Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương gửi các đảng viên cộng sản công tác tại Bộ Dân ủy Giáo dục

Thứ sáu, 29/06/2012 15:33
1. Tuyệt đối đứng trên lập trường do cương lĩnh ĐCSN về việc giáo dục bách khoa quy định (xem nhất là các § 1 và 8 trong chương cương lĩnh dành nói về giáo dục quốc dân), Đảng phải nhìn nhận việc hạ mức tuổi cho giáo dục phổ thông và bách khoa từ 17 xuống 15 tuổi độc nhất như một sự cần thiết thực tiễn tạm thời do cảnh nghèo khổ và tan hoang của nước nhà bị đày đọa vì các cuộc chiến tranh mà phe Đồng minh buộc ta phải chịu đựng.

Thực hiên ''sự liên hệ'' của giáo dục chuyên nghiệp cho những người từ 15 tuổi trở lên với những ''kiến thức bách khoa phổ thông'' (§ 8 trong chương đã chỉ trên của cương lĩnh ĐCSN) là tuyệt đối bắt buộc trong chừng mực bất cứ có khả năng nhỏ nào, ở khắp mọi nơi.

2. Khuyết điểm chủ yếu của Bộ Dân ủy Giáo dục là thiếu thiết thực và thực tế, thiếu kiểm điểm và kiểm tra kinh nghiệm thực tế, không có hệ thống trong việc sử dụng những kết quả của kinh nghiệm ấy, tự để cho những lập luận chung chung và các khẩu hiệu trừu tượng chi phối mình. Người dân ủy và hội đồng cán bộ phụ trách phải đặc biệt chú ý đấu tranh chống những khuyết điểm ấy.

3. Bộ Dân ủy Giáo dục, nói chung, và Nha Giáo dục chuyên nghiệp trung ương, nói riêng, đã tổ chức không đúng việc lôi kéo các chuyên gia vào các cơ quan trung ương, nghĩa là những cán bộ giảng dạy đã được đào luyện về lý thuyết và có một thời kỳ thực hành lâu dài, cũng như người lão luyện như thế trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp và kỹ thuật (kể cả nông học).

Điều thiết yếu là tiến hành ngay lập tức việc điều tra số những người ấy, chú ý đến thâm niên của họ, kiểm tra kết quả công tác của họ và giao một cách có hệ thống cho họ những chức vụ có trách nhiệm thuộc diện địa phương và nhất là diện trung ương. Không một biện pháp quan trọng nào được dùng mà không có ý kiến của những chuyên gia ấy và không có sự tham gia thường xuyên của họ.

Dĩ nhiên là việc lôi kéo chuyên gia phải được tiến hành với hai điều kiện bắt buộc: một là, các chuyên gia ngoài đảng phải làm việc dưới sự giám sát của những người cộng sản. Hai là, nội dung giáo dục, - chừng nào nói về các môn học phổ thông, nhất là về triết học, khoa học xã hội và giáo dục cộng sản chủ nghĩa, - nhất thiết phải do những người cộng sản quy định.

4. Phải khởi thảo những chương trình do hội đồng cán bộ phụ trách và dân ủy duyệt y, cho các loại trường học chính, và sau cho các lớp học các cuộc diễn giảng, các buổi báo cáo, các cuộc nói chuyện, các buổi học thực tế.

5. Vụ học hiệu lao động duy nhất và, đặc biệt là, Nha Giáo dục chuyên nghiệp trung ương phải hết sức chăm lo lôi cuốn một cách rộng rãi và có hệ thống hơn tất cả các lực lượng kỹ thuật và nông học thích hợp vào công việc giáo dục chuyên nghiệp kỹ thuật và bách khoa, song song với việc sử dụng mỗi một nhà máy, công xưởng và doanh nghiệp được tổ chức khá ít nhiều (nông trường quốc doanh, trạm thí nghiệm nông nghiệp, doanh nghiệp tốt, v.v..., nhà máy điện, v.v…).

Các hình thức và cách sử dụng các xí nghiệp và cơ quan kinh tế cho việc giáo dục bách khoa phải được thiết định hiệp đồng với các cơ quan kinh tế nhất định làm thế nào không gây trở ngại cho tiến trình sản xuất bình thường.

6. Cần phải xác định những hình thức về chế độ báo cáo ngắn gọn nhất, nhưng rõ ràng và chính xác, làm thế nào có thể kiểm điểm và kiểm tra được quy mô và kết quả công tác. Về mặt này, tổ chức công việc tại Bộ Dân ủy Giáo dục rất tồi.

7. Sự phân phối các báo, tập sách nhỏ, tạp chí và sách trong các thư viện và phòng đọc sách báo ở trường cũng như ngoài nhà trường, cũng rất tồi. Do đó mà một tầng lớp rất mỏng manh những viên chức xô-viết chiếm đoạt lấy sách báo, và chỉ còn rất rất ít cho công nhân và nông dân. Toàn bộ công tác ấy phải được cải tổ lại về căn bản.

Ngày 5 tháng Hai 1921

V.I.Lênin, Toàn tập, tiếng Nga, xuất bản lần thứ 5, t.42. tr.319 – 321.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực