020 thì có 15/17 bộ đạt Chỉ số CCHC tăng cao hơn so với năm 2019, trong số đó, tăng nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải (+5.40%); 02 bộ có kết quả Chỉ số CCHC giảm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (-2.19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (- 1%).

Phân tích giá trị trung bình của các chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực cho thấy, có 5/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2019 và có 2/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình giảm so với năm 2019, đó là các chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước” và “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức”, cụ thể:

Chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” có giá trị tăng hơn so với năm 2019 với giá trị là 0.43% (từ 94.71% năm 2019 lên 95.14% năm 2020). Có 4/17 bộ đạt tỷ lệ 100% số điểm tại Chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành CCHC (năm 2019 là 9/17 bộ); có 6/17 bộ đạt 100% số điểm tại tiêu chí “Thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm”.

Chỉ số thành phần “Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ” tiếp tục có giá trị trung bình thấp nhất, với giá trị trung bình 79.77%, tuy có tăng hơn so với năm 2019, tuy nhiên, giá trị tăng chỉ là 0.61% so với năm 2019.

Chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” có giá trị tăng cao thứ hai trong số 07 chỉ số thành phần, tăng 5.03% so với năm 2019, đạt giá trị 89.72% ở năm 2020. Tiêu chí thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông có 17/17 bộ đạt tỷ lệ 100% điểm số.

Các chỉ số thành phần: “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước” và “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức” có giá trị trung bình giảm so với năm 2019. Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước” giảm 1.80%, từ 84.38% của năm 2019 xuống còn 82.58% năm 2020. Tương tự, Chỉ số thành phần “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức” giảm 0.25%, từ 89.76% của năm 2019 xuống còn 89.51% năm 2020. Tỷ lệ điểm số trung bình các bộ nhận được qua điều tra xã hội học của tiêu chí “Tác động của cải cách đến quản lý công chức, viên chức” đạt 94.17% (Năm 2019 là 93.25%), tiêu chí “Tác động của cải cách đến chất lượng đội ngũ công chức của bộ” đạt 80.27% (Năm 2019 là 78.88%).

Chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” có giá trị trung bình tăng cao nhất so với năm 2019 với giá trị tăng là 7.63%, từ 80.33% năm 2019, tăng lên 87.96% năm 2020. Có 11/17 bộ đạt tỷ lệ 100% số điểm tại tiêu chí thành phần “Thực hiện quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc thẩm quyền quản lý”; 08/17 bộ đạt tỷ lệ 100% điểm số của tiêu chí thành phần “Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của bộ về quản lý, sử dụng tài sản công”. Tiêu chí “Thực hiện cơ chế tự chủ tại các ĐVSNCL thuộc bộ” có giá trị trung bình tăng so với năm 2019 là 10.02%, từ 80.19% năm 2019 tăng lên 90.21% năm 2020. Chỉ số thành phần “Hiện đại hóa hành chính” có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2019, với giá trị tăng 0.90%, từ 89.64% của năm 2019 tăng lên 90.54% năm 2020. Các bộ tiếp tục đạt tỷ lệ điểm số cao tại tiêu chí “Cung cấp DVCTT” và “Ứng dụng CNTT của bộ”. Giá trị trung bình của tiêu chí “Tác động của cải cách đến hiện đại hóa hành chính” qua điều tra xã hội học là 87.28%, cao hơn so với năm 2019 với giá trị là 87%./.

Việt Long

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực