Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Khó chấm dứt hẳn tình trạng nợ BHXH

Thứ tư, 19/11/2014 14:30

(ĐCSVN)Tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng 19/11, nhiều vấn đề “nóng” của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội như: chính sách tiền lương, giải quyết việc làm, nợ đọng bảo hiểm xã hội... đã được Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải đáp.

Lương mới đáp ứng 60% mức sống tối thiểu

 

 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
(Ảnh: TH).


Chính sách tiền lương là một trong những nội dung đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm. Theo ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), quyết định tăng lương thời gian qua cho thấy nỗ lực của Chính phủ, tuy nhiên sau 2 lần trì hoãn quyết định tăng lương cho thấy chính sách tiền lương vẫn không bảo đảm vấn đề căn bản là bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động. “Bộ trưởng có giải pháp căn cơ nào để giải quyết tích cực đối với đời sống người lao động chứ không phải nặng tính hình thức như hiện nay?”, ĐB Phạm Tất Thắng chất vấn.

Thừa nhận hiện nay, tiền lương so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt 60%, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Trong việc nâng lương lần này mặc dù Nhà nước đã dành 11 nghìn tỷ đồng nhưng cũng chưa thỏa đáng tức là chưa đáp ứng yêu cầu giải quyết cơ bản tiền lương. Trong phương án cũng có lộ trình tiến tới 2015 - 2016 tiền lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu, nhưng do điều kiện kinh tế và khả năng ngân sách nên qua 2 lần trình Trung ương đã thảo luận và thống nhất trước mắt giãn lộ trình tiền lương. Song, theo Bộ trưởng, hiện nay mức lương tối thiểu doanh nghiệp của khu vực 1 là 3,1 triệu đồng từ 1/1/2015, trong khi lương của khu vực cán bộ, viên chức vẫn chỉ là 1,05 triệu đồng. Vì vậy, mặc dù rất khó khăn về ngân sách nhưng vẫn phải dành 11 nghìn tỷ đồng để giải quyết một phần tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức có mức lương thấp và đối tượng người có công. “Đây là quyết định nhân văn, nhưng chỉ giải quyết một phần về vấn đề tiền lương”, Bộ trưởng nói.

Trước băn khoăn của ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) về lương doanh nghiệp nhà nước có thực hiện theo Bộ luật Lao động không và bao giờ mới thực hiện?, Bộ trưởng cho biết, đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện chính sách tiền lương trong doanh nghiệp, song đến nay, còn một nội dung chưa giải quyết xong là việc xây dựng thang bảng lương trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của doanh nghiệp kiến nghị: Hiện nay, lương thực tế khoảng 60-70% thu nhập của người lao động và khi hướng dẫn thang bảng lương này thì doanh nghiệp sẽ áp dụng theo lương mới của hướng dẫn, trong đó sẽ thực hiện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) gồm: lương, phụ cấp lương và các khoản thu nhập khác. Nhưng hiện nay chưa xác định được các khoản “thu nhập khác” để đưa vào phần đóng BHXH người lao động. “Chúng tôi xin hứa với trách nhiệm của mình sẽ tiếp tục nhanh chóng hướng dẫn vấn đề này”, Bộ trưởng nói.

Chấm dứt tình trạng nợ đọng BHXH là khó

Trả lời chất vấn của ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về con số nợ BHXH và trách nhiệm của Bộ trong lĩnh vực thanh tra, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ: Trong báo cáo tổng số nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH 7.000 tỷ đồng, còn lại nợ BHYT và nợ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên trong đó phần lớn là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động không nghiêm túc; một số doanh nghiệp khó khăn trả lương cho người lao động còn khó, chưa nói đến BHXH. Bộ trưởng cũng chỉ ra nguyên nhân khiến chủ sử dụng lao động chây ì không đóng và nợ BHXH của người lao động là do hình thức xử phạt còn nhẹ nên chủ sử dụng lao động có tâm lý “thà nợ còn hơn đi vay ngân hàng”.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng nợ đọng BHXH đó là tổ chức công đoàn ở các địa phương thường không phản ánh kịp thời. Bộ trưởng đề nghị tới đây, ở các địa phương, doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động. Khi biết doanh nghiệp chây ì đóng BHXH cho người lao động phải phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng để vấn đề được xử lý sớm hơn.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhận trách nhiệm của ngành đối với công tác kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, do toàn ngành có trên 400 cán bộ nhân viên làm công tác thanh tra, ở Bộ có khoảng 55 người; ở địa phương từ 5-7 người, thanh tra ở rất nhiều lĩnh vực: lao động việc làm, người có công, giảm nghèo, bảo trợ xã hội… nên số cuộc cần kiểm tra trong lĩnh vực này còn rất ít. Và đây là lý do Bộ đồng ý với đề xuất giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thanh tra Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm và thực hiện chính sách bảo hiểm là trong dự thảo Luật BHXH lần này. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất nằm trong dự thảo luật, còn phải chờ Quốc hội thông qua.

Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh cần nâng mức trần đóng đối với BHXH nợ đọng. Trường hợp doanh nghiệp cố tình chiếm đoạt nợ đọng này phải chuyển sang cơ quan điều tra.

Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương), đến khi nào chấm dứt tình trạng nợ đọng BHXH, Bộ trưởng cho rằng: Chấm dứt hẳn thì khó nhưng khi Luật BHXH được Quốc hội thông qua thì những vấn đề nợ đọng bảo hiểm cơ bản được chấm dứt, đối với doanh nghiệp khó khăn cũng phải chấp nhận từng bước khắc phục.

Chia sẻ với các bạn trẻ khi ra trường không có việc làm, nhất là những gia đình phải vay tiền cho con đi học, Bộ trưởng cho biết, thực tế đặt ra là hiện nay, nếu so với đầu nhiệm kỳ, tình hình kinh tế - xã hội tốc độ phát triển không đạt như mong muốn. Nếu không có khó khăn về kinh tế, nếu không có vài trăm nghìn doanh nghiệp giải thể thì trên 174 nghìn lao động qua đào tạo chưa có việc làm có thể có chỗ làm. “Tôi hiểu dưới góc độ quản lý nhà nước thì không có nghĩa 174 nghìn lao động này ra trường đang ngồi chơi mà trong đó có 60% ở khu vực nông thôn thì bắt buộc họ phải về địa bàn nông thôn, giúp cha mẹ vẫn có việc làm để họ sống. Tuy nhiên đó là lãng phí”, Bộ trưởng nói.

Không để người có công thật không được hưởng chính sách

Trước băn khoăn của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng lao động Việt Nam ở nước ngoài vi phạm hợp đồng, bỏ trốn làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và khó khăn trong việc tuyển lao động xuất khẩu trong thời gian tới và tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu xuất khẩu lao động (XKLD) đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của cá nhân, Bộ trưởng cho biết, tình trạng bỏ trốn vẫn đang là vấn đề bức xúc, nhất là lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã sử dụng các biện pháp như: xuống 13 tỉnh có đông lao động xuất khẩu bỏ trốn làm việc với chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội cùng làm công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục. Về phía Bộ, đã xử phạt trên 300 đối tượng lao động bỏ trốn. Theo Bộ trưởng, thực tế chất lượng lao động và kỷ luật lao động Việt Nam cũng thấp hơn một số nước trong khu vực.

Nhấn mạnh việc nhiều người có nhu cầu XKLD bị lừa là điều đáng tiếc, Bộ trưởng cho biết: Bộ đã ký Thông tư liên tịch với Bộ Công an thực hiện nội dung này, đến nay một số vụ đã được xem xét và xử lý. Bên cạnh đó, cũng công khai thông tin về những doanh nghiệp được phép tổ chức XKLD trên Cổng thông tin Cục quản lý lao động ngoài nước nhưng rất tiếc một số lao động ở vùng sâu, vùng xa chưa nắm hết thông tin dễ bị lợi dụng, lừa đảo. Bộ trưởng khuyên, trong thời gian tới người lao động khi có nhu cầu đi XKLD phải tìm hiểu các doanh nghiệp được phép xuất khẩu không và phải nắm rõ thị trường có phù hợp không?. Bộ trưởng cũng mong muốn địa phương vào cuộc cụ thể bởi vì tất cả các vụ việc diễn ra tại địa phương, nếu như tất cả các địa phương phát hiện và kịp thời xử lý ngay thì sẽ hạn chế tình trạng này.

Liên quan đến phản ánh của ĐB Nguyễn Ngọc Phương về một số cử tri “kêu cứu” khi thực sự bị thương, nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh... nhưng do sơ suất trong hồ sơ, nên không được hưởng chính sách người có công, Bộ trưởng cho biết, mục đích việc kiểm tra, rà soát của Bộ thời gian qua là cắt chế độ những người không phải là người có công nhưng lại hưởng chính sách người có công, còn đối với trường hợp quá trình hồ sơ không đầy đủ, khi kết thúc thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị rà soát, xem xét lại cho thỏa đáng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hoan nghênh cam kết của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không để hiện tượng người có công, người nhiễm chất độc da cam có thật nhưng không được hưởng chính sách. Chủ tịch Quốc hội hy vọng sau chất vấn này, Bộ trưởng sẽ giải quyết thỏa đáng hết các trường hợp này./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực