Cần minh bạch trong tuyển dụng cán bộ

Thứ ba, 18/11/2014 12:37

(ĐCSVN) Theo đại biểu Bùi Thị An (TP. Hà Nội), muốn cải cách hành chính hiệu quả, việc đầu tiên là phải rà soát từ bộ máy để xem trong từng ngành, cần bao nhiêu đơn vị, tổ chức và cần phải minh bạch trong tuyển dụng cán bộ.

Ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn về các giải pháp thực hiện cải cách hành chính (CCHC), giảm CCHC gắn với nâng cao chất lượng công vụ… Bên lề Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Bùi Thị An (TP. Hà Nội) trao đổi với báo chí xung quanh nội dung này.

 

 Đại biểu Bùi Thị An (TP.Hà Nội). (Ảnh: TH).


Phóng viên (PV): Trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp về CCHC, song dường như kết quả vẫn chưa như các cử tri mong đợi. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

ĐB Bùi Thị An: Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về CCHC từ Trung ương đến địa phương và đạt được một số kết quả nhất định. Một số địa phương đã tiến hành được một phần về cải cách, thu gọn được bộ máy. Thủ tục hành chính liên quan đến dân đã bớt rườm rà và có tiến bộ hơn.

Tuy nhiên, công cuộc cải cách này hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Có nhiều nguyên nhân: Thứ nhất là bộ máy chưa gọn nhẹ, hiệu quả; thứ hai là về biên chế...

PV: Vậy, cần làm gì để khắc phục tình trạng ngày càng “phình” bộ máy hành chính ?

ĐB Bùi Thị An: Theo tôi, việc đầu tiên là phải rà soát từ bộ máy để xem trong từng ngành, cần bao nhiêu đơn vị, tổ chức và phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh. Các Bộ phải thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ. Đúng ra, mỗi Bộ chỉ cần thành lập 01 viện nghiên cứu về chính sách, còn lại các vụ thực hiện chức năng tham mưu chính sách. Còn với bộ máy như hiện nay, thì rất khó tiến hành cải cách.

PV: Thời gian qua, cử tri cũng nhắc đến nhiều tình trạng “lạm phát” cấp phó kéo dài dẫn đến phình bộ máy hành chính, lãng phí ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng công vụ. Vậy giảm cấp phó ở các cơ quan Trung ương, có phải là một trong những giải pháp cần làm trong thời gian tới, thưa bà ?

ĐB Bùi Thị An: Theo tôi, tới đây phải chấm dứt tình trạng này, phải quy rõ trách nhiệm người đứng đầu khi có vấn đề xảy ra. Ở đây, vấn đề là tính minh bạch. Tính minh bạch phải là tiêu chí rất cao trong hệ thống Chính phủ từ Trung ương đến địa phương. Có minh bạch thì mới đánh giá được hiệu quả trong tuyển dụng, từ đó sẽ triệt tiêu được nạn “xin - cho”.

PV: Như vậy, hình thức thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, phòng của Bộ Giao thông Vận tải vừa qua là mô hình cần được nhân rộng?

ĐB Bùi Thị An: Mô hình thi tuyển cán bộ của Bộ Giao thông Vận tải nên nhân rộng, bởi nó đã thể hiện tính minh bạch từ đầu đến cuối, công khai danh sách, công khai tiêu chí và được dư luận cử tri ủng hộ. Tới đây, tính minh bạch phải được thể hiện ở tất cả các khâu. Ví dụ: Nếu trong một cơ quan có lộ trình cấp vốn thì không ai phải xin nữa; hoặc đối với giá điện, minh bạch công khai rõ vốn bao nhiêu, lỗ, lãi bao nhiêu để người dân đánh giá và được quyền quyết. Nếu lỗ thì không được hưởng, chứ tại sao lỗ mà người dân phải chịu?.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực