Hà Giang: Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần thúc đẩy cải cách hành chính

Thứ tư, 15/09/2021 15:00
(ĐCSVN) - Công tác thẩm định VBQPPL đã có sự biến đổi về chất, giúp cho công tác quản lý nhà nước được thông suốt, hiệu quả; vị trí, vai trò thẩm định, góp ý của Sở Tư pháp được nâng cao; các báo cáo thẩm định của ngành Tư pháp được các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản tôn trọng và xem đây là kênh ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản.
leftcenterrightdel
Người dân đánh giá mức độ hài lòng tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Giang 

Cải cách hành chính được tỉnh Hà Giang xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Trong đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được xác định là một trong những yếu tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính.

Hằng năm, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu ban hành văn bản theo đúng thẩm quyền, đảm bảo tính khả thi đáp ứng tốt nhu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL của địa phương, trong quá trình thi hành Luật ban hành VBQPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương và địa phương, các sở, ban, ngành, địa phương cơ bản tuân thủ đầy đủ quy định của Luật ban hành VBQPPL về trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL, từ việc ban hành danh mục Nghị quyết, Quyết định quy định chi tiết luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước, đến việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản. Các dự thảo VBQPPL đã được cơ quan Tư pháp thẩm định; được các Ban HĐND cùng cấp thẩm tra (đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND), được các thành viên của UBND tham gia ý kiến. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trìnhcác ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra để hoàn thiện dự thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác xây dựng VBQPPL ở địa phương đã huy động được sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, bước đầu đã thu hút được trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong công tác xây dựng VBQPPL của địa phương.

Năm 2020 các sở, ban, ngành đã tích cực hoàn thiện, tham mưu UBND trình HĐND tỉnh Hà Giang thông qua 13 Nghị quyết và 37 Quyết định của UBND tỉnh. Các VBQPPL của HĐND, UBND tỉnh Hà Giang ban hành đã được gửi đến các cơ quan, tổ chức để thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, đăng tải và đưa tin theo quy định, chất lượng các văn bản ngày càng được nâng cao, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành. Các văn bản do UBND ban hành phù hợp với các VBQPPL của Trung ương và Nghị quyết của HĐND cùng cấp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với đối tượng tác động của văn bản, vì vậy đa số văn bản sau khi ban hành mang tính khả thi cao và được các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tuân thủ nghiêm túc.

Công tác thẩm định VBQPPL đã có sự biến đổi về chất, giúp cho công tác quản lý nhà nước được thông suốt, hiệu quả; vị trí, vai trò thẩm định, góp ý của Sở Tư pháp được nâng cao; các báo cáo thẩm định của ngành Tư pháp được các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản tôn trọng và xem đây là kênh ý kiến quan trọng để quyết định ban hành văn bản. Năm 2020, Sở Tư pháp tiếp nhận thẩm định 71 dự thảo VBQPPL; tham gia góp ý 283 dự thảo văn bản QPPL do các cơ quan trên địa bàn tỉnh và cơ quan trung ương trưng cầu ý kiến; ngoài ra Sở Tư pháp còn tham gia góp ý 192 lượt văn bản hành chính thông thường do các cơ quan trên địa bàn tỉnh và cơ quan trung ương trưng cầu.

Bên cạnh xây dựng, ban hành văn bản QPPL, công tác tự kiểm tra, kiểm tra và rà soát hệ thống hóa văn bản cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo hệ thống văn bản QPPL của tỉnh phù hợp với quy định của Trung ương cũng như gắn với sự phát triển kinh tế của địa phương, trực tiếp góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính. Hệ thống thể chế của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, chất lượng văn bản được nâng lên, văn bản có dấu hiệu sai sót về thẩm quyền và nội dung ngày càng giảm mạnh. Việc xử lý văn bản sau kiểm tra đã được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, các văn bản QPPL có sai sót về nội dung đều được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hà Giang Trần Hải Dương, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây xây dưng và ban hành VBQPPL trên địa bà tỉnh Hà Giang còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Một số cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản QPPL chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác này, nội dung dự thảo còn quy định lại nội dung văn bản cấp trên, mục đích ban hành văn bản chưa rõ ràng phải đề nghị điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến làm chậm tiến độ ban hành văn bản; Hoạt động tổng kết thi hành pháp luật và đánh giá tác động của chính sách chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có nơi mang tính hình thức, để đáp ứng yêu cầu về hồ sơ, thủ tục. Do vậy, nhiều chính sách chưa được đánh giá đầy đủ các khía cạnh kinh tế, xã hội, thủ tục hành chính; nội dung đánh giá tác động còn thiếu số liệu cụ thể, chủ yếu sử dụng phương pháp định tính. Điều này dẫn đến việc khó có thể dự kiến chính xác nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành văn bản.

Cùng với đó, nguồn kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vì vậy chưa tạo được động lực thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến; đồng thời chưa tạo được cơ chế phản biện khoa học, đánh giá khách quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

Vì vậy, trong thời gian tới, để kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên và thực hiện tốt hơn công tác xây dựng và ban hành VBQPPL, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang Trần Hải Dương, cho rằng, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá VBQPPL, để kịp thời bãi bỏ những văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để kịp thời tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ưu tiên tăng cường nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống VBQPPL góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động tham mưu xây dựng và ban hành VBQPPL của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP trong việc tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL; lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với dự thảo VBQPPL,…

Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác soạn thảo ban hành VBQPPL, đội ngũ pháp chế sở, ngành. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa và các nguồn tài chính hợp pháp khác nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng ban hành VBQPPL ở địa phương.

Có thể thấy rằng, muốn tăng cường hiệu quả, hiệu lực của quản lý hành chính nhà nước thì cần tiến hành đồng bộ nhiều hoạt động khác nhau, trong đó việc thường xuyên quan tâm rà soát và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản nói chung và VBQPPL nói riêng là rất cần thiết và quan trọng góp phần đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra./.

HD

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực