Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật

Thứ năm, 16/09/2021 18:19
(ĐCSVN) - 10 Luật đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa chủ trì cuộc họp với các đơn vị về việc hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 Luật.

10 Luật đang được tiến hành sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, về cơ bản các ý kiến hiện nay đều thống nhất với dự thảo Luật trình Chính phủ. Liên quan tới một số vấn đề cần xin ý kiến Chính phủ và dự kiến chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, theo ông Tuyến, dự thảo Luật đang quy định người đứng đầu cơ quan chủ quản có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn ODA viện trợ không hoàn lại, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý (sửa đổi Luật Đầu tư công).

Qua trao đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, nếu phân quyền quyết định danh mục, chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi như một số ý kiến đã  góp ý trong quá trình soạn thảo quy định sửa đổi nêu trên thì sẽ phải mở rộng phạm vi sửa đổi Điều 29 Luật Quản lý nợ công và Điều 25 Luật Đầu tư công. Hơn nữa, việc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thì Chính phủ cần thống nhất quản lý trên phạm vi cả nước nhằm có các cơ chế, chính sách đảm bảo an toàn nợ công cũng như việc lập, thẩm định và phân bổ vốn ngân sách Trung ương, phần vốn nước ngoài trung hạn và hàng năm.

Do vậy, đề xuất dự án sử dung vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cần được Thủ tướng xem xét, quyết định. Trên cơ sở giải trình của Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp đã giữ nguyên quy định như trên.

Trong sửa đổi Luật Đầu tư, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại các trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sinh thái hoạt động tại khu công nghiệp sinh thái là đối tượng được ưu đãi đầu tư. Qua ý kiến giải trình của Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp thống nhất cho rằng nếu chỉ sửa đổi Luật Đầu tư mà chưa sửa các luật chuyên ngành khác, trong đó có Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề nghị sửa đổi tổng thể các luật về thuế) thì quy định này cũng không khả thi trên thực tế…

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long 

Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý từ các đơn vị trong và ngoài Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long đã kết luận từng nội dung cụ thể mà Tổ biên tập xin ý kiến. Trong đó, cùng với việc nhất trí với một số đề xuất của Tổ biên tập thì về việc sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư, Bộ trưởng cho rằng trước hết phải nhắc đến tiêu chí dự án đầu tư có quy mô dân số tương đương đô thị loại III, còn con số thì sẽ nghiên cứu quy định cho minh bạch. Bởi dự án đầu tư có quy mô sử dụng bao nhiêu héc ta đất hoặc quy mô dân số bao nhiêu người còn phụ thuộc vào chính sách quản lý các loại đất và ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19. Bộ trưởng chỉ đạo Bộ Tư pháp cần nêu quan điểm của mình và phương án chọn để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Riêng về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở đến nay chưa có cơ quan đề xuất, không có hồ sơ trình. Vì vậy, Bộ KH&ĐT cùng Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan: Công an, Thông tin và Truyền thông cần có ý kiến thống nhất với nhau, bổ sung hồ sơ đánh giá tác động, nhất là đánh giá khi sửa điều khoản này thì sẽ kéo theo điều khoản nào khác cần sửa đổi, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật nhằm hoàn thiện hồ sơ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nếu đủ điều kiện.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, đây là một dự án Luật khó, sửa đổi, bổ sung nhiều luật khác nhau nên cần đề nghị Thủ trướng Chính phủ chỉ đạo khi các cơ quan QH thẩm tra thì Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, KH&ĐT, Tư pháp, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng phải trực tiếp báo cáo giải trình tại các phiên họp thẩm tra.

Theo dự kiến chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 10 Luật sẽ được cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2021.

C.Thành

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực