Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc(*)

Thứ tư, 07/09/2011 10:43

Trước hết tôi thay mặt Đảng và Chính phủ đến thăm Đại hội và chúc Đại hội thành công. Ở trong Đại hội này, nam có, nữ có, Kinh có, thiểu số có. Có cả bạn Hoa kiều nữa. Như thế là có tình quốc tế. Nhưng giáo viên phụ nữ còn quá ít. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa. Sau này công tác giáo dục phần nhiều phải do phụ nữ đảm nhiệm. Muốn phụ nữ đảm nhiệm, thì phải bồi dưỡng cho phụ nữ.

Trong năm vừa qua, anh chị em có nhiều cố gắng, có thành tích khá. Nhưng chúng ta cần phải cố gắng nữa, cố gắng mãi. Công tác giáo dục đã có một số vốn, nhưng chưa đủ. Vốn ấy là vốn cũ, nó chưa như ý muốn của chúng ta, của dân tộc chúng ta. Vì vậy cho nên chúng ta gặp khó khăn. Chúng ta cần phải khắc phục mọi khó khăn. Việc khó khăn nhất của dân tộc ta là đánh đổ đế quốc và phong kiến. Khó khăn ấy ta đã khắc phục được, thì khó khăn trong giáo dục nhất định khắc phục được. Thấy rõ khó khăn, không phải để sợ, mà để khắc phục.

Công việc giáo dục cũng là công việc đấu tranh. Có khó khăn phải đấu tranh. Đấu tranh phải cố gắng, phải quyết tâm. Cố gắng và quyết tâm thì thắng được mọi khó khăn. Việc gì đối với ta cũng mới cả, kinh tế cũng như văn hoá. Ví dụ: Trước kia mỗi công tác đều làm theo cách du kích. Bây giờ phải chuyển vào kế hoạch, chuyển vào chính quy. Kinh tế có kế hoạch, giáo dục cũng phải có kế hoạch. Kế hoạch giáo dục phải gắn liền với kế hoạch kinh tế. Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế. Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được. Nếu kinh tế không phát triển thì giáo dục cũng không phát triển được. Giáo dục không phát triển thì không đủ cán bộ giúp cho kinh tế phát triển. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau. Giáo dục có khó khăn, giáo dục phải khắc phục. Kinh tế có khó khăn thì kinh tế phải khắc phục. Chúng ta đồng tâm hiệp lực khắc phục khó khăn, thì kinh tế cũng thành công, giáo dục cũng thành công.

Nghe nói có một vài vị lo ngại rằng chủ nghĩa Mác-Lênin bó buộc tư tưởng, bó buộc giáo dục. Lo ngại như vậy không đúng. Chủ nghĩa Mác-Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác-Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư, tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác-Lênin. Ai đi nhầm đường thì chúng ta giúp họ đi vào con đường chính; như thế không phải là bó buộc. Thấy người khác đi xiên, đi sai, ta ra sức giúp họ đi theo đường thẳng, đường đúng. Thế mới là thật thà đoàn kết. Đại ý chủ nghĩa Mác-Lênin là phải đi đúng đường, phải phụng sự lợi ích chung, chứ không có gì cao xa.

Chắc rằng các bộ trưởng, thứ trưởng đã báo cáo cho các bạn rõ về kế hoạch Nhà nước năm nay. Mọi công việc của chúng ta từ năm nay đều đi vào kế hoạch. Trong kế hoạch, các việc phải ăn khớp với nhau. Kế hoạch năm nay đặt nền tảng cho chúng ta tiến lên nữa, tiến lên mãi. Các nước bạn giúp ta phát triển nông nghiệp, khôi phục công nghiệp và một phần nào phát triển công nghiệp. Ta cần nhiều cán bộ các cấp. Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước. Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ cán bộ cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hoá. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo.
_________________

(*) Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc họp từ ngày 14-3 đến ngày 27-3-1956, tại Hà Nội.


Nói ngày 23-3-1956.
Báo Nhân dân, số 753,
ngày 26-3-1956.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực