Nâng cao tính độc lập của Tổng kiểm toán Nhà nước

Thứ ba, 23/12/2014 16:55

(ĐCSVN) - Sáng 22/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).

Về khái niệm kiểm toán, dự thảo Luật quy định:” Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội (QH) thành lập, kiểm tra”.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước, không nên dùng từ " kiểm tra" vì kiểm tra thuộc chức năng của công tác lãnh đạo và chức năng quản lý. Còn Kiểm toán Nhà nước không phải là cơ quan quản lý và cũng càng không phải là cơ quan lãnh đạo của các đơn vị bị kiểm toán. “Tôi đề nghị xem lại vì kiểm toán, thực chất là, thu thập tài liệu có liên quan đến vấn đề đó để so sánh, đối chiếu và xác định đơn vị đó có bảo đảm đúng các quy định, các chuẩn mực hay không”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước phân tích.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị giữ khái niệm kiểm toán như trong Hiến pháp. Theo lý giải của ông Lý, Kiểm toán Nhà nước theo quy định tại Điều 118 của Hiến pháp là “cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công”. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lại quy định:” Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do QH thành lập, kiểm tra”, tức là thay chữ “kiểm toán bằng kiểm tra”. “Nội dung, nội hàm của kiểm tra này so với kiểm toán của Hiến pháp là khác nhau như thế nào hay giống nhau? Nếu như khác nhau là không được”, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nói. Vì vậy, Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị vẫn giữ khái niệm kiểm toán như trong Hiến pháp.

 

 Ảnh minh họa. (Nguồn: daidoanket.vn).


Mặt khác, theo ông Phan Trung Lý, quy định của Hiến pháp về chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước phải hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. “Do đó, kế hoạch kiểm toán cũng không phải xin ý kiến ai, nếu xin ý kiến, cơ quan này đề nghị năm nay không kiểm toán đơn vị này, cơ quan khác đề nghị không kiểm toán đơn vị khác thì chẳng lẽ Kiểm toán Nhà nước cũng phải nghe theo?”, ông Lý đặt vấn đề. Theo đó, quy định Kiểm toán Nhà nước quyết định và báo cáo với QH là phù hợp, chứ không thể xin ý kiến Chính phủ trước khi thực hiện kiểm toán.

Liên quan đến các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với Kiểm toán Nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị quy định theo hướng cụ thể hơn về mặt nguyên tắc giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán.

Dự thảo quy định: “Tổng kiểm toán Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trường hợp khiếu nại không được giải quyết hoặc đơn vị được kiểm toán không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng kiểm toán Nhà nước thì đơn vị đó có quyền khiếu nại ra tòa án”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Đây là quyết định hành chính hay quyết định chỉ có tính chất khuyến nghị? Bởi nếu kiện ra tòa án thì nó phải là quyết định hành chính, chỉ quyết định hành chính thì tòa án mới giải quyết. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước có là quyết định hành chính hay không?

“Tôi đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo xem xét kỹ vấn đề này. Khi tòa giải quyết các vụ án hành chính liên quan thì phải nhờ Kiểm toán Nhà nước giám định - vậy còn ai cao hơn quyết định của Tổng kiểm toán Nhà nước thì tòa làm sao giải quyết được?”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực