Thông tư hướng dẫn về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dạy nghề bị “tuýt còi”

Thứ năm, 16/10/2014 17:25

(ĐCSVN) - Việc không quy định liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề phải đáp ứng điều kiện về trình độ ngoại ngữ của đối tượng tuyển sinh là không phù hợp với Nghị định 73 của Chính phủ, dẫn tới không đảm bảo chất lượng của đối tượng tuyển sinh vào học tại các chương trình liên kết đào tạo cấp văn bằng đối với trình độ trung cấp, cao đẳng nghề.

Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) - Bộ Tư pháp vừa có văn bản số 260 /KTrVB gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “tuýt còi” Thông tư số 23/2013/TT-BLĐTBXH (Thông tư số 23) ngày 16/10/2013 của Bộ này hướng dẫn một số điều về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực dạy nghề của Nghị định số 73/2012/NĐ-CP (Nghị định số 73) ngày 26/9/2012 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Theo Cục kiểm tra văn bản QPPL, Điều 9 Thông tư số 23 quy định đối tượng tuyển sinh vào học các chương trình liên kết đào tạo nghề để cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ của cơ sở dạy nghề Việt Nam hoặc cơ sở dạy nghề nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp nhận vào học theo từng trình độ của cơ sở dạy nghề theo quy định của pháp luật Việt Nam (khoản 1) hoặc pháp luật nước ngoài (khoản 2). Trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở dạy nghề Việt Nam và cơ sở dạy nghề nước ngoài thì đối tượng tuyển sinh phải đáp ứng cả hai điều kiện tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên (Khoản 3). Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 73 thì đối tượng tuyển sinh vào học tại các chương trình liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng (bao gồm cả trung cấp, cao đẳng nghề) ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 9 của Thông tư số 23, đối tượng tuyển sinh còn phải đáp ứng điều kiện là “ít nhất phải có trình độ B1 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương” (điểm a khoản 4 Điều 13).

Như vậy, việc Thông tư số 23 không quy định liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề phải đáp ứng điều kiện về trình độ ngoại ngữ của đối tượng tuyển sinh là không phù hợp với quy định của Nghị định số 73, dẫn tới không đảm bảo chất lượng của đối tượng tuyển sinh vào học tại các chương trình liên kết đào tạo cấp văn bằng đối với trình độ trung cấp, cao đẳng nghề.

Mặt khác, tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23 quy định hồ sơ đăng ký mẫu phôi bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề nếu cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề thuộc hệ thống của nước ngoài bao gồm: Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đầu tư; Bản sao có công chứng Quyết định cho phép thành lập cơ sở dạy nghề; Bản sao có công chứng Giấy phép hoạt động dạy nghề; phôi bằng tốt nghiệp, chứng chỉ được dịch ra tiếng Việt Nam, có công chứng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật công chứng, chứng thực (Luật Công chứng, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký) thì các tổ chức hành nghề công chứng không có thẩm quyền công chứng đối với bản sao, bản sao chỉ được chứng thực tại UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện. Vì vậy, việc Thông tư số 23 quy định yêu cầu “bản sao có công chứng” là không phù hợp với quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

Từ các nội dung nêu trên, để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật của Thông tư số 23 và thông báo kết quả xử lý cho Cục Kiểm tra văn bản theo quy định của Chính phủ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực