Không thể “hạ cánh an toàn”!

Thứ năm, 27/11/2014 16:59

(ĐCSVN) – Nhiều người cho rằng, vụ việc ông Trần Văn Truyền không thể "hạ cánh an toàn" sẽ là một “bài học lớn” trong công tác phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ, nhất là tính gương mẫu và trung thực của đội ngũ “công bộc” của dân.

 

 Biệt thự của ông Trần Văn Truyền. (Nguồn: Báo Lao động)


Mấy ngày nay, từ nghị trường Quốc hội đến bàn “trà” của người dân, đâu đâu cũng “nóng”, cũng “xôn xao” vụ việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra Thông cáo về Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.

Dư luận nhìn chung đều đánh giá cao Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó có việc yêu cầu thu hồi một số tài sản nhà, đất của ông Trần Văn Truyền. Khi đã có kết luận rõ ràng thì chắc chắn sau đó các cơ quan bảo vệ pháp luật, phòng chống tham nhũng sẽ phải vào cuộc. Những nội dung trong Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta đã và đang tiếp tục được khẳng định bằng hành động cụ thể với một cán bộ cao cấp của Đảng, rằng sẽ không có “vùng cấm” trong phòng chống tham nhũng, không có chuyện bao che cho cán bộ từng giữ trọng trách của Đảng, dù đã nghỉ hưu nhưng cũng không thể “hạ cánh an toàn”!

Người dân cho rằng, số nhà đất không phải do ông Truyền làm ra thì bị thu hồi là đương nhiên. Đồng thời, phải xử lý trách nhiệm đối với những người trực tiếp và gián tiếp để xảy ra sự việc đó. Điều đáng nói là sau vụ việc này, không ít câu hỏi được đặt ra đối với sự “lỏng lẻo” trong việc quản lý tài sản của nhà nước. Bởi theo thông báo nội dung kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, một số nhà và đất của ông Truyền ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre đều qua các thủ tục theo quy định, được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Nếu như các cơ quan, cụ thể là những cán bộ có thẩm quyền không “cả nể”, không “tiếp tay” cho vi phạm, không “tạo điều kiện” cho ông Truyền thì chắc chắn sẽ không có hậu quả này.

Vụ việc này cũng thêm một lần nữa “gióng lên” một hồi chuông cảnh báo về công tác cán bộ. Bởi ông Truyền là người đã từng giữ cương vị cao nhất trong ngành thanh tra - một ngành giữ vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, đã không làm gương mà lại sai phạm trong một thời gian dài. Điều đáng nói nữa là ông Truyền từng nhiều lần tuyên bố rất mạnh mẽ về quyết tâm phòng chống tham nhũng như: Sẽ xử lý thu hồi tài sản của người nghỉ hưu nếu có dấu hiệu tham nhũng; không có “vùng cấm” cho chống tham nhũng; báo chí có thể dừng lại nhưng Thanh tra vẫn phải chống tham nhũng!...

Phải nói rằng, đây là vụ việc cụ thể, điển hình và hết sức đáng buồn trong công tác phòng chống tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập cán bộ… Nổi lên trên hết là sự yếu kém trong quản lý cán bộ. Một cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý như ông Truyền mà có những hành động vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước từ rất lâu rồi, nhưng chỉ sau khi người dân phản ánh, báo chí phát hiện, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Với một khối tài sản khổng lồ, trong khi hằng năm ông vẫn tiến hành kê khai theo quy định của Đảng và Nhà nước mà vẫn không ai, cơ quan nào phát hiện ra? Quả là chuyện "con voi chui lọt lỗ kim"!  Vậy nên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương (đoàn Ninh Thuận) đã phải thốt lên: “Đây là bài học lớn cho việc quản lý cán bộ, công chức và cũng là bài học đắt giá trong việc thực hiện giải pháp trong phòng chống tham nhũng”.

Từ sự việc này, nhiều người cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần khẩn trương phải xem xét toàn bộ những thiết chế, quy định về cán bộ, công chức để thấy được những “lỗ hổng” mà khắc phục.

Vẫn biết là xã hội thì “chín người mười ý” nhưng từ vụ việc của ông Truyền, việc dư luận đặt câu hỏi “còn có bao nhiêu ông Trần Văn Truyền nữa” không phải là không có lý. Nhiều người còn “hài hước” cho rằng ông Truyền chỉ là người... “không may”. Bởi có thể trong đội ngũ cán bộ còn không ít người đang sở hữu khối tài sản còn lớn hơn ông Truyền mà chưa bị lộ. Do đó, cần phải công khai danh sách tất cả các cán bộ hiện nay không chịu trả nhà công vụ. Hy vọng, sau vụ ông Truyền, nhiều người sẽ nhìn đó để làm gương mà đem nhà trả cho Nhà nước. Và mong lắm "các ông chưa bị lộ" sẽ ngày một ít đi!

Qua vụ việc này, nhiều người cho rằng, Đảng, Nhà nước cần làm “mạnh tay” hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, minh bạch tài sản, tài chính của cán bộ. Mặt khác, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để tránh xảy ra những vụ việc tương tự làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

Để làm được điều này, các cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ hơn nữa để có thể kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm và “chặn từ gốc” là điều trước tiên phải làm./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực