Việt Nam tham gia Công ước La Hay năm 1965 về Tống đạt: Cơ hội và thách thức

Thứ tư, 10/12/2014 15:11

(ĐCSVN) - Tỷ lệ ủy thác tư pháp không có kết quả lên đến 52% và nếu có kết quả thì thời gian thực hiện thường rất dài, có khi đến hàng năm.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “kinh nghiệm quốc tế về tham gia và thực thi Công ước La Hay năm 1965 về Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại” do Bộ Tư pháp tổ chức sáng ngày 10/12, tại Hà Nội.

 

  Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Ảnh: TH).


Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, những năm gần đây, số lượng hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp mà Việt Nam đã tiếp nhận của nước ngoài và đề nghị nước ngoài hỗ trợ tăng mạnh. Nếu giai đoạn từ năm 2008-2011, trung bình mỗi năm Viêt Nam gửi đi khoảng 2.000 yêu cầu ủy thác tư pháp thì đến năm 2012-2013 con số này đã lên đến gần 5.000 yêu cầu, năm 2014 (tính đến tháng 9) đã có 3.360 yêu cầu, trong đó có khoảng 80% các yêu cầu tống đạt giấy tờ, tài liệu.

Song, thực tiễn cho thấy, việc tống đạt đang gặp nhiều khó khăn, đem lại kết quả thực hiện việc tống đạt này còn hạn chế, như nhiều trường hợp không có kết quả, việc tống đạt kéo dài, không đáp ứng được yêu cầu tố tụng…

Số liệu thực hiện ủy thác tư pháp năm 2014 cũng cho thấy, 85% yêu cầu ủy thác tư pháp gửi ra nước ngoài chủ yếu đến những nước chưa có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam. Tỷ lệ không có kết quả lên đến 52% và nếu có kết quả thì thời gian thực hiện thường rất dài, có khi đến hàng năm.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc Việt Nam chưa có quan hệ điều ước về tương trợ tư pháp ở mức độ phù hợp để ràng buộc các quốc gia thực hiện yêu cầu, trong nhiều trường hợp, hiện tại Việt Nam chỉ có khoảng 15 điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp nhưng việc tống đạt giấy tờ vẫn gặp khó khăn do chuẩn mực song phương đa dạng. Xu thế hiện nay của các nước trên thế giới là tham gia vào các điều ước quốc tế song phương. Do vậy, với những nước mà Việt Nam chưa có điều ước song phương về tương trợ tư pháp thì sẽ ít có cơ hội để ký kết được một điều ước như vậy. Hệ quả là công lý trong các trường hợp khó được bảo đảm, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

“Việc tống đạt các giấy tờ tài liệu là yêu cầu bắt buộc của pháp luật tố tụng Việt Nam để quyết định chính xác vụ việc, quyền và lợi ích của các bên được bảo vệ”, ông Ngọc khẳng định.

Bà Phạm Hồ Hương, Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã tích cực trao đổi, đề xuất đàm phán hiệp định tương trợ tư pháp song phương với các nước mà Việt Nam có nhu cầu cao về ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự như Hoa Kỳ, Đức, Cannada, Nhật Bản… nhưng phía nước ngoài không sẵn sàng đàm phán vì hầu hết các nước này đã tham gia các thiết chế đa phương có liên quan, cụ thể là Công ước Tống đạt.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc Việt Nam gia nhập Công ước Tống đạt trong thời điểm hiện nay có nhiều thuận lợi, đặc biệt là sau khi có Hiến pháp mới năm 2013 với nhiều quy định thuận lợi và hệ thống pháp luật liên quan trong nước đang được rà soát để sửa đổi, bổ sung đầy đủ theo yêu cầu của Hiến pháp mới, trong đó có Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức TAND… Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế sau khi trở thành thành viên chính thức. Tuy nhiên, Công ước Tống đạt là kết quả của sự hài hòa pháp luật của nhiều quốc gia khác nhau, có nhiều nội dung đã quen thuộc với các nước nhưng còn đổi mới với Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoa Chi, Trưởng phòng hợp tác đa phương, Cục Đối ngoại, Bộ Công an, khi chưa xác định được người đó có phải tội phạm hay không thì việc tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp rất cần thiết để bảo vệ người dân Việt Nam ở trong nước, nước ngoài cũng như người nước ngoài ở Viêt Nam.

Chỉ ra còn những thách thức khi thực hiện Công ước Tống đạt giấy tờ, ông Lê Mạnh Hùng, Viện Khoa học xét xử, TAND tối cao cho hay: Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, địa chỉ của đương sự ở Việt Nam càng chi tiết, cụ thể thì việc thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của nước ngoài càng thuận lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp yêu cầu ủy thác tư pháp không thể thực hiện được, chủ yếu do địa chỉ của đương sự chỉ mới đến cấp huyện, cấp xã mà không cụ thể thôn, xóm, ấp; địa chỉ hoặc tên đương sự đã bị dịch sai. “Những hạn chế này có khả năng vẫn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới làm Tòa án mất nhiều công sức trong việc xác minh địa chỉ”, ông Hùng nói.

 Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngòai tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại là công ước đa phương do Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế soạn thảo hoặc được thông qua vào ngày 15/11/1965 tại phiên họp lần thứ 10 của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, có hiệu lực từ ngày 10/2/1969. Hiện nay, Công ước Tống đạt có 68 quốc gia thành viên từ các nền kinh tế phát triển và đang phát triển với truyền thống pháp luật khác nhau.

Công ước gồm 31 điều và một phụ lục các mẫu Yêu cầu tống đạt, Giấy xác nhận kết quả tống đạt, Bản tóm tắt giấy tờ được tống đạt. Công ước áp dụng cho các vụ việc về dân sự hoặc thương mại có yêu cầu phải tống đạt giấy tờ tư pháp hoặc ngoài tư pháp ra nước ngoài và không áp dụng trong trương hợp không biết được địa chỉ của người nhận được tống đạt (Điều 1).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực