Thẻ căn cước công dân có thể thay hộ chiếu

Thứ sáu, 12/12/2014 16:47

(ĐCSVN) - Từ ngày 1/1/2016, thẻ căn cước công dân sẽ bắt đầu được cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên. Thẻ này có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Căn cước công dân. Luật này gồm có 6 Chương, 39 Điều quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc quản lý, sử dụng thẻ căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này áp dụng đối với công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

 

Mẫu thẻ căn cước công dân. (Ảnh: tuoitre.vn) 

Luật quy định mọi công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi thì được cấp thẻ căn cước công dân. Thẻ căn cước công dân là tên gọi thay cho “chứng minh nhân dân” như hiện nay.

Thẻ căn cước công dân có gắn mã số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân và được ghi lên thẻ căn cước công dân, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam, gồm 15 trường thông tin: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại...

Thẻ được bổ sung ngôn ngữ tiếng Anh, gồm thông tin như: ảnh; số thẻ; họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn. Mặt sau có thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy.

Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Thẻ phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Không phải xuất trình giấy tờ khác

Điều 20 của Luật Căn cước công dân khẳng định rõ giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân. Theo quy định của Luật, khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.

Cấp miễn phí thẻ căn cước công dân

Điểm mới đáng chú ý là Luật quy định công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ căn cước công dân lần đầu, đổi thẻ căn cước công dân khi đến tuổi đổi thẻ theo quy định của Luật hoặc có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân. Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân khác thì mới phải nộp lệ phí.

Công dân đến làm thẻ căn cước chỉ cần kê khai vào tờ khai cấp thẻ theo mẫu quy định không cần xác nhận của công an xã, phường, thị trấn vì các thông tin về công dân đã được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và chứng minh nhân dân (CMND) đã được cấp trước ngày luật có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành quy định sử dụng thông tin từ CMND được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.

Các địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo luật này thì công tác quản lý công dân vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày luật có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật này.

Như vậy, từ năm 2016 sẽ đồng thời tồn tại ba loại giấy tờ có giá trị pháp lý như nhau là chứng minh nhân dân (chín số theo mẫu cũ), chứng minh nhân dân 12 số theo mẫu mới và thẻ căn cước công dân./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực