Chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học

Thứ sáu, 16/09/2011 15:21

Năm học mới 2011 - 2012 đã bắt đầu hơn một tuần. Giờ là thời điểm các trường phổ thông, mầm non trong cả nước tổ chức họp phụ huynh để thông qua kế hoạch năm học.

 

 Giờ học của các em học sinh Trường tiểu học Lê Văn
Tám, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Bên cạnh các trường học tích cực họp bàn với các bậc phụ huynh tìm cách nâng cao chất lượng dạy và học thì có không ít trường, nhất là các trường ở khu vực thành phố dành không ít thời gian để đả thông tư tưởng, huy động sự đóng góp của phụ huynh với nhiều khoản thu phi lý.

Không muốn cũng phải nộp

Theo quy định của ngành Giáo dục và Ðào tạo, ngoài khoản học phí, học sinh không phải đóng góp thêm bất cứ khoản nào. Nhưng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phụ huynh học sinh có thể tự nguyện hỗ trợ vật chất phục vụ việc học tập của con em mình. Có hai dạng hỗ trợ, một là, tình nguyện góp cho trường, hai là, huy động đóng góp. Dù ở phương diện nào, yếu tố tự nguyện vẫn là quan trọng nhất. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu núp bóng dưới nhiều chiêu thức khác nhau vẫn đang diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chị T có con học lớp 2 Trường tiểu học Lê Hồng Phong (Hà Ðông, Hà Nội) cho biết: Năm học trước, con chị học lớp 1 vẫn viết vở do bố mẹ mua, nhưng năm học 2011-2012 này, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu tất cả học sinh phải sử dụng vở của nhà trường (có in lô-gô của trường). Ðầu năm học, mỗi cháu mua 10 cuốn, giữa hoặc cuối kỳ viết hết sẽ tiếp tục mua thêm. "Nếu chỉ là chuyện mấy cuốn vở viết thì không đáng nói nhưng điều lạ ở đây là cùng một loại vở ô-li, chất liệu như nhau, ở ngoài thị trường cao nhất chỉ năm nghìn đồng/cuốn, còn vở của trường sau khi được "khoác" thêm lô-gô vào đã bán cho học sinh với giá 6.900 đồng/cuốn. Nếu học sinh viết vở các môn học này không phải mua ở trường thì các thầy giáo, cô giáo không mấy vui vẻ". - Chị T bức xúc.

Cùng cảnh ngộ, một phụ huynh học sinh lớp 6 Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Khi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm lớp phổ biến hàng loạt các khoản thu mà mỗi học sinh phải đóng góp. Trong đó có cả những khoản thu nhiều tiền một cách phi lý như: mua trang thiết bị điều hòa nhiệt độ 440 nghìn đồng (trong thời gian bốn năm học); 100 nghìn đồng/tháng tiền điều hòa nhiệt độ; màn hình chiếu trong lớp 300 nghìn đồng; Quỹ Ban phụ huynh 600 nghìn đồng/học kỳ; quỹ trường 100 nghìn đồng/học sinh... Nhiều phụ huynh cho rằng, giáo viên và nhà trường áp đặt quá nhiều khoản thu. Tuy nhiên, ngay khi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm lớp đã "nhắc nhở": Nếu phụ huynh thắc mắc thì hỏi trực tiếp giáo viên chủ nhiệm hoặc ban giám hiệu, yêu cầu phụ huynh không được nói ra với bất kỳ ai... Vì vậy, để bảo đảm việc học tập của con em mình một cách "thuận buồm xuôi gió", các phụ huynh dù bức xúc đến mấy nhưng vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Không chỉ ở Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh tình trạng tương tự cũng diễn ra. Cầm trên tay hóa đơn thanh toán tiền đầu năm học cho con, một phụ huynh có con học Trường THCS Văn Lang (quận 1) cho biết, mới đầu năm học đã phải đóng hơn 1,2 triệu đồng, trong đó riêng tiền Quỹ phụ huynh học sinh là 200 nghìn đồng. "Tôi nghe nói, không bắt buộc đóng tiền quỹ này nhưng trên thực tế muốn hay không, năm nào cũng vẫn phải đóng. Năm nay, tại cuộc họp đầu năm học, được phổ biến mỗi phụ huynh đóng góp từ 150 đến 200 nghìn đồng cho Quỹ cha mẹ học sinh nhưng khi thu tiền, ai đóng 150 nghìn đồng giáo viên chủ nhiệm lại không chịu. Sắp tới, lại phải đóng thêm 200 nghìn đồng để nhà trường trang bị điều hòa không khí cho các phòng học. Nghĩ tới đã đủ rùng mình rồi" - Phụ huynh này bức xúc. Trong khi đó, một phụ huynh Trường mầm non Tuổi thơ 7 (quận 3) lo lắng: "Năm nào chúng tôi cũng đóng 300 đến 400 nghìn đồng tiền Quỹ Ban cha mẹ học sinh. Năm nay nghe đâu còn bàn bạc, chưa biết sẽ đóng bao nhiêu". Nhìn vào danh sách thu tiền đầu năm học với 14 khoản thu khác nhau, một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8 - TP Hồ Chí Minh) phân trần: Chỉ một con đi học thôi mà tốn thế. Không hiểu tại sao đã đóng tiền cơ sở vật chất cho trường rồi lại phải thêm cả tiền hỗ trợ bàn ghế mỗi năm hơn 900 nghìn đồng.

Qua tìm hiểu, tại nhiều trường, phụ huynh còn đóng góp thêm vào các khoản như: nhà vệ sinh, thư viện, vườn hoa, hỗ trợ bàn ghế... Tiếng là theo tinh thần tự nguyện nhưng nhiều phụ huynh dù không muốn vẫn phải đóng các khoản này. Thêm vào đó, nhiều trường thực hiện đồng phục học sinh có lô-gô của trường, vở cũng giống nhau buộc phụ huynh mua ở trường.

Ðiều nghịch lý là tình trạng lạm thu chủ yếu xảy ra ở các trường lớn, trường điểm, trường có đông học sinh (vốn đã có nhiều kinh phí hoạt động) chứ ít diễn ra ở trường nhỏ, trường ngoại thành, trường vùng sâu vùng xa... Nhiều trường học tự đề ra các khoản thu phi lý lên tới hàng triệu đồng, bằng nhiều phương thức "luồn lách" khác nhau. Các khoản lạm thu từ "gợi ý" của nhà trường được gọi là "tự nguyện", nhưng vì những điều "tế nhị" trong việc học tập của con em mình cho nên nhiều phụ huynh dù có bức xúc đến mấy cũng không thể từ chối. Nhiều khoản thu tiếng là thông qua Ban đại diện phụ huynh nhưng việc bầu ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ là hình thức; nhiều nơi chủ yếu do "định hướng" của nhà trường thì cũng khó có thể nói là "tự nguyện".

Cần giải pháp thiết thực chống lạm thu

Nhằm hạn chế tình trạng lạm thu nói riêng, việc thu, chi không đúng nói chung của các cơ sở giáo dục, năm học 2011-2012, ngay từ cuối tháng 8, Bộ GD và ÐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố tình thực hiện trái quy định. Theo Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD và ÐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được dùng tiền thu góp vào việc hỗ trợ các hoạt động dạy học (như hỗ trợ mua máy vi tính cá nhân, tổ chức hội giảng...) và khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Sắp tới, Bộ GD và ÐT sẽ khảo sát và quy định thêm nhiều "điều cấm" để tránh lạm thu.

Tại một số địa phương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có nhiều văn bản chỉ đạo việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các trường học. Ngay từ ngày Khai giảng năm học mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có công văn gửi Sở GD và ÐT cũng như Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu: Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về thu, chi học phí và các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục; phát hiện xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức sai phạm. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã cũng như Giám đốc Sở GD và ÐT chịu trách nhiệm trực tiếp trong thực hiện các nội dung thu, chi theo văn bản đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc. Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo Giám đốc Sở GD và ÐT Lê Hồng Sơn, từ đầu năm học sở đã chỉ đạo các trường học thực hiện đúng các khoản thu theo quy định. Việc đóng góp của phụ huynh học sinh để chung tay xây dựng cơ sở vật chất khang trang, nâng cao chất lượng giáo dục cho chính con em mình là cần thiết nhưng không bắt buộc. Các trường không được tùy tiện quy định các khoản thu này.

Có thể nói, đầu năm học nào, Bộ GD và ÐT cũng như các cấp quản lý giáo dục đều có văn bản yêu cầu giám sát các khoản thu và khẳng định sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu, chi đầu năm học. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra khá phổ biến, thậm chí còn xem như "chuyện thường ngày". Do đó sự chỉ đạo của các cấp quản lý về vấn đề này mới chỉ là trên giấy. Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, hầu như chưa có cơ sở giáo dục nào bị xử lý kỷ luật do lạm thu. Còn tình trạng thường khá phổ biến là trách nhiệm được "đá" sang cho ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường là vô can. Việc thanh tra, giám sát phát hiện tình trạng lạm thu trong nhà trường không hề khó. Tuy nhiên, ngay cả các cấp quản lý giáo dục, các địa phương hiện chủ yếu vẫn là "giơ cao, đánh khẽ". Ðiều đó cho thấy, sự chỉ đạo, chấn chỉnh lạm thu phải là những việc làm cụ thể, thiết thực, nghiêm minh; nhất là với những người đứng đầu các cơ sở giáo dục; tránh tình trạng xuê xoa, né tránh. Mặt khác, việc giám sát thanh tra, xử lý những trường lạm thu cần được các cơ quan quản lý; nhất là cơ quan quản lý giáo dục, công khai rộng rãi... nhằm chấm dứt triệt để tình trạng lạm thu trong các trường học, điều đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực