Diễn văn tại Hội nghị các ban giáo dục chính trị trực thuộc các ty, phòng giáo dục quốc dân các tỉnh, huyện toàn Nga

Thứ năm, 28/06/2012 10:57

Các đồng chí, cho phép tôi trao đổi cùng các đồng chí vài ý kiến mà một số đã được bàn tại Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tại Hội đồng Dân ủy nhân cuộc thảo luận về việc tổ chức Tổng cục Giáo dục chính trị, và một số khác thì tôi vừa nghĩ đến nhân khi dự án được đưa trình Hội đồng Dân ủy. Hôm qua, dự án đó đã được chấp thuận làm cơ sở chung, nhưng nó sẽ còn được thảo luận về chi tiết nữa.

Về phần tôi, tôi chỉ xin các đồng chí chú ý rằng, trước hết tôi rất không tán thành việc thay đổi tên cơ quan của các đồng chí. Theo tôi, nhiệm vụ của Bộ Dân ủy Giáo dục quốc dân là giúp đỡ người ta tự học và dạy những người khác. Kinh nghiệm xô-viết của tôi đã làm cho tôi quen coi những sự thay đổi tên là những trẻ con; mỗi một tên gọi mới lại chẳng phải là một trò trẻ con hay sao? Hiện giờ tên gọi mới đã được thông qua là: Tổng cục Giáo dục chính trị.

Vì vấn đề đã được giải quyết rồi, xin các đồng chí hãy coi nhận xét của chúng tôi chỉ là một nhận xét cá nhân. Nếu đây không phải chỉ là thay tên thôi, thì điều đó đáng được hoan nghênh.

Nếu chúng ta thu hút được nhiều người tham gia công tác văn hóa giáo dục, thì vấn đề sẽ không còn phải chỉ là việc đặt tên mới nữa, và như thế chúng ta sẽ có thể dung hòa với cái khuynh hướng “xô-viết” là đặt tên cho mọi công việc mới và cho mọi cơ quan mới. Nếu chúng ta làm được như vậy, chúng ta sẽ thu được nhiều kết quả hơn, so với những kết quả đạt được từ trước đến nay.

Vấn đề chủ yếu nhất, vấn đề làm cho các đồng chí phải tham gia vào công tác văn hóa giáo dục chung của chúng ta, - đó là mối liên hệ giữa giáo dục và chính trị của chúng ta. Nếu cần thì tên gọi có thể làm cho người ta hình dung trước ra được một cái gì đấy, vì về mặt phương châm của toàn bộ công tác giáo dục của chúng ta, chúng ta không thể cứ giữ quan điểm cũ rích cho là giáo dục không cần chính trị, chúng ta không thể tổ chức công tác giáo dục tách rời chính trị được.

Tư tưởng đó đã và còn chiếm địa vị thống trị trong xã hội tư sản. Lối nói giáo dục “tách rời chính trị” hoặc “không cần đến chính trị” – đó là lối nói giả dối của giai cấp tư sản, dùng để lừa bịp quần chúng mà 99% bị Giáo hội và chế độ tư hữu, v.v..., thống trị. Giai cấp tư sản - hiện nay vẫn còn chiếm địa vị thống trị trong tất cả các nước còn lại là tư sản – đang cố gắng lừa bịp quần chúng như thế.

Ở các nước đó, tác dụng của một cơ quan mà càng lớn thì nó càng phụ thuộc vào tư bản và vào chính trị của tư bản.

Trong tất cả các nước tư sản, mối liên hệ giữa bộ máy chính trị với giáo dục đều hết sức vững chắc, tuy xã hội tư sản không thể công khai thừa nhận điểm đó. Nhưng xã hội đó đã thông qua Giáo hội và toàn bộ chế độ tư hữu để vận động quần chúng.

Nhiệm vụ cơ bản của chúng ta còn là đem chân lý của chúng ta đối lập với “chân lý” tư sản và buộc giai cấp tư sản phải thừa nhận chân lý của chúng ta.

Bước quá độ từ xã hội tư sản chính trị của giai cấp vô sản là một bước rất khó khăn, mà lại càng khó khăn hơn nữa vì giai cấp tư sản đang không ngừng huy động toàn thể bộ máy tuyên truyền cổ động của nó để vu khống chúng ta. Giai cấp tư sản đang cố hết sức làm lu mờ nhiệm vụ quan trọng của chuyên chính vô sản, tức nhiệm vụ giáo dục của chuyên chính vô sản, nhiệm vụ này đặc biệt trọng yếu ở nước Nga, nơi mà giai cấp vô sản chỉ chiếm thiểu số trong dân cư. Mà nhiệm vụ đó là nhiệm vụ chúng ta phải đặt lên hàng đầu, vì chúng ta phải chuẩn bị cho quần chúng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu trong cuộc đấu tranh giai cấp tư sản, giai cấp vô sản không rèn luyện cho mình một tinh thần giác ngộ cao, một tính kỷ luật cao, một tinh thần hy sinh cao độ, tức là tất cả những đức tính cần thiết để đảm bảo cho giai cấp vô sản chiến thắng hoàn toàn kẻ thù đời đời của mình, thì không thể nói đến chuyên chính vô sản được.

Chúng ta không tán thành quan điểm không tưởng cho rằng quần chúng lao động đã được chuẩn bị để thực hành xã hội xã hội chủ nghĩa. Căn cứ vào những tài liệu xác thực của toàn bộ lịch sử của chủ nghĩa xã hội công nhân, chúng ta thấy rằng không phải như thế, rằng chỉ có đại công nghiệp, đấu tranh bãi công, sự tổ chức về mặt chính trị mới cho phép chuẩn bị để tiến hành chủ nghĩa xã hội. Để giành thắng lợi, để hoàn thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, giai cấp vô sản cần có khả năng hành động nhất trí, có khả năng đánh đổ bọn bóc lột. hiện nay, chúng ta thấy rằng giai cấp vô sản đã có tất cả những năng lực cần thiết và đã thể hiện năng lực đó trong thực tế, khi đã giành được chính quyền.

Nhiệm vụ cơ bản của các nhân viên công tác giáo dục và của Đảng Cộng sản, đội tiền phong trong cuộc đấu tranh, là phải giúp đỡ việc rèn luyện và giáo dục quần chúng lao động để khắc phục những thói quen cũ, những tập quán cũ do chế độ cũ để lại, những thói quen, những tập quán của người tư hữu đã tiêm nhiễm sâu vào quần chúng. Không bao giờ được quên nhiệm vụ cơ bản ấy của mọi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, khi nghiên cứu những vấn đề riêng biệt mà từ rất lâu Ban Chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng Dân uỷ đã chú ý đến. Thành lập Tổng cục Giáo dục chính trị như thế nào, phối hợp giữa nó với các cơ quan như thế nào, nó gắn liền không những với trung ương mà cả với cơ quan địa phương như thế nào, - những đồng chí có thẩm quyền nhiều nhất trong vấn đề này, có nhiều kinh nghiệm nhất và chuyên nghiên cứu vấn đề đó, sẽ trả lời chúng ta. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh những nguyên tắc chủ yếu của vấn đề thôi. Chúng ta không thể không công khai đặt vấn đề ra, bằng cách công khai thừa nhận, ngược lại lời dối trá xưa kia, rẳng giáo dục không thể không liên hệ với chính trị.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ đấu tranh có tính chất lịch sử chống giai cấp tư sản thế giới là giai cấp hiện đang mạnh và rất mạnh hơn chúng ta. Trong thời kỳ đấu tranh như thế, chúng ta phải bảo vệ công cuộc xây dựng cách mạng, phải đấu tranh chống giai cấp tư sản bằng quân sự và nhất là về mặt tư tưởng lại càng phải đấu tranh với giai cấp tư sản bằng giáo dục để cho những tập quán, những thói quen, những niềm tin mà giai cấp công nhân đã rèn đúc được trong hàng chục năm đấu tranh giành tự do chính trị, để cho toàn bộ những tập quán, thói quen và tư tưởng đó biến thành công cụ giáo dục như thế nào, thì giai cấp vô sản có trách nhiệm phải giải quyết. Cần phải giáo dục cho quần chúng thấy là không thể và không được phép đứng ngoài cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, một cuộc đấu tranh hiện đang lan rộng và càng ngày càng lan rộng đến tất cả các nước tư bản chủ nghĩa trên thế giới, không trừ một nước nào; không thể và không được phép đứng ngoài chính trị quốc tế. Sự liên hợp của tất cả các nước tư bản chủ nghĩa lớn mạnh trên thế giới chống nước Nga Xô-viết, - đó là cơ sở thật sự của chính trị quốc tế hiện nay. Và cần phải thừa nhận rằng điều đó quyết định vận mệnh của hàng trăm triệu người lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa. Vì hiện nay, trên thế giới này, không có một xó nào là không phải chịu sự thống trị của một nhúm nước tư bản chủ nghĩa. Vậy, tình hình buộc phải: hoặc đứng ngoài cuộc đấu tranh hiện đang diễn ra, và do đó tỏ ra hoàn toàn không tự giác, giống như bọn ngu muội kia là bọn đứng ngoài cách mạng và chiến tranh và không thấy rằng giai cấp tư sản đang lừa bịp quần chúng và cố ý làm cho quần chúng ở trong vòng tối tăm ngu muội; hoặc tham gia đấu tranh cho chuyên chính vô sản.

Chúng ta nói đến cuộc đấu tranh đó của giai cấp vô sản một cách hoàn toàn công khai, và mỗi người đều phải đứng về phía đó, về phía chúng ta, hoặc đứng về phía kia. Tât cả mọi ý định nhằm không đứng về phía này, cũng không đứng về phía kia, đều dẫn đến thất bại và thảm họa.

Xét những di họa không ngừng xuất hiện của Kê-ren-ski, của bọn xã hội chủ nghĩa-cách mạng, của đảng dân chủ - xã hội, những di họa thể hiện ở bọn I-u-de-ni-tsơ, bọn Côn-tsắc, bọn Pét-li-u-ra, bọn Ma-khơ-nô, v.v.. chúng ta đã thấy trong nhiều vùng nước Nga có rất nhiều hình thức và hình thái phản cách mạng, khiến chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã được tôi luyện hơn bất cứ người nào, và khi chúng ta nhìn sang Tây Âu, chúng ta thấy ở đây cũng tái diễn những hiện tượng chúng ta đã biết, chúng ta thấy lịch sử của chúng ta tái diễn lại tại đấy. Hầu khắp mọi nơi, bên cạnh giai cấp tư sản, người ta đều thấy có những phần tử theo ''chủ nghĩa Kê-ren-ski''. Chúng chiếm ưu thế trong nhiều nước, nhất là ở Đức. Ở đâu cũng vậy, người ta đều thấy rằng: không thể có bất cứ một lập trường trung gian nào và rõ ràng là phải chọn: hoặc là chuyên chính trắng (giai cấp tư sản đang chuẩn bị chuyên chính trắng trong tất cả các nước Tây Âu bằng cách vũ trang chống lại chúng ta), hoặc là chuyên chính của giai cấp vô sản. Điều này chúng ta đã thể nghiệm một cách quá rõ ràng và sâu sắc nên tôi không cần phải nói nhiều về những người cộng sản Nga nữa. Do đó, chỉ có một kết luận duy nhất thôi, một kết luận cần phải dùng làm cơ sở cho mọi lý luận và mọi dự án về cục Giáo dục chính trị. Trước hết, trong công tác của cơ quan đó, sự lãnh đạo chính trị của Đảng Cộng sản phải được công khai thừa nhận. Chúng ta không biết một hình thức nào khác, và không một một nước nào đã tìm được một hình thức nào khác. Đảng có thể đáp ứng được ít nhiều những quyền lợi giai cấp của mình. Đảng trải qua những sự thay đổi và chấn chỉnh này hay khác, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy được một hình nào cao hơn, và điều kiện quyết định toàn bộ cuộc đấu tranh của nước Nga Xô-viết, - nước, trong suốt ba năm, đã chống cự lại được những cuộc tấn công mãnh liệt của chủ nghĩa đế quốc thế giới, - là ở chỗ Đảng đề ra cho mình một cách có ý thức nhiệm vụ giúp đỡ giai cấp vô sản làm trọn vai trò người giáo dục, tổ chức và lãnh đạo, nếu không thì không thể đánh bại được chủ nghĩa tư bản. Để xây dựng chủ nghĩa cộng sản, quần chúng lao động, quần chúng nông dân và công nhân phải chiến thắng những tập quán cũ của các phần tử tri thức, và tự cải tạo, nếu không chúng ta sẽ không thể bắt tay vào công cuộc kiến thiết đó được. Toàn bộ kinh nghiệm của chúng ta chỉ rõ rằng đó là vấn đề vô cùng trọng yếu, cho nên chúng ta phải luôn luôn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và không quên điều đó khi thảo luận về hoạt động của Đảng và những vấn đề tổ chức. Thực hiện nhiệm vụ đó như thế, điều đó sẽ còn phải nói nhiều nữa, cả ở Ban Chấp hành trung ương Đảng lẫn ở Hội đồng Dân ủy; sắc lệnh được thông qua ngày hôm qua là cơ sở cho Tổng cục Giáo dục chính trị, nhưng ý kiến của Họi đồng Dân ủy chưa phải là hết. Sắc lệnh đó sẽ được ban hành trong những ngày gần đây và các đồng chí sẽ thấy rằng văn bản cuối cùng không có một lời tuyên bố trực tiếp nào về những quan hệ với Đảng.

Nhưng chúng ta phải biết và không bao giờ được quên rằng cơ sở của hiến pháp về mặt pháp lý và thực hành của nước Cộng hòa Xô-viết là ở chỗ Đảng dựa vào nguyên tắc duy nhất mà sửa chữa mọi khuyết điểm, quy định và xây dựng mọi cái nhằm làm cho những người cộng sản, là những người gắn liền với giai cấp vô sản, có thể làm cho giai cấp vô sản thấm nhuần tư tưởng của mình, nghe theo mình, thoát khỏi sự lừa dối của giai cấp tư sản, sự lừa dối mà đã từ rất lâu, chúng ta cố gắng ngoại trừ. Bộ dân ủy Giáo dục quốc dân đã phải đấu tranh lâu dài; trong một thời gian dài, tổ chức giáo viên đã chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa. Những thiên kiến tư sản đã đặc biệt ăn sâu trong giới giáo viên đó. Trong giới đó, cuộc đấu tranh đã diễn ra lâu dài, dưới hình thức lãn công trực tiếp, dưới hình thức khăng khăng giữ những thiên kiến tư sản, và chúng ta đã phải từng bước giành lại trận địa cho chủ nghĩa cộng sản. Đối với Tổng cục Giáo dục chính trị, tức là cơ quan làm việc trong lĩnh vực giáo dục ngoài nhà trường, phải giải quyết những vấn đề mà nền giáo dục đó đề ra, và phải giáo dục quần chúng, thì nhiệm vụ rõ ràng là: làm cho bộ máy to lớn đó, một đạo quân gồm nửa triệu giáo viên hiện đang phục vụ công nhân, phục tùng sự lãnh đạo của Đảng; làm cho họ thấm nhuần nền tư tưởng của mình, lấy nhiệt tình chủ động của mình để kích thích họ. Các người làm công tác giáo dục, các giáo viên đều được đào tạo ra theo tinh thần những thiên kiến và tập quán tư sản, theo tinh thần thù ghét giai cấp vô sản; họ hoàn toàn không có liên hệ gì với giai cấp vô sản. Bây giờ chúng ta phải đào tạo một đạo quân sư phạm và giáo viên mới, đạo quân này phải liên hệ chặt chẽ với Đảng và với tư tưởng của Đảng, phải thấm nhuần tinh thần của Đảng, phải tập họp được quần chúng công nhân, làm cho họ có tinh thần cộng sản chủ nghĩa, làm cho họ quan tâm đến sự nghiệp của những người cộng sản.

Vì phải bỏ những tập quán, thói quen và quan niệm xưa, nên Tổng cục Giáo dục chính trị và các cán bộ của nó sẽ phải giải quyết một vấn đề quan trọng bậc nhất, một vấn đề mà họ cần quan tâm đến trước hết. Thật vậy, chúng ta đứng trước một vấn đề sau đây: làm thế nào để gắn bó giới giáo viên mà đa số được giáo dục theo kiểu cũ, với những đảng viên của Đảng, với những người cộng sản? Đó là một vấn đề vô cùng khó khăn, cần được suy nghĩ nhiều và nhiều nữa.

Chúng ta hãy xem phải làm thế nào để về mặt tổ chức, có thể gắn bó những người rất khác nhau đó lại với nhau được. Về nguyên tắc, Đảng Cộng sản phải giữ vài trò lãnh đạo, đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Do đó mục đích của sách báo chính trị, của nền giáo dục chính trị là đào tạo nên những người cộng sản chân chính, có khả năng thắng được sự dối trá và các thiên kiến và có khả năng giúp đỡ quần chúng lao động thắng được chế độ cũ và xây dựng được một nước không có tư bản, bọn bó lột và bọn địa chủ. Nhưng làm thế nào để thực hiện được điều đó? Chỉ có thể thực hiện được như thế nếu chúng ta lĩnh hội được tất cả những tri thức mà các giáo viên đã thừa hưởng của giai cấp tư sản. Không như thế thì những người cộng sản sẽ không thu được một thành tựu kỹ thuật nào cả, và đừng có mất công nghĩ đến những thành tựu ấy nữa. Vậy thì, đối với những người không quen công tác ăn khớp với chính trị, và đặc biệt là ăn khớp với chính trị cần thiết cho chúng ta, tức là cần thiết cho chủ nghĩa cộng sản, thì làm thế nào mà gắn bó họ với nhau về mặt tổ chức được? Như tôi đã nói, đó là một nhiệm vụ rất khó khăn. Chúng tôi đã thảo luận vấn đề đó tại Ban Chấp hành trung ương, và trong khi thảo luận, chúng tôi đã hết sức chú ý đến những kinh nghiệm đã tích góp lại được, và chúng tôi nghĩ rằng một đại hội như đại hội trong đó tôi đang phát biểu, một hội nghị như của các đồng chí đây, sẽ có một tác dụng rất lớn về phương diện đo. Bây giờ, mỗi ban chấp hành của Đảng phải có một nhãn quan mới đối với mỗi một người làm công tác tuyên truyền mà trước kia người ta vẫn coi là một người thuộc một nhóm nhất định, một tổ chức nhất định. Mỗi một người đó là người của Đảng đang cầm quyền, đang lãnh đạo toàn quốc, và lãnh đạo cuộc đấu tranh có tính chất thế giới của nước Nga Xô-viết chống chế độ tư sản. Người đó đại biểu cho giai cấp đang đấu tranh và cho Đảng đang thống trị và đang phải chi phối cái guồng máy vĩ đại là Nhà nước. Có rất nhiều người cộng sản, đã trải qua trường học gian khổ của công tác bí mật, đã được thử thách và tôi luyện trong đấu tranh, bây giờ lại không muốn và cũng không thể hiểu tính chất quan trọng của sự thay đổi đó, của sự chuyển biến đó, sự chuyển biến đang biến người cổ động, lãnh đạo một tổ chức chính trị rộng lớn. Trong trường hợp đó, dù người ta gọi đó bằng một danh hiệu nào đi nữa, ngay cả bằng cái danh hiệu rất mỹ miều như giám đốc các học viện nhân dân đi nữa, thì điều đó cũng không quan trọng lắm, mà điều quan trọng lại ở chỗ người ấy phải biết lãnh đạo quần chúng giáo viên.

Cần phải chỉ ra rẳng hàng trăm ngàn giáo viên họp thành một bộ máy có nhiệm vụ phải thúc đẩy công tác, kích thích tư tưởng, đấu tranh chống những thiên kiến còn tồn tại trong quần chúng. Di sản văn hóa tư bản chủ nghĩa, việc đông đảo giáo viên có đầy rẫy những thiếu sót của nền văn hóa, và chính do đó, họ không thể là những giáo viên cộng sản chủ nghĩa được, - tuy vậy tất cả những điều đó cũng không thể ngăn cản chúng ta thu hút các giáo dục chính trị, vì họ có những kiến thức cần thiết cho chúng ta đạt được mục đích của chúng ta.

Chúng ta cần phải thu hút hàng trăm ngàn nhân tài để phục vụ công tác giáo dục cộng sản chủ nghĩa. Đó là vấn đề đã được giải quyết ở tiền tuyến, trong Hồng quân chúng ta, trong đó chúng đã thu nhận hàng chục ngàn quân nhân cũ. Một quá trình cải tạo lâu dài đã làm cho họ hòa mình với Hồng quân, và cuối cùng, những thắng lợi của họ đã chứng minh vấn đề đó. Trong công tác văn hóa – giáo dục, chúng ta phải làm theo gương đó. Công tác này thực ra không chói lọi bằng, nhưng lại rất trọng yếu. Mỗi người cổ động và mỗi người tuyên truyền đều cần thiết cho chúng ta, người đó làm tròn nhiệm vụ của mình khi người đó công tác đúng theo tinh thần của Đảng, nhưng không phải chỉ hoạt động trong nội bộ Đảng và nhớ là mình có nhiệm vụ lãnh đạo hàng trăm ngàn giáo viên, làm cho những người này có hứng thú trong công tác, chiến thắng những thành kiến tư sản cũ của họ, làm cho họ tham gia vào sự nghiệp chúng ta đang tiến hành, làm cho họ nhận thức được tính chất trọng đại của sự nghiệp đó; chỉ khi nào tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể hướng toàn thể quần chúng đã bị chủ nghĩa tư bản áp bức và tách xa chúng ta, đi vào con đường đúng đắn.

Đó là những nhiệm vụ dành riêng cho mỗi người cổ động, cho mỗi người tuyên truyền tiến hành công tác ở ngoài nhà trường, và là những nhiệm vụ mà họ không được bao giờ sao nhãng. Thực hiện những nhiệm vụ đó, sẽ gặp rất nhiều khó khăn thực tế, nhưng các đồng chí phải giúp chủ nghĩa cộng sản và phải trở thành những đại biểu và những người lãnh đạo không những của các tiểu tổ Đảng, mà của cả toàn bộ chính quyền Nhà nước do giai cấp công nhân thực hành.

Đập tan sự phản kháng của bọn tư bản không những về phương diện quân sự và chính trị, mà cả sự phản kháng về phương diện tư tưởng nữa, là sự phản kháng sâu sắc nhất và mãnh liệt nhất, - đó là nhiệm vụ của chúng ta. Nhiệm vụ của các cán bộ giáo dục của chúng ta là tiến hành việc cải tạo quần chúng như vậy. Quần chúng tỏ ra hứng thú và ham muốn học và hiểu biết chủ nghĩa cộng sản, - điều đó là sự đảm bảo cho thắng lợi của chúng ta trong lĩnh vực này, có thể là thắng lợi không nhanh chóng như ở tiền tuyến, có thể khó khăn hơn, thậm chí bị những thất bại làm gián đoạn, nhưng rốt cuộc lại, chính chúng ta là những người chiến thắng.

Cuối cùng, tôi muốn nói thêm một điểm nữa: những từ “Tổng cục giáo dục chính trị” có lẽ chưa được hiểu đúng lắm. Nếu từ chính trị đã được ghi trong đó, thì chính là vì trong đó, chính trị là chủ yếu.

Nhưng cần hiểu chính trị như thế nào? Nếu hiểu chính trị theo nghĩa cũ, ta có thể phạm sai lầm lớn, sai lầm nặng. Chính trị là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp; chính trị là thái độ của giai cấp vô sản đang đấu tranh tự giải phóng mình, chống giai cấp tư sản toàn thế giới. Nhưng trong cuộc đấu tranh của chúng ta, cần phân biệt hai mặt của vấn đề: một mặt là nhiệm vụ phá hủy di sản của chế độ tư sản, đập tan âm mưu của toàn thể giai cấp tư sản cứ muốn bóp chết chính quyền Xô-viết. Cho đến nay, chúng ta đã phải tập trung chú ý nhất vào nhiệm vụ đó, nó đã không cho phép chúng ta chuyển sang một nhiệm vụ thứ hai là nhiệm vụ xây dựng. Theo thế giới quan tư sản, chính trị hình như tách rời kinh tế. Giai cấp tư sản nói: nông dân hãy làm việc để sinh sống; công nhân hãy làm việc để mua được trên thị trường tất cả những cái gì cần để sống; còn chính trị trong lĩnh vực kinh tế, thì đó là việc của những người chủ các anh. Nhưng không phải như vậy, chính trị phải là việc của nhân dân, việc của giai cấp vô sản. Ở đây, cần phải nhấn mạnh rằng: 9/10 thời gian công tác của chúng ta là dùng vào việc đấu tranh chống giai cấp tư sản. Những trận chiến thắng Vơ-ran-ghen – mà chúng tôi đã được biết tin ngày hôm qua và hôm nay hoặc có lẽ ngày mai các đồng chí sẽ được đọc tin – chỉ ra rằng một giai đoạn đấu tranh sắp kết thúc, rằng chúng ta đã giành được hòa bình với nhiều nước phương Tây. Mà mỗi một thắng lợi trên mặt trận quân sự đều giải phóng lực lượng của chúng ta để tiến hành cuộc đấu tranh đối nội, để thực hiện chính sách xây dựng nước nhà. Mỗi bước dẫn chúng ta tiến gần tới ngày chiến thắng bọn bạch vệ, đều chuyển dần trọng tâm đấu tranh vào chính trị trong lĩnh vực kinh tế. Phương pháp tuyên truyền theo lối cũ thường nói thế nào là chủ nghĩa cộng sản và đưa ra những ví dụ. Nhưng hiện nay là lúc phải lấy thực tiễn mà vạch rõ nên xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào, thì phương pháp tuyên truyền đó đã trở thành vô dụng. Mọi công tác tuyên truyền của chúng ta đều phải lấy kinh nghiệm chính trị trong công cuộc xây dựng kinh tế làm cơ sở. Đó là nhiệm vụ chủ yếu của chúng ta, và nếu ai muốn hiểu điều đó theo nghĩa cũ, thì người đó sẽ lạc hậu và sẽ không thể tiến hành tốt được công tác tuyên truyền trong quần chúng công nông. Chính trị chủ yếu của chúng ta lúc này là xây dựng nước nhà về mặt kinh tế, để tích góp được nhiều lúa mì hơn, để sản xuất được nhiều than hơn, để sử dụng những lúa mì và than đó được hợp lý hơn sao cho không còn có người đói nữa. Chính trị của chúng ta phải là như vậy. Và toàn bộ công tác cổ động và tuyên truyền của chúng ta đều phải dựa trên cơ sở đó. Nên bớt những diễn văn hoa mỹ đi, vì không thể đem những diễn văn hoa mỹ ra mà làm cho người lao động hài lòng được. Khi chiến tranh cho phép chúng ta chuyển trọng tâm đấu tranh chống giai cấp tư sản, chống Vơ-ran-ghen, chống bọn bạch vệ ra chỗ khác thì chúng ta sẽ chuyển hướng sang thực hiện chính trị trong lĩnh vực kinh tế. Và ở đây, cổ động và tuyên truyền sẽ càng ngày càng có một tác dụng to lớn.

Mỗi người cổ động phải là một người lãnh đạo Nhà nước, một người lãnh đạo quần chúng công nông trong lĩnh vực xây dựng kinh tế. Người đó phải nói cho quần chúng công nông thấy rằng muốn trở thành những người cộng sản, họ phải biết những gì, phải đọc cuốn sách nào, tập sách nào.

Chính làm như vậy, chúng ta mới cải thiện được nền kinh tế của chúng ta và làm cho nền kinh tế đó vững chắc hơn và có tính chất xã hội hơn, chúng ta mới tăng được sản xuất, mới cải thiện được tình hình bánh mì, mới đẩy mạnh được sản lượng than, và khôi phục được công nghiệp, không có chủ nghĩa tư bản và tinh thần tư bản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa cộng sản là thế nào? Tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản phải được tổ chức sao cho công tác tuyên truyền đó đạt tới chỗ là lãnh đạo thực tế công cuộc xây dựng nước nhà. Chủ nghĩa cộng sản phải là cái dễ hiểu đối với quần chúng công nhân, như công việc riêng của họ. công tác đó hiện chưa được tiến hành tốt. Ta còn phạm nhiều sai làm trong công tác đó. Chúng ta không tìm cách giấu giếm điều đó, nhưng chính bản thân công nhân và nông dân, với sự giúp đỡ hãy còn yếu và hạn chế của chúng ta, phải cải thiện và chỉnh đốn lại bộ máy của chúng ta; đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không còn là một cương lĩnh, một học thuyết, một nhiệm vụ nữa, ngày nay đó là công cuộc xây dựng cụ thể. Và nếu trong cuộc chiến đấu, chúng ta đã bị kẻ thù đánh cho thất bại rất nặng nề, thì những thất bại đó đã cho chúng ta những bài học và chúng ta đã đạt được thắng lợi hoàn toàn. Ngày nay, chúng ta phải rút ra được những bài học từ mỗi thất bại của chúng ta; chúng ta phải nhớ rằng cần phải lấy những ví dụ về công việc đã hoàn thành để giáo dục công nhân và nông dân. Chúng ta phải vạch ra những khuyết điểm của chúng ta để sau này tránh những khuyết điểm đó.

Qua những ví dụ về công cuộc xây dựng đó, bằng cách lắp lại rất nhiều lần những ví dụ đó, chúng ta sẽ làm cho những người cộng sản lãnh đạo tồi trở thành những người xây dựng thật sự, trước hết trong lĩnh vực kinh tế quốc dân của chúng ta. Chúng ta sẽ đạt được mọi mục đích của chúng ta, chúng ta sẽ thắng tất cả những trở ngại do chế độ cũ để lại, những trở ngại mà ta không thể khắc phục ngay một lúc được. Cần phải giáo dục lại quần chúng, chỉ có tuyên truyền và cổ động mới có thể làm được việc đó; trước hết, cần phải làm cho quần chúng tham gia xây dựng toàn bộ đời sống kinh tế. Đó phải là nội dung chủ yếu và căn bản của công tác của mỗi người cổ động-tuyên tuyền, và khi người đó hiểu thấu điều đó, thì thắng lợi của họ sẽ được đảm bảo. (Vỗ tay vang dội).

V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1969, t.31, tr.446-459

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực