Nhiều câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền rõ ràng, thẳng thắn

Thứ tư, 19/11/2014 18:05

(ĐCSVN)- Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao phần trả lời chất vấn thẳng thắn, không thoái thác trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền.

Đại biểu (ĐB) Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền có nhiều phần trả lời chất vấn khá tốt, rõ. Nhưng những giải pháp mới cho Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa làm ĐB yên tâm.

“Từ năm 2013 tới giờ, công tác quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề vùng kinh tế động lực vẫn bỏ ngỏ. Mặc dù trong chiến lược đào tạo nghề giai đoạn 2011-2020 đã xác định rõ, nhưng phần trả lời của Bộ trưởng chưa thuyết phục được cho cử tri, đó là việc quy hoạch đào tạo nghề vùng kinh tế động lực như thế nào? Tới giờ phút này chưa rõ. Mặt khác, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cần có giải đáp rõ hơn xung quanh 650.000 lao động không có chuyên môn kỹ thuật; gần 60% tổng số lao động thất nghiệp chưa được đào tạo, nó xuất phát từ đâu?” – ĐB Trương Văn Vở nói.

 

 ĐB Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai)


Nhiều ĐB Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền về thực trạng thất nghiệp trong xã hội hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Bộ trưởng cũng đã đưa ra các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (tỉnh Bắc Ninh) cho rằng: Thực tế thời gian qua cho thấy, cơ hội có việc làm của phụ nữ thấp hơn nam giới khi không có tay nghề, chủ yếu chị em chỉ được đào tạo nghề ngắn hạn, đặc biệt ở nông thôn nên thu nhập chỉ tạm thời và không ổn định.

ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa mong muốn, Bộ LĐTB&XH mà đứng đầu là Bộ trưởng làm sao đưa chương trình dạy nghề phải đến tận tay phụ nữ nông thôn. Việc đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, qua thời gian theo dõi thấy cần mang tính truyền nghề vì chị em có con nhỏ mà lên trung tâm huyện hàng ngày thì rất khó khăn.

Chia sẻ khó khăn với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền về vấn đề giải quyết việc làm đối với số sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, theo ĐB Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) thì việc dự báo lao động và việc làm, đào tạo nghề mặc dù thuộc Bộ LĐTB&XH nhưng trách nhiệm về giáo dục phổ thông và sau đại học là do Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Trên thực tế, nhu cầu của người học đã phát sinh mâu thuẫn, thiếu cân bằng, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực, lãng phí về nguồn lực và kinh tế của nhân dân, xã hội và ngân sách. Vấn đề này theo tôi ngoài Bộ LĐTB&XH còn cần có sự chung tay của các bộ khác. Cơ bản tôi hài lòng về cách trả lời, nhận trách nhiệm của Bộ trưởng” – ĐB Trương Minh Hoàng bày tỏ.

 

 ĐB Đỗ Mạnh Hùng (tỉnh Thái Nguyên).


ĐB Đỗ Mạnh Hùng (tỉnh Thái Nguyên) đồng tình nhiều giải pháp giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội mà Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đưa ra. Tuy nhiên, ĐB mong muốn Bộ trưởng cần phải làm rõ trách nhiệm cơ quản quản lý nhà nước về vấn đề này. “Về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc nợ đọng bảo hiểm xã hội thì Bộ trưởng có đề cập đến thanh tra, kiểm tra nhưng theo tôi là chưa đủ bởi vì vấn đề quản lý liên quan đến nhiều ngành, do đó cần phải tăng cường sự phối hợp giữa Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các Bộ, ngành khác. Tôi ví dụ khi cho phép thành lập doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý thì phải rằng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đó trong việc nộp bảo hiểm xã hội”- ĐB Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Mặt khác, ĐB Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, Bộ trưởng có đề cập đến vai trò của người lao động trong nợ đọng bảo hiểm xã hội nhưng phải làm rõ hơn sự tham gia tích cực, chủ động của người lao động vào xử lý vấn đề này. Chúng ta cần phải làm rõ được việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội trước hết là vì lợi ích của người lao động thì khi đó người lao động sẽ tự giác tham gia quá trình này, không cho phép người sử dụng lao động "quên" đóng bảo hiểm xã hội.

Còn ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã có hiệu lực từ 1-5-2013 nhưng hiện nay việc triển khai có nhiều vướng mắc. Một số doanh nghiệp thực hiện, số doanh nghiệp khác lại không vì chưa có hướng dẫn của Bộ. Mặt khác, các quy định về lương của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp nước ngoài có thực hiện hay không và thực hiện ra sao đang là câu hỏi cần có sự trả lời. Thế nhưng, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời là đang triển khai, đang có bước đi là chưa hợp lý và cũng chưa có lời giải đáp cuối cùng. Qua đây, ĐB đòi hỏi Chính phủ, Bộ LĐTB&XH quan tâm hơn và có giải pháp căn cơ hơn vì điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực