II
Tiết II trong bài nói về “Những nguyên tắc của việc cải cách nền trung học”, được ông I-u-gia-cốp1 đặt dưới đề mục: “Nhiệm vụ của trường trung học. Lợi ích giai cấp và nhà trường giai cấp” (xem mục lục). Như mọi người đã có thể thấy, đó là một đề tài hấp dẫn, và nó hứa hẹn soi sáng cho chúng ta thấy một trong những vấn đề quan trọng nhất không những của nền giáo dục, mà còn là của toàn bộ đời sống xã hội, ngoài ra, vấn đề đó lại là nguồn gốc của một trong những điểm chính của sự bất đồng ý kiến giữa những người dân tuý và những “môn đồ”. Vậy chúng ta thử xem quan điểm của vị cộng tác viên của tạp chí Của cải nước Nga đối với “lợi ích giai cấp và nhà trường giai cấp” như thế nào.
Tác giả tuyên bố rất đúng rằng công thức: “nhà trường phải chuẩn bị cho con người bước vào đời” là hoàn toàn rỗng tuếch; rằng tất cả vấn đề là ở chỗ xét xem cái gì cần cho đời sống và “cái đó cần cho ai”. “Nền giáo dục trung đẳng cần cho ai? - điều này có nghĩa là: người ta dạy học sinh trường trung học vì lợi ích của ai, vì phúc lợi của ai?”. Vấn đề đặt rất đúng và chúng tôi thành thật khen ngợi tác giả, nếu…nếu tất cả những câu mở đầu đó, trong đoạn trình bày tiếp theo sau, lại không biến thành những câu rỗng tuếch :” Điều đó có thể là lợi ích và phúc lợi của Nhà nước, của dân tộc, của một giai cấp xã hội nào đó, hoặc của cá nhân người được giáo dục”. Từ đây, bắt đầu có sự mơ hồ, vì như vậy thì hình như một xã hội chia thành giai cấp lại có thể phù hợp với một Nhà nước không giai cấp, một dân tộc không giai cấp và những cá nhân siêu giai cấp! Chúng ta sẽ thấy ngay rừng đó không phải là một sự nhầm lẫn của ông I-u-gia-cốp, mà chính là ông ta cứ một mực giữ quan điểm vô lý ấy. “Nếu người ta xuất phát từ lợi ích giai cấp mà lập một chương trình dạy học, thì như vậy sẽ không thể nói đến một kiểu trường trung học quốc lập duy nhất được. Trong trường hợp đó nhà trường tất nhiên là có tính chất đẳng cấp; ngoài ra, các trường học đó không những chỉ là cơ quan giáo dục, mà còn là cơ quan giáo dưỡng nữa, bởi vì nhà trường đó không những cần phải tiến hành một nền giáo dục phù hợp với lợi ích và nhiệm vụ riêng biệt của một đẳng cấp nhất định, mà nó còn phải giáo dưỡng những tập quán đẳng cấp và tinh thần phường hội đẳng cấp nữa”. Kết luận thứ nhất rút ra từ đoạn văn dài dòng đó là: ông I-u-gia-cốp không biết phân biệt đẳng cấp với giai cấp, do đó, ông ta lẫn lộn một cách dễ dẫi hai khái niệm rất khác nhau ấy. Ở những đoạn khác trong bài báo của ông (thí dụ, xem tr.8), cũng vẫn có sự không hiểu như thế, và điều đó càng khiến người ta lấy làm lạ hơn nữa rằng, cũng trong bài ấy, ông I-u-gia-cốp đã nói gần trúng chỗ khác nhau về bản chất giữa hai khái niệm đó. “Cần phải nhớ rằng , - ông ta viết ở trang 11, - thường thường (những không phải nhất thiết) tổ chức chính trị, kinh tế hay văn hoá là một đặc quyền về mặt pháp lý, hoặc là quyền lợi thực tế của một số tập đoàn đặc biệt trong dân cư. Ở trường hợp thứ nhất, đó là đẳng cấp; ở trường hợp thứ hai, đó là giai cấp”. Ở đây, tác giả chỉ ra rất đúng một trong những nét phân biệt giai cấp với đẳng cấp, tức là giai cấp này với giai cấp kia khác nhau không phải do những đặc quyền về mặt pháp lý, mà là do những điều kiện thực tế, và do đó, nói đến các giai cấp trong xã hội hiện đại thì tức là phải nói đến sự bình đẳng về mặt pháp lý. Giữa giai cấp và đẳng cấp còn có một sự phân biệt khác nữa mà hình như ông I-u-gia-cốp cũng không phải là không biết: “...Chúng ta…đã từ bỏ lúc đó (nghĩa là sau khi xoá bỏ chế độ nông nô)…chế độ nông nô và chế độ đẳng cấp trong sinh hoạt của dân tộc và đồng thời cũng từ bỏ sự ngăn cách về đẳng cấp trong chế độ trường học. Hiện thời, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đang chia dân tộc Nga thành các giai cấp kinh tế nhiều hơn là thành các đẳng cấp…”. Như thế là đã chỉ ra rất đúng một nét khác phân biệt đẳng cấp với giai cấp trong lịch sử châu Âu và nước Nga: đẳng cấp thì thuộc về xã hội phong kiến, còn giai cấp thì thuộc về xã hội tư bản2. Nếu ông I-u-gia-cốp chỉ suy nghĩ chút đỉnh đến những sự khác nhau đó và không để cho ngòi bút linh hoạt và quả tim Kleinburger3 của mình dễ dàng chi phối mình đến như thế, thì có lẽ ông ta đã không viết ra đoạn văn trên đây và cũng không viết những lời dông dài, trong đó ông ta khẳng định rằng các chương trình giai cấp phải khác nhau, tuỳ theo chương trình đó dùng để dạy cho người giàu hay cho người nghèo; rằng những chương trình giai cấp đều không thu được kết quả ở Tây Âu; rằng khi nói đến nhà trường giai cấp như thế tức là nói đã có sự ngăn cách giai cấp rồi, v.v.,v.v.. Tất cả những điều đó, chứng minh hết sức rõ ràng, mặc dầu có cái nhan đề đầy hứa hẹn và những câu văn rất kêu, ông I-u-gia-cốp vẫn hoàn toàn không hiểu gì là bản chất của nhà trường giai cấp cả. Thưa ông dân tuý, bản chất đó là ở chỗ; việc giảng dạy trong nhà trường giai cấp ấy, đối với tất cả những người hữu sản, thì đều được tổ chức hệt như nhau và tất cả những người hữu sản đều có thể được theo học như nhau. Chỉ một tiếng hữu sản này cũng đã nêu rõ sự khác nhau về căn bản giữa nhà trường giai cấp với nhà trường đẳng cấp. Vì thế, ông I-u-gia cốp đã thốt ra một điều hoàn toàn vô lý trong đoạn văn trên đây khi ông ta cho rằng, nếu nhà trường đặt trên cơ sở lợi ích giai cấp, thì “không thể nói đến một kiểu duy nhất về trường trung học quốc lập được”. Hoàn toàn ngược lại: nhà trường giai cấp, nếu được thực hiện một cách triệt để, nghĩa là thoát được mọi dấu vết của chế độ đẳng cấp, thì tất nhiên phải có một kiểu trường học duy nhất. Điều phân biệt xã hội có giai cấp (và do đó phân biệt nền giáo dục giai cấp), là sự bình đẳng hoàn toàn về mặt pháp lý, tức là sự bình đẳng hoàn toàn của tất cả mọi công dân trước pháp luật, sự bình đẳng hoàn toàn về mặt giáo dục và quyền tự do được đi học cho người hữu sản. Nhà trường đẳng cấp đòi hỏi học sinh phải thuộc vào một đẳng cấp nhất định. Còn nhà trường giai cấp thì không biết gì đến đẳng cấp cả, nó chỉ biết có những công dân thôi. Điều duy nhất nó đòi hỏi, đối với tất cả mọi học sinh không phân biệt một ai, là các học sinh phải trả học phí. Nhà trường giai cấp không cần có chương trình khác nhau cho người giàu và người nghèo, vì những người không có khả năng trả tiền học, mua sách giáo khoa, bảo đảm ăn học trong suốt thời gian học tập, thì nhà trường giai cấp gạt ra thẳng tay, không để cho học trung học. Nhà trường giai cấp không hề lấy sự ngăn cách giai cấp làm tiền đề: trái lại, ngược với đẳng cấp, giai cấp luôn luôn cho phép một số người nào đó được tự do chuyển từ một giai cấp xã hội này sang mộy giai cấp xã hội khác. Nhà trường giai cấp không đóng cửa đối với bất cứ ai có phương tiện để học tập. Còn nói rằng ở Tây Âu, “những chương trình giáo dục không hoàn bị và nguy hiểm đó, vì lý do giai cấp mà đặt ra cách phân biệt về đạo đức và về trí lực giữa các tầng lớp nhân dân, thì đều không có kết quả”, nói như vây là hoàn toàn xuyên tạc sự thật, vì ai cũng biết rằng ở phương Tây cũng như ở Nga, trường trung học thực chất là nhà trường giai cấp và nó phục vụ cho lợi ích của một bộ phận rất nhỏ trong dân cư. Vì ông I-u-gia-cốp tỏ ra lẫn lộn các khái niệm một cách quá đáng, nên chúng tôi thấy giải thích thêm cho ông ta như sau cũng không phải là thừa: trong xã hội ngày nay, trường trung học miễn trả tiền học cũng vẫn là một nhà trường giai cấp, vì tiền ăn học của một học sinh trong 7,8 năm thì vô cùng nhiều hơn tiền học, và chỉ có một số rất ít người là có thể đài thọ được món chi tiêu ăn học đó thôi.
….
Ông I-u-gia-cốp xuất phát từ nguyên tắc cho rằng trường trung học đồng thời phải là một nông trang và phải đảm bảo đời sống của học sinh bằng cách bắt họ lao động trong mùa hè. Đó là tư tưởng chủ đạo trong kế hoạch của ông. Ông I-u-gia-cốp tuyên bố: “Tư tưởng đó đúng, không ai được phép hoài nghi điều đó”. Chúng tôi đồng ý với ông ta và thừa nhận rằng quả thật ở đấy có một tư tưởng đúng, nhưng người ta không nhất thiết phải áp dụng tư tưởng đó vào các “trường trung học”, và cũng không nhất thiết phải áp dụng cả vào khả năng lấy lao động của học sinh các trường trung học mà “bù đắp” những kinh phí để duy trì các trường học đó. Tư tưởng đúng ấy là: người ta không thể hình dung được một xã hội lý tưởng tương lai, mà trong đó, nền giáo dục lại sẽ không kết hợp với lao động sản xuất của thế hệ trẻ: giáo dục và giáo dưỡng nếu thoát ly lao động sản xuất, hoặc lao động sản xuất không đồng thời có sự giáo dục và giáo dưỡng thích hợp thì đều không thể đạt tới trình độ cần thiết cho sự phát triển của kỹ thuật và tình trạng của những tri thức khoa học được. Tư tưởng đó, những nhà không tưởng vĩ đại thời xưa đã đề xuất ra rồi; tư tưởng đó đã được các “môn đồ” ấy, trên nguyên tắc, đều không phản đối lao động của phụ nữ và của thiếu niên trong công nghiệp, đều coi những ý định cấm hẳn thứ lao động đó là phản động, và chỉ kiên quyết đòi cho thứ lao động ấy được tiến hành trong những điều kiện vệ sinh tốt hơn. Vì thế, ông I-gia-cốp đã sai lầm khi ông ta nói thế này: “Tôi chỉ muốn nêu lên tư tưởng đó thôi”…Từ lâu tư tưởng đó đã được nêu lên và chúng tôi vẫn không thể tin (chừng nào mà chưa có bằng chứng ngược lại) rằng ông I-u-gia-cốp lại có thể không biết điều đó. Vị cộng tác viên của tạp chí Của cải nước Nga muốn đưa ra và ông ta đã đưa ra một kế hoạch hoàn toàn là của mình để thực hiện tư tưởng đó. Chỉ về mặt này, cũng đã cần phải thừa nhận rằng ông ta có cái độc đáo của mình; nhưng cũng về mặt ấy, cái độc đáo của ông ta lại đã đặt tới….tới cực điểm.
Muốn kết hợp với lao động sản xuất của tất cả mọi người với việc giáo dục cho tất cả mọi người, thì hiển nhiên cần phải buộc mọi người có nghĩa vụ tham gia lao động sản xuất. Điều đó có thể hình như không có gì phải bàn cả. Nhưng, sự thật thì không phải thế. “Ngài dân túy” của chúng ta giải quyết vấn đề đó như thế này: nghĩa vụ lao động chân tay phải được quy định thật sự như là nguyên tắc chung, nhưng tuyệt nhiên không phải cho tất cả mọi người: mà chỉ cho người nghèo thôi.
Có lẽ bạn đọc sẽ cho là chúng tôi nói đùa. Hoàn toàn không phải đâu.
“Những trường trung học thuần túy thành thị, dành riêng cho học sinh khá giả sẵn sàng trả toàn bộ tiền học bằng tiền mặt, sẽ có thể giữ hình thức hiện nay” (229). Ở trang 231, những “người khá giả” được xếp ngay vào các “loại dân cư” không bắt buộc phải chịu chế độ cưỡng bách giáo dục trong các “trường trung học nông nghiệp”. Như thế, đối với các ngài dân túy của chúng ta, thì nghĩa vụ lao động sản xuất không phải là điều kiện của một sự phát triển phổ biến và toàn diện của con người, mà là một phương sách để trả học phí cho trường trung học. Tất cả chỉ có thế. Ngay ở đầu bài báo của mình, ông I-u-gia-cốp đã nghiên cứu vấn đề công nhân mà trường trung học nông nghiệp sẽ cần đến trong mùa đông. Đây là cái phương sách mà ông ta cho là “hợp lô-gích” nhất để đảm bảo cho trường trung học có nhân công trong mùa đông. Học sinh các lớp dưới thì không lao động; vậy là, các em được nuôi và học không mất tiền, nhà trường trung học đài thọ cả. “Nhưng nếu như thế, thì học sinh sau khi học xong mà phải lao động để hoàn lại các khoản chi phí đó, như vậy há chẳng phải là một nghĩa vụ tuyệt đối với họ hay sao? Nghĩa vụ đó, được tính toán cẩn thận và quy định rõ ràng đối với người nào không thể trả được học phí, sẽ tạo cho nông trang của trường trung học một lớp công nhân cần thiết trong mùa đông và một lớp bổ sung trong mùa hè…Về mặt ký luận, điều đó rất giản đơn, sẽ hiểu và tuyệt đối không thế bác bỏ được” (do chúng tôi gạch dưới). Thật vậy, còn gì “đơn giản hơn”? Anh có tiền ư? Trả đi. Anh không có tiền ư? Lao động đi! Bất cứ một người chủ hiệu nào cũng sẽ thừa nhận rằng điều đó hoàn toàn “dễ hiểu” thôi. Và hợp với thực tế biết mấy! Nhưng… nhưng, thế thì ở đây, cái “không tưởng” là ở đâu? Thế thì tại sao ông I-u-gia-cốp lại dùng những kế hoạch như thế để bôi nhọ tư tưởng cơ bản vĩ đại mà ông ta định lấy làm cơ sở cho cái không tưởng của mình?
Viết trong khi đi đày vào cuối năm 1897 |
V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 19 61, t.2, tr. 604-608, 618 – 621. |
____________
1. I-u-gia-cốp. X.N. (1849 – 1910) - một trong những nhà tư tưởng thuộc phái dân tuý tự do chủ nghĩa, nhà xã hội học và nhà chính luận. Y đã đấu tranh gay gắt chống chủ nghĩa Mác. Trong bài này, V.I. Lênin phê phán những quan điểm kinh tế chính trị của I-u-gia-cốp. Các đoạn trích mà Lê-nin đánh số trang bên cạnh là trích từ cuốn: X.N. I-u-gia-cốp: Những vấn đề giáo dục. Những bút ký chính luận... xuất bản tại Xanh Pê-téc-bua 1897 (B.T.)
2. Điều kiện phát sinh ra đẳng cấp là xã hội chia ra giai cấp, vì đẳng cấp là một trong những hình thức của sự khác nhau về giai cấp. Khi chúng tôi chỉ nói đến giai cấp, thì luôn luôn chúng tôi hiểu đó là các giai cấp không có đẳng cấp trong xã hội tư bản.
3. Tiểu tư sản (B.T.)