Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga

Thứ năm, 08/01/2015 14:28

 

Bà Châu Thị Thu Nga.

(ĐCSVN) - Ngày 8/1, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho biết, bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn Hà Nội - người vừa bị cơ quan điều tra của Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam tối 7/1 - đã bị tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn ĐBQH để phục vụ công tác điều tra.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, khi Quốc hội họp chính thức ở Kỳ họp tới và biểu quyết bãi nhiệm thì đại biểu Châu Thị Thu Nga mới mất tư cách ĐBQH.

Trước đó, chiều tối 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 866/NQ-UBTVQH13 về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Nghị quyết được ban hành căn cứ vào Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Tổ chức Quốc hội số 83/2007/QH11 và căn cứ đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Công văn số 4866/VKSTC-V1 ngày 31/12/2014.

Theo nội dung Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị: Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Được biết, bà Châu Thị Thu Nga (49 tuổi) là ĐBQH khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đồng thời là đại biểu Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội.

Như tin đã đưa, đầu năm 2014, bà Châu Thị Thu Nga, với cương vị là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) đã bị nhiều khách hàng mua bán bất động sản, đối tác làm ăn của mình gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tố cáo bà chiếm dụng vốn của khách hàng, không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký và trốn tránh khách hàng với số tiền lên tới cả trăm tỷ đồng.

Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) của bà Nga làm chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn và Dự án bất động sản tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Tại Dự án B5 Cầu Diễn, khách hàng tố cáo bà Ngà và đối tác đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng với số tiền khoảng 300 tỷ đồng.

Tại Dự án phường Phú Thượng, bà Nga và đối tác bị tố cáo huy động hàng chục tỷ đồng từ năm 2007 để xây dựng nhà ở nhưng đến nay mới xây phần móng.

Sau khi hàng loạt khách hàng gửi đơn tố cáo, tối 7/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với bà Châu Thị Thu Nga về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các quyết định trên được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tuẫn, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”./.

Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội quy định:

Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội.

Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ, thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét và quyết định.

Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó.

Đại biểu Quốc hội bị Toà án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật.

Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, đơn vị nơi đại biểu làm việc cách chức, buộc thôi việc, nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực