Nguy cơ bên ngoài càng ít đi thì chúng ta càng có thể bắt tay xây dựng hòa bình, và chúng tôi hy vọng vào công tác của các đồng chí, hy vọng vào các đồng chí là những người làm công tác giáo dục xã hội. Muốn làm cho việc giáo dục ở nhà trường được tốt hơn, phải có nhiều thay đổi về vật chất: xây dựng trường sở, lựa chọn thầy giáo, thực hiện những cái cách nội bộ về mặt tổ chức và tuyển lựa giáo viên. Tất cả mọi công tác đó đều đòi hỏi một sự chuẩn bị lâu dài. Song về phần giáo dục xã hội, các đồng chí lại không bị sự chuẩn bị lâu dài ấy hạn chế lắm. Nhân dân đòi hỏi có được kiến thức ngoài hệ thống giáo dục chính quy và nhu cầu về giáo viên trong lĩnh vực ấy tăng lên hết sức mạnh mẽ. Chúng tôi tin rằng, với sự ủng hộ và cố gắng chung của tất cả mọi người, nhất định chúng ta sẽ có những thành tích lớn hơn trước.
Sau cùng, tôi muốn nói về tính chất của công tác giáo dục xã hội có liên quan đến việc tuyên truyền, cổ động. Một khuyết điểm căn bản trong công tác giáo dục ở xã hội tư bản chủ nghĩa là nó tách rời nhiệm vụ cơ bản là tổ chức lao động, vì các nhà tư bản cần đào tạo những công nhân ngoan ngoãn dễ bảo. Trong xã hội tư bản, những nhiệm vụ thực tế về tổ chức lao động quốc dân, không liên hệ gì đến công tác dạy học cả. Vì thế công tác dạy học, bị ảnh hưởng xấu của bọn thày tu, mang tính chất kinh viện, quan liêu. Bất kỳ ở đâu, dù trong một nước cộng hòa dân chủ nhất, tính chất ấy của công tác dạy học cũng làm cho mọi cái mới mẻ, lành mạnh mất đi. Công tác sinh động trực tiếp gặp khó khăn, vì không qua những cơ quan chính quyền Nhà nước không có sự giúp đỡ về vật chất và tài chính, thì không thể mở rộng công tác giáo dục được. Vì chúng ta có thể và phải chuẩn bị đưa toàn bộ cuộc sống xô-viết chúng ta từ con đường chuẩn bị chiến đấu và kháng chiến, sang con đường xây dựng hòa bình, nên trong hoạt động tuyên truyền của mình, các đồng chí, những người làm công tác giáo dục xã hội cũng nên và cần phải chú ý đến sự chuyển hướng đó, đồng thời làm cho nhiệm vụ và kế họach tuyên truyền hợp với sự chuyển biến đó.
Để chứng tỏ là tôi đã hiểu như thế nào về nhiệm vụ và toàn bộ tính chất của công tác giáo dục, giảng dạy, bồi dưỡng, huấn luyện, phù hợp với những nhiệm vụ đã được thay đổi của nước Cộng hòa xô-viết, tôi xin nhắc lại quyết nghị về vấn đề điện khí hóa đã được thông qua ở hội nghị mới rồi của Ban chấp hành trung ương toàn Nga. Chắc mọi người đều đã đọc quyết nghị đó. Hôm trước đây, trên báo chí có một tin nói rằng trong hai tháng (tin chính thức đưa ra thì nói là trong hai tuần, điều đó không đúng), sẽ được thảo ra một kế hoạch điện khí hóa cả nước cho thời hạn ha ba năm (kế hoạch tối thiểu), và cho thời hạn mười năm (kế hoạch tối đa). Tính chất của toàn bộ công tác tuyên truyền của chúng ta và công tác tuyên truyền thuần túy của đảng, tính chất giáo dục và giảng dạy ở nhà trường, tính chất giáo dục xã hội đều phải thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa là phải thay đổi chính ngay nguyên tắc và phương hướng giảng dạy, mà là phải làm cho tính chất của công tác phù hợp với bước chuyển sang xây dựng hòa bình, với kế hoạch rộng lớn cải tạo công nghiệp và kinh tế nước nhà, vì những khó khăn kinh tế chung và nhiệm vụ chung là khôi phục lực lượng kinh tế của nước nhà, làm sao cho cách mạng vô sản có thể xây dựng được những cơ sở mới cho đời sống kinh tế bên cạnh nền kinh tế tiểu nông. Cho tới nay, nông dân vẫn đem lương thực cho Nhà nước công nhân vay: việc mang những tờ giấy in màu đổi lấy lương thực của nông dân, không thể làm cho nông dân thỏa mãn được. Nông dân không thỏa mãn với những tờ giấy màu ấy, họ đòi hỏi có quyền lợi chính đáng: dùng sản phẩm công nghiệp trao đổi lấy lương thực của họ. Nhưng trong khi chưa khôi phục kinh tế, chúng ta không có cách gì cung cấp được sản phẩm công nghiệp. Khôi phục là nhiệm vụ cơ bản, nhưng chúng ta không thể khôi phục trên cơ sở kinh tế và kỹ thuật cũ. Điều đó cả về mặt kỹ thuật cũng không thể được, mà còn là chuyện kỳ quặc; phải tìm lấy một cơ sở mới. Cơ sở mới đó tức là kế hoạch điện khí hóa.
Chúng ta phải chỉ cho nông dân và số quần chúng lạc hậu nhất thấy rõ rằng: việc nâng cao trình độ văn hóa và giáo dục kỹ thuật là hoàn toàn cần thiết để bảo đảm cho toàn bộ công cuộc kiến thiết xô-viết thành công. Tóm lại, phải khôi phục kinh tế. Người nông dân tối tăm nhất cũng hiểu rằng kinh tế đã bị chiến tranh phá hoại, nếu không khôi phục kinh tế, họ sẽ không thể chiến thắng được nghèo nàn – không có được những sản phẩm cần thiết bằng cách trao đổi lương thực. Toàn bộ công tác tuyên truyền, giáo dục và giáo dục xã hội cần phải đi sát gắn với nhu cầu trực tiếp nhất, bức thiết nhất đó của nông dân, làm công tác ấy đừng tách rời nhu cầu bức thiết nhất của đời sống hàng ngày, mà phải chính là xuất phát từ sự phát triển của những nhu cầu đó và từ nhận thức của nông dân về những nhu cầu đó, đồng thời cần nhấn mạnh rằng muốn thoát khỏi tình cảnh này, chỉ có khôi phục công nghiệp mới được. Nhưng công nghiệp lại không thể khôi phục trên cơ sở cũ được, phải khôi phục công nghiệp trên cơ sở kỹ thuật hiện đại. Điều đó có nghĩa là: phải thực hiện điện khí hóa công nghiệp và nâng cao văn hóa. Xây dựng các trạm phát điện đòi hỏi mười năm lao động nhưng là lao động với trình độ văn hóa cao hơn, có ý thức hơn.
Chúng ta phải vạch một kế hoạch công tác rộng lớn. Kế hoạch đó phải được gắn liền với những mục tiêu thực tế rõ ràng trong tư tưởng của đông đảo quần chúng nông dân. Việc đó, không phải vài tháng mà làm được. Thực hiện kế hoạch tối thiểu thì ít nhất cũng phải ba năm. Chúng ta không ôm ấp một ảo tưởng nào cả, song có thể nói rằng: trong mười năm, chúng ta có thể bao trùm khắp nước Nga bằng một màng lưới trạm phát điện, có thể có được một nền công nghiệp điện lực có thể thoả mãn những yêu cầu kỹ thuật hiện đại và khắc phục được lối canh tác cũ của nông dân. Việc đó đòi hỏi phải có một trình độ văn hoá và giáo dục cao hơn.
Một mặt, chúng ta phải nhận thấy rằng nhiệm vụ thực tế trực tiếp trước mắt là khôi phục ngành vận tải và vận chuyển lương thực, rằng với mức năng suất hiện thời thì không thể bắt tay làm những nhiệm vụ to lớn; mặt khác, về phương diện tuyên truyền và giáo dục, lại phải chú ý tới nhiệm vụ cải tạo triệt để trên cơ sở phù hợp với nhu cầu văn hoá kỹ thuật, và hoàn thành nhiệm vụ ấy. Chúng ta phải nhanh chóng vứt bỏ phương pháp tuyên truyền lỗi thời, không cần phải nói với nông dân những câu chung chung về đấu tranh giai cấp như trước vẫn làm, những câu mà người ta dựa vào để bịa đặt ra các thứ luận điệu sai lầm về văn hoá vô sản v.v... Chúng ta phải mau vứt bỏ cái mớ cũ rích rất giống với bệnh ấu trĩ của tuổi niên thiếu ấy đi. Trong công tác tuyên truyền, cổ động và công tác giáo dục, chúng ta phải chuyển sang cách đặt vấn đề một cách bình tĩnh và thực tế hơn cho xứng đáng là những nhân viên chính quyền xô-viết, những người đã học hỏi được đôi chút trong hai năm nay, và đang nói cho nông dân biết một kế hoạch thực tế, thiết thực và rõ ràng, về cải tạo toàn bộ công nghiệp, đang giải thích cho nông dân và công nhân thấy rằng với trình độ văn hoá hiện thời, thì không thể hoàn thành được những nhiệm vụ đó, không thể thoát khỏi cảnh tối tăm, nghèo nàn, bệnh sốt phát ban và các bệnh tật khác. Phải coi nhiệm vụ thực tế đó, nhiệm vụ nâng cao văn hoá giáo dục là trung tâm của toàn bộ công tác tuyên truyền và công tác đảng, của công tác giảng dạy và huấn luyện của chúng ta. Như vậy thì toàn bộ công tác đó sẽ sát với lợi ích thiết thân của quần chúng nông dân, sẽ gắn liền việc nâng cao chung cho mọi người trình độ văn hoá và kiến thức với nhu cầu kinh tế bức thiết. Do đó chúng ta sẽ làm cho nhu cầu về giáo dục của quần chúng công nhân tăng lên gấp trăm lần. Chúng ta tuyệt đối tin tưởng rằng nếu trong hai năm chúng ta giải quyết được nhiệm vụ quân sự rất khó khăn, thì trong năm năm hay mười năm chúng ta nhất định sẽ giải quyết được nhiệm vụ khó khăn hơn, tức là nhiệm vụ văn hoá giáo dục.
Đó là điều tôi chúc các đồng chí. (Vỗ tay)
|
V.I.Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1968, t.30, trang 477 - 481 |