Luật BVMT (sửa đổi): Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước và tránh xem nhẹ đánh giá tác động môi trường

Thứ năm, 18/12/2014 15:53

(ĐCSVN)Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ 1/2015. Nhiều quan điểm về khoa học cũng đã được đưa vào Luật để phù hợp với công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Luật cũng đã khắc phục được những điểm còn tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, đây là một thành tựu của ngành tài nguyên môi trường trong suốt thời gian qua.

 

 Luật BVMT (sửa đổi) khắc phục nhiều hạn chế Luật BVMT 2005.
(Ảnh minh họa: Diệu Linh).

Kiểm soát chặt chễ việc ô nhiễm nguồn nước

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) có nhiều điểm mới so với Luật BVMT 2005.

Cụ thể, đối với nội dung quản lý môi trường nước, sự khác nhau căn bản giữa Luật BVMT (sửa đổi) với Luật BVMT 2005 thể hiện ở những quy định về BVMT nước sông. Nếu như Luật BVMT 2005 mới chỉ chú trọng đến các nguồn thải ra sông thì Luật BVMT (sửa đổi) không chỉ có những quy định chặt chẽ về nguồn thải ra sông mà còn có những quy định về chất lượng nước, khả năng chịu tải của sông, nguồn nước là nền tảng cho các quy định về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm nước và cải thiện chất lượng nước. Đồng thời, Luật BVMT (sửa đổi) phân định trách nhiệm rõ ràng trong BVMT nước sông giữa UBND cấp tỉnh và Bộ TN&MT.

Bên cạnh đó, Luật BVMT có một chương riêng về biến đổi khí hậu, có một chương về BVMT biển, hải đảo. Đây là chương tổng quát, đưa ra những vấn đề mang tính nguyên tắc để tạo nên sự thống nhất về Luật BVMT. Những chi tiết sẽ được hình thành trong Luật TNMT biển và hải đảo mà Bộ TN&MT chuẩn bị trình Quốc hội phê duyệt và ban hành sau này.

Luật BVMT cũng quy định rõ ràng về trách nhiệm của các Bộ, ngành với một sự phân công rất chặt chẽ. Như Điều 141, 142 của Luật BVMT 2014, quy định giao cho Bộ trưởng Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tất cả những việc liên quan tới các văn bản pháp quy dưới Luật. Các Bộ, ngành khác cũng tham gia hoặc chủ trì để triển khai các khía cạnh của Luật BVMT.

Luật BVMT cũng bổ sung những khái niệm mới như khái niệm về tăng trưởng xanh, cơ sở và sản phẩm thân thiện với môi trường, quy định về những phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu có liên quan đến chất độc da cam (Dioxin); đề cập đến vai trò của các tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc tham gia vào công tác BVMT. Luật đã có những quy định đề cao vai trò của các tổ chức trong việc chung tay với cộng đồng tham gia BVMT.

Chấm dứt việc xem nhẹ việc đánh giá tác động môi trường

Có thể thấy rằng, bất kỳ dự án phát triển nào cũng gây ra những tác động nhất định tới đời sống người dân và môi trường xung quanh, đặc biệt là những dự án có quy mô liên vùng, liên tỉnh. Việc thực hiện tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án. Vì vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi cộng đồng là đối tượng chính chịu tác động trực tiếp và gián tiếp từ dự án. Và Luật BVMT sửa đổi đã tạo điều kiện cho người dân tham gia rõ nét hơn trong những bước khởi đầu của việc thực hiện ĐTM này.

Điểm nổi bật nhất của Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này là đã quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM thay vì đối tượng phải lập báo cáo ĐTM như Luật Bảo vệ môi trường 2005. Theo đó, người dân có quyền được thông tin đầy đủ về những tác động ấy và có quyền đưa ra quan điểm đồng tình hoặc phản đối đối với các nội dung cũng như đề xuất của dự án. Nếu quá trình tham vấn không được thực hiện hoặc thực hiện nhưng không đầy đủ thì sẽ rất dễ xảy ra những xung đột môi trường về sau và tất yếu dự án khó có thể phát triển bền vững. Điều này cũng chứng tỏ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã nhìn nhận rõ hơn công việc của ĐTM phải làm.

Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, Luật Bảo vệ môi trường khi có hiệu lực sẽ chấm dứt tình trạng xem nhẹ việc thực hiện đánh giá tác động môi trường nhằm nhanh chóng “hợp thức hóa” dự án đầu tư. Ngoài ra, về công tác thực hiện ĐTM, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều bước đột phá so với Luật Bảo vệ môi trường 2005 trước đó. Cụ thể, Luật quy định 3 nhóm dự án cần phải lập báo cáo ĐTM gồm: Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự án sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh được xếp hạng; dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Môi trường Bùi Cách Tuyến, ngày 1/1/2015, Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) chính thức có hiệu lực cũng là ngày mà các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư quan trọng có hiệu lực để có thể áp dụng ngay vào cuộc sống. Vì vậy, trong thời gian vừa qua và sắp tới đây, các đơn vị liên quan ở trong Bộ TN&MT hết sức tích cực chuẩn bị các văn bản có liên quan để trình Chính phủ kịp ban hành và có hiệu lực cùng vào thời điểm 1/1/2015. Chẳng hạn như một Nghị định chung để giải thích các điều của Luật BVMT, một Nghị định liên quan đến vấn đề quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường, cam kết BVMT, quản lí chất thải và phế liệu,…

Bộ đã chuẩn bị kế hoạch để in ấn các tài liệu giấy của Luật để truyền thông, phổ biến sâu rộng trong xã hội, mở các cuộc hội thảo tuyên truyền nội dung của Luật trên phạm vi cả nước. Bộ cũng đã chuẩn bị kế hoạch phổ biến Luật chuyển Bộ Tư pháp để tuyên truyền, phổ biến những nội dung quan trọng cốt yếu của Luật.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực