Cần nâng cao tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH

Thứ bảy, 15/11/2014 14:44

(ĐCSVN) - Thảo luận ở hội trường về Dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐHĐ) sáng 15/11, đa số ĐBQH tán thành việc cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật này nhằm góp phần nâng cao chất lượng đại biểu, tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp trong thời gian tới.

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu đi sâu thảo luận về Hội đồng bầu cử Quốc gia, về cơ cấu, tiêu chuẩn, số lượng đại biểu…

Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Hội đồng bầu cử quốc gia với tư cách là chế định mới của Hiến pháp so với Hội đồng bầu cử HĐND các cấp theo luật hiện hành thực ra chưa có nhiều khác biệt rõ ràng. Một số điều được cho là mới trong Dự thảo luật lần này vẫn đang được Hội đồng bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn phân tích: "Khoản 2 Điều 117 Hiến pháp sửa đổi quy định tổ chức nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia do luật định, rõ ràng nếu quy định như Dự thảo lần này thì chưa thể hiện đầy đủ như tinh thần của Hiến pháp sửa đổi về một chế định mới là hội đồng bầu cử quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào thêm dự thảo luật một số điều quy định cụ thể để giải đáp một loạt vấn đề đặt ra mà đã được thảo luận kỹ trong quá trình thảo luận Hiến pháp năm 2013".

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phát biểu ý kiến sáng 15/11. Ảnh: VPQH 


Về quyền lợi của cử tri khi tham gia bầu cử, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định thời điểm 18 tuổi tính từ khi nào thì công dân không mất quyền bầu cử của mình. Lý do là vì, tại thời điểm lập danh sách cử tri có nhiều công dân chưa đủ quy định 18 tuổi, nhưng đến ngày bỏ phiếu lại vừa đủ, hoặc đã bước sang tuổi 19.

Để hạn chế sửa chữa và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) kiến nghị sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 26 như sau: Tính đến ngày bầu cử, công dân từ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri. Theo đại biểu Phương, quyền bầu cử là quyền rất thiêng liêng của con người và phải được bảo vệ. Những người không bị hạn chế quyền công dân, phải tạo điều kiện đầy đủ để họ thực hiện đầy đủ quyền của mình".

Về tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, tiêu chuẩn đối với người ứng cử ĐBQH quy định trong Dự thảo luật vẫn quá chung chung, nhất là các quy định về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, chưa đưa ra được những đổi mới căn bản của tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH, vẫn “bê” nguyên tiêu chuẩn của ĐBQH quy định trong Luật bầu cử ĐBQH năm 1997. “Nếu dự thảo Luật không đột phá được những tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của người ứng cử sẽ là một rào cản lớn cho cử tri khi cầm lá phiếu để bầu chọn một người có đủ đức, đủ tài để đảm nhiệm các ý chí, nguyện vọng của nhân dân” – đại biểu Vinh nói.

Theo đại biểu Vinh, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa ra được những tiêu chuẩn cao hơn đối với người ứng cử ĐBQH như trình độ học vấn, kinh nghiệm công tác, đạo đức, bản lĩnh. Phân biệt rõ tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH phải khác với tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu HĐND như thế nào. Nếu quy định như Dự thảo luật thật khó để phân biệt tiêu chuẩn của người ứng cử ĐBQH với người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã mà vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi hoạt động của các chủ thể này là hoàn toàn khác nhau.

Nhấn mạnh yêu cầu xử lý tốt quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) phân tích: Hiện vẫn có tình trạng một đại biểu “gánh” quá nhiều cơ cấu, không thể đầu tư đúng mức thời gian, trí tuệ cho công việc. Để Quốc hội, HĐND hoạt động chất lượng, 1 ứng cử viên không nên “gánh” quá 2 cơ cấu”. Về thời gian bầu cử, đại biểu Phúc đồng ý quy định kết thúc bầu cử đồng loạt vào lúc 19 giờ; không sớm hơn, để tránh việc chạy theo thành tích nên thúc đẩy bỏ phiếu sớm, chấp nhận bầu hộ, bầu thay...

Tán thành với quan điểm trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, cơ cấu là một trong những tiêu chí cần thiết trong việc bầu cử. Song nếu đưa ra quá nhiều cơ cấu sẽ làm hành chính hóa hoạt động bầu cử, từ đó khó có thể lựa chọn được những người đầy đủ tiêu chuẩn vì một đại biểu phải gánh quá nhiều cơ cấu, như cơ cấu về tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, ngành nghề…

Trăn trở về tỷ lệ ĐBQH là người dân tộc còn thấp và có xu hướng giảm, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng: cơ cấu dân tộc thiểu số trong Quốc hội vừa qua chưa đáp ứng việc các dân tộc thiểu số có đại biểu trong Quốc hội. Đại biểu Út dẫn chứng: Quốc hội Khóa XIII có 78 đại biểu người dân tộc thiểu số, chỉ chiếm 15,6 %, ít hơn 12 người so với dự kiến, giảm 2,05% so với Quốc hội khóa XII. Qua 13 khóa Quốc hội vẫn còn 15 dân tộc chưa có đại biểu tham gia Quốc hội.

Từ những phân tích trên, đại biểu Út đề nghị Luật quy định về tỷ lệ đại biểu hợp lý tương ứng với dân số của các dân tộc thiểu số. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi và bổ sung đoạn cuối Khoản 3, Điều 7 như sau: bảo đảm để các thành phần dân tộc thiểu số có tỷ lệ hợp lý tương đương với tỷ lệ người dân tộc thiểu số. Tương tự về Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8 giao cho thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã dự kiến cơ cấu thành phần cũng cần được sửa đổi từ “thích đáng” đối với đại biểu là người dân tộc thiểu số thành “bảo đảm” để các thành phần dân tộc thiểu số có tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Tán thành quan điểm này, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chỉ rõ: Nếu chỉ căn cứ vào dân số để tính số ĐBQH phân bổ cho các dân tộc, thì cũng chưa triệt để, vì có dân tộc rất ít người. Nên tiến tới quy định mỗi dân tộc đều có đại biểu dân tộc mình trong Quốc hội, HĐND.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) lưu ý, cần quy định một tỷ lệ thích đáng đại biểu tái cử để đảm bảo tính kế thừa và kinh nghiệm hoạt động. Đại biểu Châu đề nghị: Nếu được thì nên đưa vào một tỷ lệ hợp lý đại biểu là cán bộ quản lý ở các cơ quan nhà nước và tư pháp để khỏi ảnh hưởng thời gian hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là quan điểm của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) và một số đại biểu khác.

Theo chương trình, chiều nay Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Sau đó, sẽ công bố kết quả kiểm phiếu và thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực