Việc dân tộc hóa các trường học Do-thái

Thứ ba, 20/12/2011 08:43

Chính sách của chính phủ hoàn toàn thấm đượm một tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Đối với dân tộc thống trị, nghĩa là dân tộc đại Nga, người ta tìm cách dành cho đủ mọi đặc quyền đặc lợi, tuy rằng những người đại Nga chỉ là một thiểu số trong dân cư Nga, nói chính xác là 43%.

Còn đối với tất cả các dân tộc khác sống trên nước Nga, người ta không ngừng tìm cách ngày càng hạn chế hơn nữa những quyền lợi của họ, tìm cách chia rẽ dân tộc này với dân tộc khác và kích thích lòng hằn thù giữa các dân tộc.

Và đây là một biểu hiện cực đoan của chủ nghĩa dân tộc hiện nay: dự án dân tộc hóa các trường học Do-thái. Dự án đó ra đời trong óc một viên đốc học thuộc khu giáo dục Ô-đét-xa, và được sự đồng tình của Bộ “Giáo dục” quốc dân. Việc dân tộc hóa ấy là thế nào?

Là muốn tách người Do-thái riêng ra, trong những trường học (trung học) Do-thái riêng biệt. Còn trong tất cả các trường khác, cả trường tư lẫn trường công, đều hoàn toàn cấm không cho người Do-thái đến học. Để hoàn thành cái kế hoạch “thiên tài” ấy, người ta tính đến việc hạn chế số học sinh trong các trường trung học Do-thái bằng cái “tiêu chuẩn phần trăm” trứ danh !

Trong tất cả các nước Âu châu, những biện pháp và luật lệ như thế, nhằm chống lại những người Do-thái, chỉ thấy có ở thời đại đen tối của thời Trung cổ, của cái thời đại có pháp đình công giáo, của cái thời đại đưa lên giàn hỏa đốt chết những người theo tà đạo, và những chuyện say mê khác. Ở châu Âu, từ lâu những người Do-thái đã được tuyệt đối bình đẳng về mặt pháp luật và ngày càng hòa lẫn với các dân tộc, trong đó họ cùng sống.

Trái lại, trong chính sách của nước ta nói chung, và trong dự án mà chúng ta vừa trình bày ở trên nói riêng, điều tai hại hơn nữa là, ngoài những sự ngược đãi và áp bức người Do-thái, còn có xu hướng khơi lên chủ nghĩa dân tộc, làm cho các dân tộc trong nước cách biệt nhau, làm cho họ ngày càng càng thêm xa nhau, chia cách các trường học của họ.

Lợi ích của giai cấp công nhân, cũng như những lợi ích của tự do chính trị, trái lại, đòi hỏi phải có sự bình đẳng hết sức tuyệt đối về mặt pháp luật giữa tất cả mọi dân tộc, không trừ một dân tộc nào ở trong một nước nhất định; đòi hỏi phải thủ tiêu các bức tường ngăn cách giữa các dân tộc, hòa lẫn vào làm một các trẻ em thuộc tất cả mọi dân tộc trong những trường học thống nhất, v.v…Chỉ có vứt bỏ tất cả mọi thành kiến dân tộc dã man và ngu xuẩn, chỉ có thực hiện sự hòa lẫn vào nhau tất cả công nhân thuộc tất cả mọi dân tộc, thì giai cấp công nhân mới có thể trở thành một lực lượng, mới chống lại được tư bản và giành được một sự cải thiện đáng kể về những điều kiện sinh sống.

Hãy xem bọn tư bản: chúng ra sức nhen lên những sự hằn thù dân tộc trong “dân chúng”, còn về phần chúng, thì chúng giải quyết rất tốt đẹp những chuyện vụn vặt của chúng: trong cùng một công ty cố phần, người ta thấy có cả người Nga, người U-cơ-ren, người Ba-lan, người Do-thái, người Đức. Bọn tư bản thuộc tất cả các dân tộc và tất cả các tôn giáo đã liên hợp lại để chống công nhân, thế mà người ta lại tìm cách chia rẽ công nhân và làm cho họ suy yếu bằng sự hằn thù dân tộc!

Cái dự án cực kỳ tai hại về việc dân tộc hóa các trường học Do-thái chứng tỏ - bên cạnh những điều khác nữa – rằng kế hoạch về cái gọi là “tự trị dân tộc về mặt văn hóa” là sai lầm biết chừng nào, – kế hoạch này tước bỏ việc quản lý sự nghiệp giáo dục của Nhà nước, để chuyển nó sang tay từng dân tộc riêng biệt. Cái mà chúng ta tìm kiếm hoàn toàn không phải là cái đó, mà chính là sự đoàn kết công nhân thuộc tất cả mọi dân tộc, trong cuộc đấu tranh chống lại mọi chủ nghĩa dân tộc, trong cuộc đấu tranh cho một nền giáo dục chung thật sự dân chủ và cho tự do chính trị nói chung. Tấm gương của các nước tiên tiến trên toàn thế giới – dù đó chỉ là tấm gương Thụy sỹ ở Tây Âu, hay Phần-lan ở Đông Âu – cho chúng ta thấy rằng chỉ có những cơ quan có tính chất toàn quốc, dân chủ triệt để, mới đảm bảo được sự chung sống hòa bình nhất và nhân đạo nhất (chứ không phải là như thú vật) giữa các dân tộc khác nhau, không có sự phân chia, một cách giả tạo và có hại, việc giáo dục theo từng dân tộc.

“Sự thật miền Bắc” số 14, ngày 18 tháng Tám 1913

V.I. Lênin, Toàn tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1972, t. 19, tr. 433 – 435.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực