Đẩy mạnh cải cách lĩnh vực tư pháp về môi trường tại Việt Nam

Thứ sáu, 28/11/2014 16:57

(ĐCSVN) - Ngày 27/11, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) và Quỹ hỗ trợ Sáng kiến tư pháp (JIFF) tổ chức Hội thảo “Bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng nhìn từ khía cạnh cải cách tư pháp”.

 

Hội thảo “Bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng nhìn
từ khía cạnh cải cách tư pháp.
(Ảnh: BL)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết: Hiện nay, các cơ chế khiếu kiện khiếu nại, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa bảo vệ được quyền lợi của người dân. Việc xử lý các vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập cả về xử phạt hành chính và xử lý hình sự, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý, nghiên cứu chính sách – pháp luật và các bên liên quan thảo luận về những lỗ hổng chính sách, cơ chế thực thi công lý và cùng xây dựng các giải pháp nhằm hướng tới sự công bằng trong lĩnh vực môi trường.

Theo TS.BS Phạm Đức Phúc, Trung tâm nghiên cứu Y tế công cộng và hệ sinh thái (Trường Đại học Y tế công cộng), hiện nay ở Việt Nam, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa khá nhanh và sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên; môi trường ở nhiều đô thị, khu công nghiệp và làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi nước thải, khí thải và chất thải rắn; cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường nước do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải; công nhân, người lao động là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ ô nhiễm môi trường. Đây chính là thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.

Ngoài ra, các dạng ô nhiễm cũng gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Cụ thể, ô nhiễm không khí gây ra những bệnh về tim mạch, hô hấp; ô nhiễm tiếng ồn gây điếc, cao huyết áp, trầm cảm, mất ngủ; ô nhiễm nước gây ra những bệnh về tiêu hoá, nhiễm độc, ung thư…

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, sau gần ba thập kỷ thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất và có thành tích xóa đói giảm nghèo ấn tượng. Nhưng hệ quả của sự đánh đổi không cân xứng giữa phát triển và môi trường đang dần bộc lộ, với hàng loạt vụ việc xâm phạm môi trường trên diện rộng cùng với sự xuất hiện của những “làng ung thư”.

Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả tham gia của người dân trong giám sát xã hội đối với hoạt động bảo vệ môi trường, cần có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về chủ thể có quyền giám sát xã hội, quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của chủ thể thực hiện hoạt động giám sát, đối tượng chịu sự giám sát, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

Các đại biểu cũng đã đưa ra những khuyến nghị nhằm cải cách lĩnh vực tư pháp về môi trường ở Việt Nam. Trong đó, việc thành lập tòa án môi trường và sử dụng giám định dân sự để xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường, được khuyến cáo cần nhìn nhận đúng và áp dụng trong thực tiễn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực