Diễn văn đọc tại Đại hội II các nhà giáo quốc tế chủ nghĩa ở Nga

Thứ sáu, 13/01/2012 10:37
Thưa các đồng chí, cho phép tôi thay mặt Hội đồng Dân uỷ chào mừng đại hội của các đồng chí. Thưa các đồng chí, nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đang đặt ra trước giáo giới hiện nay, và tôi mong rằng sau một năm vừa qua, sau cuộc đấu tranh diễn ra trong nội bộ giáo giới, giữa những người ngay từ những ngày đầu đã đứng về phía chính quyền xô-viết, đã đứng về phía đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, và những người hiện nay vẫn còn đứng trên mảnh đất của trật tự cũ, trên mảnh đất những thành kiến cũ, tôi mong rằng trên mảnh đất của trật tự cũ người ta vẫn có thể duy trì được việc giáo dục, - tôi nghĩ rằng ngày nay, sau một năm đấu tranh, sau những sự kiện đã xảy ra trong quan hệ quốc tế, cuộc đấu tranh đó phải chấm dứt và đang chấm dứt. Không nghi ngờ gì nữa, tuyệt đại đa số nhân viên giáo giới, gần gũi giai cấp công nhân và nông dân lao động, ngày nay đã tin chắc rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa đã ăn sâu, rằng cách mạng đó nhất định sẽ lan rộng khắp thế giới; và tôi nghĩ rằng lúc này tuyệt đại đa số các nhà giáo sẽ nhất định chân thành đứng về phía chính quyền của những người lao động và những người bị bóc lột trong cuộc đấu tranh cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, chống những người trong giáo giới còn đứng trên mảnh đất những thành kiến tư sản cũ, trật tự cũ, đạo đức giả cũ, và cho rằng người ta vẫn có thể duy trì được một cái gì của những thứ đó.

Việc khẳng định nhà trường có thể đứng bên ngoài chính trị là một trong những điều giả dối của giai cấp tư sản. Các đồng chí đều biết rất rõ rằng điều khẳng định đó gian trá đến chứng nào. Giai cấp tư sản ủng hộ thuyết này, những nó lại biến đường lối chính sách của mình thành viên đá tảng của nền giáo dục; nó đã khôn khéo biến giáo dục thành việc đào tạo những tên đầy tớ dễ bảo và ngoan ngoãn phục vụ cho nó ; nó cũng ra sức quy toàn bộ nên giáo dục, từ trên xuống dưới và việc đào tạo những tên đầy tớ dễ bảo và ngoan ngoãn phục vụ giai cấp tư sản, thực hiện ý muốn làm nô lệ cho tư bản, mà không bao giờ quan tâm đến viẹc làm cho nhà trường biến thành một công cụ giáo dục nhân cách. Ngày nay mọi người đều rõ là chỉ có nhà trường xã hội chủ nghĩa, liên hệ chặt chẽ với tất cả những người lao động và tất cả những người bị bóc lột, và thành thật ủng hộ cương lĩnh của các Xô-viết, mới có thể làm công cụ đó được.

Lẽ dĩ nhiên, cải tổ nhà trường là một nhiệm vụ khó khăn. Và dĩ nhiên là đã có và người ta còn thấy những sai lầm và những ý định giải thích một cách sai lệch nguyên tắc quan hệ giữa nhà trường và chính trị, xuyên tạc nó một cách thô bạo. Sự thực là như vậy đấy khi người ta ra sức làm cho thứ chính trị đó thâm nhập một cách vụng về vào đầu óc thế hệ đang lên, còn non trẻ, mà người ta phải đào tạo. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ phải luôn luôn đấu tranh chống việc áp dụng thô bạo một nguyên tắc cơ bản. Nhưng hiện nay, nhiệm vụ chủ yếu của bộ phận giáo giới đã đứng trên mảnh đất của Quốc tế, trên mảnh đất của chính quyền xô-viết, là chăm lo thành lập một công đoàn các nhà giáo rộng rãi hơn, bao gồm càng nhiều nhà giáo càng tốt.

Công đoàn cũ của các nhà giáo, cái công đoàn đã bênh vực những thành kiến tư sản, đã biểu lộ sự thiếu hiểu biết, và đã bảo vệ đến cùng những đặc quyền của nó, bảo vệ lâu dài hơn rất nhiều so với ngay cả những công đoàn lớp trên là những công đoàn đã được thành lậo từ những ngày đầu cách mạng 1917 và chúng ta đã phải chống lại trên tất cả các lĩnh vực, - cái công đoàn cũ đó không có chỗ đứng trong công đoàn của các đồng chí, công đoàn của những người quốc tế chủ nghĩa. Tôi nghĩ rằng tổ chức của những người quốc tế chủ nghĩa của các đồng chí có thể hoàn toàn biến thành một công đoàn giáo dục duy nhất thừa nhận cương lĩnh của chính quyền xô-viết như tất cả các công đoàn khác; Đại hội II các công đoàn toàn Nga đã chứng tỏ đặc biệt rõ ràng điều này. Nhiệm vụ đề ra cho các nhà giáo rất to lớn. Trong lĩnh vực này cũng cần phải đấu tranh chống những tàn dư của hiện tượng lỏng lẻo và chia rẽ mà cuộc cách mạng trước kia đã để lại.

Tôi xin nói đến vấn đề tuyên truyền và cổ động. Dĩ nhiên là hiện nay, vì có sự thiếu tín nhiệm đối với giáo giới do hoạt động phá hoại và những thành kiến của các giáo viên tư sản thường quen nghĩ rằng chỉ có những kẻ giàu có mới có thể tiếp thu được một học vấn thực sự, còn đối với đa số những người lao động, thì chỉ cần làm cho họ trở thành những người đầy tớ tốt và những người thợ tốt, chứ không phải là những người làm chủ thật sự cuộc sống, - dĩ nhiên là vì thế nên tất cả các lĩnh vực tuyên truyền và giáo dục còn bị chia xẻ rời rạc. Điều này làm cho một bộ phận nhà giáo bị hãm vào một phạm vi chật hẹp, phạm vi của cái gọi là dạy học, và ngăn cản chúng ta tạo ra đầy đủ một bộ máy duy nhất tập hợp tất cả các giới khoa học cùng làm việc với chúng ta. Chúng ta sẽ đạt tới mục đích này chừng nào chúng ta đoạn tuyệt được với những thành kiến tư sản cũ kỹ; công đoàn các đồng chí có nhiệm vụ thu hút vào đại gia đình của mình đông đảo các nhà giáo, nhiệm vụ giáo dục các tầng lớp lạc hậu nhất trong giáo giới, làm cho họ phục tùng đường lối chính sách chung của giai cấp vô sản, đoàn kết họ vào tổ chức chung.

Về mặt tổ chức thống nhất công đoàn, giáo giới phải đảm nhiệm một nhiệm vụ to lớn trong tình hình nước ta hiện nay, trong lúc mà tất cả các vấn đề của nội chiến đều sáng rõ và các phần tử tiểu tư sản dân chủ, vì tình thế bắt buộc, không thể không đứng về phía chính quyền xô-viết, vì họ tin chắc rằng mọi con đường khác sẽ đẩy họ dù muốn dù không vào chỗ bảo vệ bọn bạch vệ và chủ nghĩa đế quốc thế giới. Trong lúc trên toàn thế giới, một nhiệm vụ chủ yếu đang được đặt ra, thì vấn đề chung quy là như sau: hoặc là một tình thế cực kỳ phản động, tức là chế độ độc tài quân sự và những cuộc tàn sát, - về điểm này, chúng ta đã nhận được những tin tức rất chính xác từ Béc-lin tới - hoặc là sự phản động tàn bạo đó của chiến tranh bốn năm vừa qua không thể đưa chúng đến chỗ bị trừng phạt, vì thế chúng hết sức liều lĩnh, sẵn sàng một lần nữa làm cho trái đất tràn ngập máu những người lao động; hoặc là thắng lợi hoàn toàn của những người lao động trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giờ đây, không thể có con đường trung gian nào cả. Bởi thế, các nhà giáo mà ngay từ đầu đã đứng trên lập trường của Quốc tế, hiện thấy rõ rằng những đối thủ của mình trong số các đồng nghiệp ở phía bên kia trận tuyến không thể có một sự chống đối nào đáng kể cả, các nhà giáo ấy phải mở rộng phạm vi hoạt động của mình. Công đoàn của các đồng chí phải trở thành một tổ chức rộng rãi của các nhà giáo, bao gồm tuyệt đại đa số giáo viên, một công đoàn kiên quyết đứng về phía cương lĩnh của các Xô-viết và cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội bằng chuyên chính của giai cấp vô sản.

Đó chính là đường lối mà Đại hội II các công đoàn đang họp hiện nay đã chấp thuận. Đại hội yêu cầu tất cả những người có một nghề nghiệp nhất định, có một loại hoạt động nhất định, phải tập họp thành một công đoàn duy nhất, nhưng đồng thời Đại hội chỉ rõ rằng phong trào công đoàn không thể tách khỏi những nhiệm vụ chủ yếu của cuộc đấu tranh đang được tiến hành để giải phóng lao động khỏi ách của tư bản. Bởi vậy những thành viên có đầy đủ quyền hạn của các công đoàn chỉ có thể là những tổ chức thừa nhận cuộc đấu tranh giai cấp cách mạng cho chủ nghĩa xã hội bằng chuyên chính của giai cấp vô sản. Đó là công đoàn của các đồng chí. Nếu các đồng chí đứng trên lập trường đó, các đồng chí sẽ thành công trong việc thu hút tuyệt đại đa số người trong giáo giới, làm cho những kiến thức và khoa học không còn là công việc của những kẻ có đặc quyền, không còn là một công cụ tăng cường địa vị của những kẻ giàu có và những kẻ bóc lột, mà trở thành một vũ khí giải phóng những người lao động và những người bị bóc lột. Thưa các đồng chí, cho phép tôi chúc các đồng chí giành được mọi thắng lợi trong lĩnh vực hoạt động này.

V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1971, t.28, tr. 529 - 533

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực