Bàn về sự lẫn lộn chính trị với giáo dục

Thứ ba, 13/12/2011 15:11

Trong Đảng dân chủ xã hội chúng ta, không phải là có ít người, mỗi khi thấy công nhân gặp thất bại trong lúc chiến đấu với bọn tư bản hay với chính phủ, thì rơi vào chủ nghĩa bi quan và viện cớ ảnh hưởng của chúng ta đối với quần chúng không đầy đủ mà khinh khỉnh chẳng thèm há miệng nói đến mục tiêu cao cả và vĩ đại của phong trào công nhân. Chúng ta bó tay đành chịu thôi! Chúng ta chẳng còn có cách nào cả! Họ nói như thế đấy. Một khi chúng ta thậm chí chưa hiểu rõ được tâm trạng của quần chúng, chưa biết kết thành một khối với quần chúng và phát động quần chúng công nhân, thì không còn nói đến vai trò của Đảng dân chủ - xã hội là đội tiền phong cách mạng làm gì nữa! Sự thất bại của người dân chủ - xã hội ngày mồng một tháng Năm năm nay đã làm cho tâm trạng đó tăng lên rất mạnh. Cố nhiên, bọn men-sê-vích hoặc phái “Tia lửa” mới liền nắm ngay lấy cái đó, để một lần nữa lại đề ra khẩu hiệu: hướng về quần chúng! và coi đó là một khẩu hiệu đặc biệt, tuồng như để châm chọc ai, để đáp lại những tư tưởng và cuộc bàn cãi về chính phủ cách mạng lâm thời, về chuyên chính dân chủ cách mạng, v.v..

Không thể không thừa nhận rằng, trong sự bi quan ấy và trong cái kết luận do các nhà chính luận nóng vội của phái “Tia lửa” mới đã rút ra đó có bao hàm một triệu chứng rất nguy hiểm đủ có thể làm nguy hại nặng nề cho phong trào dân chủ -xã hội. Không nghi ngờ gì cả, tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn. Không gì chính đáng bằng lời chỉ bảo cần phải đẩy mạnh và mở rộng một cách thường xuyên và vô điều kiện ảnh hưởng của chúng ta trong quần chúng, đẩy mạnh và mở rộng công tác tuyên truyền và cổ động một cách nghiêm chỉnh chủ nghĩa Mác của chúng ta, đẩy mạnh và mở rộng việc tiếp xúc của chúng ta đối với cuộc đấu tranh kinh tế của giai cấp công nhân; v.v.. Nhưng chính vì lời chỉ bảo đó trong bất cứ điều kiện và hoàn cảnh nào cũng đều luôn luôn chính đáng cả, nên không thể biến nó thành khẩu hiệu đặc biệt được, nó không thể bào chữa cho mưu toan muốn dựa vào đó để lập ra một phái đặc biệt nào đó trong Đảng dân chủ - xã hội được. Ở đây có một giới hạn, mà đi quá giới hạn này thì lời chỉ bảo không thể chối cãi được đó có thể dẫn đến chỗ thu nhỏ nhiệm vụ và quy mô của phong trào lại, khiến cho những nhiệm vụ chính trị tiên tiến bức thiết và then chốt nhất biến thành những lời nói suông về mặt lý luận.

Việc làm cho công tác và ảnh hưởng ăn sâu và lan rộng trong quần chúng là việc luôn luôn cần thiết. Nếu không thì, người dân chủ - xã hội không phải là người dân chủ - xã hội nữa. Bất cứ một tổ chức nào, một đoàn thể hay một nhóm nào, nếu không thường xuyên và tiến hành đều đặn công tác đó, thì nó không trở thành tổ chức dân chủ - xã hội. Tất cả ý nghĩa của việc chúng ta nghiêm ngặt tách ra thành một đảng độc lập riêng rẽ của giai cấp vô sản, trong một chừng mực rất lớn, là ở chỗ chúng ta thường xuyên tiến hành một cách kiên trì công tác mác-xít đó, hết sức nâng toàn thể giai cấp công nhân lên trình độ người dân chủ - xã hội tự giác, không để và quyết không để cho bất cứ cơn phong ba chính trị nào (lại càng không để cho cuộc thay đổi màu mè chính trị) làm cho chúng ta từ bỏ công tác cấp thiết đó. Không tiến hành công tác đó, thì hoạt động chính trị tất nhiên sẽ biến thành cái trò chơi, bởi vì hoạt động đó chỉ khi nào và chỉ trong chừng mực nào có thể phát động được quần chúng của một giai cấp nhất định, làm cho họ quan tâm và thúc đẩy họ tích cực xung phong tham gia các sự biến; thì mới có ý nghĩa trọng đại đối với giai cấp vô sản. Chúng tôi đã nói công tác đó lúc nào cũng cần thiết. Sau mỗi lần thất bại đều có thể và cần phải nói đến nó, nhấn mạnh nó, bởi vì việc làm yếu công tác đó đi lúc nào cũng là một trong những nguyên nhân khiến giai cấp vô sản thất bại. Sau mỗi thắng lợi thì lúc nào cũng cần phải nói đến công tác đó và nhấn mạnh ý nghĩa của nó, bởi vì không làm như vậy thì thắng lợi chỉ là hữu danh vô thực, kết quả thắng lợi sẽ không thể bảo đảm được, và đứng về mặt toàn bộ cuộc đấu tranh vĩ đại để đạt tới mục tiêu cuối cùng của chúng ta mà nói, thì ý nghĩa hiện thực của thắng lợi cũng sẽ rất là nhỏ, thậm chí có thể có hại nữa (nếu thắng lợi cục bộ ru ngủ tinh thần cảnh giác của chúng ta, làm yếu tinh thần dè chừng của chúng ta đối với những bạn đồng minh không vững chắc, khiến chúng ta bỏ lỡ thời cơ tiếp tục tiến công địch một cách mãnh liệt hơn).

Nhưng chính vì việc làm cho ảnh hưởng ăn sâu và lan rộng trong quần chúng, bất cứ lúc nào cũng đều cần thiết như thế, dù sau mỗi thắng lợi hay mỗi thất bại, dù trong thời kỳ đình trệ về chính trị hay trong thời kỳ nhiều giông tố cách mạng nhất, chính vì nguyên nhân đó nên không thể biến lời chỉ dẫn về công tác đó thành một khẩu hiệu đặc biệt, hoặc không thể căn cứ vào đấy mà lập ra một phái đặc biệt nào đó nếu không muốn sa vào hố mị dân và thu hẹp nhiệm vụ của giai cấp tiên tiến duy nhất, thật sự cách mạng. Hoạt động chính trị của Đảng dân chủ - xã hội, hiện nay và sau này đều gồm có những nhân tố giáo dục nhất định: cần phải bồi dưỡng toàn thể giai cấp công nhân làm công, khiến học trở thành những chiến sĩ đấu tranh để giải phóng cho cả loài người thoát khỏi mọi sự áp bức, cần phải giáo dục thường xuyên cho những tầng lớp mới mỗi ngày một tăng thêm của giai cấp đó, cần phải biết cách đối xử với những đại biểu ít được giáo dục nhất, thiếu văn hóa nhất và không được tiếp xúc với khoa học của chúng ta và khoa học của đời sống, trong giai cấp đó, để có thể cùng bàn bạc trao đổi với họ, gần gũi họ, nhẫn nại và hết sức kiên trì nâng cao họ lên trình độ người dân chủ - xã hội giác ngộ, đồng thời không được biến học thuyết của chúng ta thành một thứ giáo điều cằn cỗi; nghiên cứu học thuyết đó không thế chỉ căn cứ vào sách mà còn phải tham gia vào cuộc đấu tranh thiết thân hang ngày của tầng lớp thiếu học vấn nhất và thiếu văn hóa nhất ấy trong giai cấp vô sản. Chúng ta nhắc lại rằng trong hoạt động hàng ngày đó có yếu tố giáo dục nhất định. Người dân chủ - xã hội mà quên mất hoạt động đó thì không còn là người dân chủ - xã hội nữa. Điều đó đúng thế. Nhưng hiện nay cúng ta thường luôn luôn quên mất rằng một người dân chủ - xã hội mà đem quy nhiệm vụ chính trị thành ra việc giáo dục, thì cũng không còn là người dân chủ - xã hội nữa (dù rằng đó là do nguyên nhân khác). Người nào muốn lợi dụng sự “giáo dục” đó để nêu ra khẩu hiệu đặc biệt, đem đối lập giáo dục với “chính trị”, để trên cơ sở đối lập như vậy mà lập ra một phe phái đặc biệt và kêu gọi quần chúng vì khẩu hiệu đó mà đấu tranh chống các “nhà chính trị” dân chủ - xã hội, thì người đó tất nhiên sẽ rơi ngay vào chỗ mị dân.

Bất cứ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng cả, điều đó mọi người đã hiểu từ lâu rồi. Bất cứ sự so sánh nào cũng chỉ có thể đem so sánh được một hay vài phương diện nào đó của sự vật hoặc của khái niệm được đem ra so sánh và tạm thời bỏ qua các mặt khác một cách có điều kiện. Chúng tôi xin nhắc lại bạn đọc để thấy cái chân lý đó mà mọi người đã biết rõ nhưng lại thường hay lãng quên mất và đem ví Đảng dân chủ - xã hội với một trường học lớn có đủ tất cả tiểu học, trung học lẫn đại học. Bất cứ lúc nào và bất cứ trong điều kiện nào, trường học lớn đó cũng không được quên việc dạy cho biết chữ, dạy cho biết những điều sơ đẳng về kiến thức và những điều sơ đẳng về độc lập tư tưởng. Nhưng nếu ai muốn mượn cớ dạy cho biết chữ để tránh vấn đề giáo dục những kiến thức, ai muốn đem kết quả không chắc chắn, đáng nghi ngờ và “chật hẹp” của việc giáo dục những kiến thức cao này (số người có thể tiếp thu được sự giáo dục này rất ít so với số người học đọc, học viết) đối lập với kết quả chắc chắn, sâu sắc, rộng lớn của việc giáo dục sơ đẳng, thì người đó sẽ để lộ rõ sự nông cạn không thể tưởng tượn được của họ. Người đó thậm chí còn có thể giúp cho việc hoàn toàn xuyên tạc tất cả ý nghĩa của đại học, vì coi nhẹ vấn đề giáo dục cao đẳng chỉ có thể làm cho những kẻ lừa dối, mị dân và bọn phản động càng dễ dàng đánh lạc hướng những người chỉ mới biết đọc biết viết mà thôi. Hoặc giả chúng tôi lại ví đảng với quân đội. Dù trong thời bình hay thời chiến, đều không được quên việc huấn luyện lính mới, nghiên cứu khoa học xạ kích và truyền bá sâu rộng trong quần chúng những kiến thức thông thường về quân sự. Nhưng nếu người chỉ huy cuộc diễn tập hay đánh trận thật…*.

* Trong nguyên văn, bài này đến đây là đứt đoạn (B.T.)

Viết vào tháng Sáu năm 1905

V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1965, t.8, tr. 522-526.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực