Huấn thị tại Đại hội sơ kết công tác bình dân học vụ 6 tháng đầu năm 1956

Thứ ba, 13/09/2011 07:46

Thay mặt Đảng và Chính phủ, Bác hỏi thăm sức khoẻ các cán bộ, chiến sĩ bình dân học vụ và khen ngợi những thành tích mà bình dân học vụ đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng qua đã có 2 triệu 10 vạn người đi học. Đó là một thành tích to lớn. Trước đây dưới thời kỳ đế quốc phong kiến, nhân dân ta hơn 90% mù chữ. Về sau cụ Nguyễn Văn Tố và một số người tiến bộ hoạt động truyền bá quốc ngữ, cố gắng lắm mà chỉ được một năm 5 vạn người đi học. Mà nay 6 tháng đầu năm ta đã có hơn 2 triệu người đi học. Đó là một kết quả to lớn. Nhưng không phải như thế là đủ mà lại càng phải cố gắng, tránh tự mãn tự túc.

Qua 7 ngày thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chắc các cô, các chú có nhiều kinh nghiệm hơn Bác. Nhưng Bác cũng đưa ra một số kinh nghiệm bản thân góp với các cô, các chú.

1. Muốn giải thoát nạn mù chữ cho số đông nhân dân mà đại đa số là nông dân thì phong trào bình dân học vụ phải là phong trào quần chúng, phải đi sát quần chúng, bàn bạc với quần chúng, áp dụng những hình thức, phương pháp thích hợp với sinh hoạt của quần chúng, phải dựa vào quần chúng để đẩy phong trào lên.

Trước đây, hồi còn hoạt động bí mật, Bác và một số cán bộ làm cách mạng ở Cao Bằng, đồng bào đại đa số là Nùng, Mán, Thổ, ít biết tiếng Việt, miền núi nhà ở rải rác xa nhau, đồng bào lại bận làm ăn, dạy và học đều phải bí mật. Gây phong trào bình dân học vụ rất khó thế mà gây được phong trào. Cán bộ nghĩ ra kế hoạch được một ít nhưng rồi hỏi đồng bào, đồng bào chỉ cho làm. Người biết chữ dạy người không biết, người biết nhiều dạy người biết ít.

Lớp học thì tìm hang đá, rồi mỗi xóm cử một người đến học, học mấy hôm rồi về dạy, dạy mấy hôm thấy hết chữ rồi lại trở lại học, thầy vừa dạy vừa học, cứ như thế mà tiến hành công tác bình dân học vụ, gây phong trào.

Hồi đó bị địch cấm đoán và hay bị chúng lùng bắt nhưng đồng bào rất ham học, trẻ con, phụ nữ ham học hơn nam giới. Ngày nay Bác đi thăm lớp cũng thấy trẻ em và phụ nữ nhiều hơn, có nhiều nam giới chưa chịu đi học. Lúc đó không có lớp, có trường, đồng bào đi cuốc cỏ, hái rau, hẹn với nhau một chỗ rồi lại đó dạy cho nhau. Trẻ con đi chăn trâu chụm nhau lại một chỗ, em dạy, em học, cán bộ ra đồng công tác thường bị đồng bào chặn lại, đọc bài cho cán bộ nghe, đọc sai thì cán bộ sửa, đọc đúng thì lại phải dạy thêm bài mới. Công nhân, nông dân bận làm ăn, nếu dạy không hợp với người học, với làm ăn, bắt phải đến lớp có bàn có ghế là không ăn thua. Phải tuỳ hoàn cảnh làm ăn mà tổ chức học mới duy trì được lâu dài, mới có kết quả tốt. Đồng bào còn nghèo khổ, không mua được bút giấy để học, vì vậy mỗi người chỉ đóng một cuốn vở con đút túi, tập đọc tập viết bất cứ chỗ nào, than, đất, lá chuối là bút là giấy. Cán bộ bí mật cứ hạn cho ba tháng phải dạy một người biết đọc biết viết. Lúc đó chưa có Chính phủ giúp, chưa có Bộ, có Nha, chỉ thế thôi mà cũng làm được. Người biết dạy người không biết, như vết dầu loang.

Học cũng thế, dạy cũng thế. Thanh niên là chủ lực quân trong phong trào bình dân học vụ. Bất kỳ ở đâu cũng phải làm cho thanh niên hiểu rõ nhiệm vụ đó. Học, thanh niên cũng phải làm đầu tàu, dạy, thanh niên cũng phải làm đầu tàu.

2. Công tác bình dân học vụ cũng là dạy học nhưng không có trường lớp, đèn sách như trường phổ thông. Nó là một phong trào rộng rãi, phức tạp mà lại phải tự lực cánh sinh. Trường phổ thông có lớp 1, 2, 3, 4, còn bình dân học vụ trẻ có già có, có người biết ít nhiều, người chưa biết, có người học nhanh, có người học chậm, nên phải gian khổ, phải chịu khó. Sợ khó nhọc làm bình dân học vụ không được. Có khi có những phụ nữ đông con, ta phải đến tận nhà dạy, có người lớn tuổi không muốn đi học phải kiên nhẫn thuyết phục để họ chịu khó học, có khi phải đến nhà dạy. Muốn thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân, phải chịu khó; quan liêu, mệnh lệnh là không được.

- Công tác phiền phức, khó nhọc nhưng lại không có tiếng tăm. Kháng chiến giết được nhiều giặc sẽ trở thành chiến sĩ, anh hùng, vào nhà máy có nhiều sáng kiến sản xuất vượt mức cũng trở thành chiến sĩ, anh hùng. Công tác bình dân học vụ tuy không có gì tiếng tăm lừng lẫy, không kêu nhưng rất vẻ vang. Chớ đứng núi này trông núi nọ. Chớ có tư tưởng bỏ bình dân học vụ đi học kỹ thuật, đi dạy trường phổ thông, đi làm nghề khác là không đúng.

Trong xã hội có nhiều việc, phải có phân công, người làm việc này người làm việc khác. Công tác bình dân học vụ là một việc quan trọng ảnh hưởng đến dân tộc, đến xã hội, đến xây dựng Tổ quốc. Tuy không có gì kêu, tiếng tăm lừng lẫy, anh hùng hào kiệt, nhưng rất quan trọng. Người đang dạy bình dân học vụ muốn đi làm việc khác là không nên.

3. Bình dân học vụ cũng có lãnh đạo, có Bộ, có Nha, có Khu, có Ty. Lãnh đạo không phải ngồi viết trong bàn giấy. Trong kháng chiến đã có cán bộ làm chương trình dạy tú tài thì hợp, nhưng dạy bình dân học vụ thì không đúng, chỉ vì ngồi bàn giấy. Lãnh đạo phải đi sát, phải giúp đỡ cán bộ giải quyết khó khăn; quan liêu, mệnh lệnh là không được. Bất kỳ việc gì đều phải đi sát quần chúng, các cấp bình dân học vụ nếu có sai lầm thì sửa chữa, không có thì lấy đó mà răn mình.

4. Trước đây con em công nông nghèo, không được học, chỉ có một số ít được đi học, đại đa số con nhà khá giả, có ăn mới đi học được, ở nông thôn thì con cái địa chủ, con cái phú nông được đi học. Có cán bộ đặt câu hỏi có để cho con em phú nông, địa chủ dạy bình dân học vụ được không. Trả lời không cũng không đúng, trả lời có cũng không đúng. Cứ thanh niên trai gái tốt thì cho dạy, xấu thì không cho dạy. Nhưng thanh niên đó nếu tốt, bố mẹ là bóc lột, không tán thành hoạt động với bố mẹ chống nhân dân thì để dạy bình dân học vụ. Nếu phạm tội lỗi nghiêm trọng thì không được. Không riêng gì công tác bình dân học vụ mà việc khác cũng thế. Nếu bố mẹ thanh niên đó là địa chủ có tội, nhưng thanh niên đó không theo cha mẹ họ, họ không có tội là họ có quyền công dân như những thanh niên khác. Họ cũng được đi học, cũng được tham gia công tác, cũng được tham gia các tổ chức đoàn thể. Các cô, các chú gần nông thôn phải hiểu điều đó để làm cho đúng.

5. Công tác bình dân học vụ trông không oanh liệt, nhưng nếu 3 năm thanh toán nạn mù chữ được cho nhân dân thì là một công trạng rất to. Nước ta có thể tự hào là một nước thanh toán nạn mù chữ nhanh chóng. Các nước tự xưng là văn minh như Mỹ, Anh, Pháp, người không biết chữ vẫn còn nhiều. Hai ba năm thanh toán được nạn mù chữ là đại thắng lợi. Phải thấy như thế để càng cố gắng. Làm được như thế không phải chú này, cô nọ là anh hùng mà tất cả cán bộ, giáo viên bình dân học vụ là anh hùng, là anh hùng tập thể càng tốt.

Ba năm nếu thanh toán nạn mù chữ được sẽ đặt cho Chính phủ và Bộ Giáo dục, Bộ Văn hoá một nhiệm vụ mới và đặt ra cho các cô các chú nhiệm vụ mới. Không phải thanh toán nạn mù chữ xong là các cô, các chú hết nhiệm vụ, về nghỉ hoặc đi công tác khác.

Lúc chưa biết chữ thì học cho biết chữ. Biết chữ rồi thì phải tiến lên nữa. Những người đã thoát nạn mù chữ mà không có sách báo xem thì lại mù lại, cho nên đặt ra cho Chính phủ và Bộ nhiệm vụ phải có sách báo hợp với trình độ đồng bào cho đồng bào xem.

Các cô các chú có nhiệm vụ giúp cho đồng bào chưa biết chữ biết chữ rồi lại học thêm. Vậy các cô các chú phải học thêm nữa để dạy nữa. Dân tộc tiến lên, cán bộ cũng phải tiến lên. Cán bộ phải tiến trước để đưa dân tộc tiến lên mãi.

Sau cùng Đảng và Chính phủ sẽ thưởng cho xã nào thanh toán nạn mù chữ trước nhất trong huyện, huyện nào thanh toán nạn mù chữ trước nhất trong tỉnh, tỉnh nào thanh toán nạn mù chữ trước nhất trong toàn quốc.

Các cô các chú muốn được thưởng thì phải cố gắng. Cố gắng không phải là mệnh lệnh, bắt người ta đi học, hoặc bắt học quá sức mà phải chịu khó, phải theo đúng đường lối quần chúng mà cố gắng.

Đồng bào ta rất ham học, chúng ta đã có kinh nghiệm. Nếu cán bộ cố gắng, trau dồi kinh nghiệm, trao đổi ý kiến, bàn bạc với nhau nhất định làm được.

Bác biếu các cô các chú 15 huy hiệu kỷ niệm để thưởng cho những cô chú cán bộ có thành tích.

Nói ngày 16-7-1956.
Sách Những lời kêu gọi của
Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật,
Hà Nội, 1956, t.III, tr.294-298.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực