Sự định hướng tới một nền giáo dục tri thức

Chủ nhật, 04/09/2011 09:47

Ảnh minh họa. (nguồn: internet)

(ĐCSVN) - Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiêm nghiệm những bước thăng trầm của quốc gia, dân tộc Việt Nam nhận thức được rằng: “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí/Đại học giáo hóa chi bản nguyên”. Xin tạm dịch: Hiền tài là nguyên khí quốc gia; học tập là gốc rễ của giáo hóa.

Hai mệnh đề trên là một triết lý giáo dục được in đậm trong ý thức người dân Việt, kể cả những người làm giáo dục lẫn những người dân trong toàn xã hội. Nước nhà cường thịnh hay suy vong phụ thuộc nhiều vào việc có những con người tài năng và đức độ hay không, mà những người ấy lại là sản phẩm của nền giáo dục.

Một quốc gia không có người hiền tài sẽ là một quốc gia đứng trước những bế tắc trong bài toán phát triển. Do đó, cần có một nền giáo dục tốt đẹp để xây dựng những con người tốt đẹp, tài giỏi, lương thiện và yêu nước.

Xưa kia, khi lên ngôi vua, Lê Lợi lập tức viết Chiếu cầu hiền. Ông khẳng định rằng, muốn thịnh trị yên vui thì phải lo có người hiện tài đứng ra giúp nước. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế cũng hạ Chiếu cầu hiền, nói rằng người hiền trên đời giống như sao sáng trên trời. Người hiền không được dùng vào việc đời thì không phải là ý Trời sinh ra họ.

Người hiền không từ trên trời rơi xuống. Người hiền tài phải học tập và tu dưỡng suốt đời (mà tu dưỡng cũng là quá trình tự học hỏi, tự giáo dục). Hồ Chí Minh đã đưa ra một triết lý sau đây: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân.”. Tạm diễn giải: Học tập là con đường lớn, muốn đi theo con đường đó, cái tâm phải trong sáng, phải học để phục vụ nhân dân. Sự học là chuyện của cả cuộc đời. Sự học không chỉ là chuyện riêng với cái nghĩa học để mà học. Sự học nhằm vào phục vụ nhân dân mới là sự học đích thực, mới có nghĩa học để làm người hữu ích.

Trên kia nói đến mối quan hệ nhân quả giữa giáo dục với việc hình thành tài trí và đức độ con người. Bây giờ, ta bàn đến triết lý học để làm người.

Sự học (hay giáo dục) đối với con người là chuyện không bao giờ cùng. Sự học rộng như biển, cao như núi, dài như sông, không dễ gì mau chóng học được hết cái lý của trời đất nhờ vào sự học.

Hơn nghìn năm về trước, ông Tuân Tử có câu nổi tiếng: “Không lên núi cao thì không biết cái cao của trời như thế nào. Không xuống khe sâu thì không biết cái dầy của đất như thế nào. Không học thì không biết cái lớn lao của học vấn như thế nào”.

Người xưa cho con em đi học, bao giờ cũng dạy chúng rằng: Có chí thì nên. Sự học ở phía trước, có đi trên con đường đó được hay không tuỳ thuộc con người có quyết tâm theo học không, có ham học không, có vui mà học không.

Người xưa cũng tổng kết: Có công mài sắt, có ngày nên kim. Đó cũng là một triết lý trong giáo dục. Chỉ có con đường học hành chăm chỉ và nỗ lực không ngừng thì người học mới thành đạt. “Dùi mài kinh sử” như người xưa nói, vừa là một phẩm chất cần cù, chịu khó, song cũng vừa là kết quả của giáo dục nhân cách...

Việc chăm lo cho con em học nên người là một mục tiêu rất quan trọng của hầu hết các gia đình. “Con hơn cha nhà có phúc”. Người Việt ta vốn thường làm điều Thiện để tích Đức cho đời sau nhằm đạt được đời sống tốt lành (tức là có phúc), song đồng thời lại giáo dục con chịu khó học hành cho nên người - ấy cũng là để gặt hái được cái phúc. Con phải hơn cha, nghĩa là thế hệ sau phải có tài năng hơn, có đời sống tốt hơn - đó cũng là một triết lý. Người Việt lo con con em đến khi họ phải nhắm mắt xuôi tay. Người phương Tây thường không thế, họ làm lễ trưởng thành cho con cái vào lúc chúng hết tuổi vị thành niên. Từ thời điểm ấy, đứa con chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Xem ra đây cũng là một thứ dân chủ. Song, văn hóa Việt không như vậy. Còn sống chung với bố mẹ còn phải tuân theo gia phong, gia giáo, trong đó có quy định về học hành để thực hiện đạo làm người. Nhưng con cái đã có gia đình riêng, văn hóa Việt vẫn yêu cầu bậc làm cha mẹ lo lắng, chỉ bảo con mình giữ lấy điều tốt đẹp của gia phong, giữ lấy truyền thống tốt đẹp của dòng họ, mà trong truyền thống đó có cái gọi là hiếu học, học thành danh để làm rạng rỡ gia đình và họ tộc. Cái triết lý “hậu sinh khả úy” có cơ sở văn hóa như vậy.

Học cho nên người phải có thái độ đúng với thầy giáo. Thầy có đạo đức, có học vấn cao, có phương pháp tốt, có lòng yêu thương trò thì thế nào cũng có học sinh giỏi, học sinh tốt. Ở đời nào con người cũng cần giữ gìn đạo trọng thầy.

Dân ta thường nói: “Không thầy đố mày làm nên”. Câu này bao hàm nhiều ý, không chỉ là nói lên lòng biết ơn thầy, mà còn khẳng định rằng, chất lượng giáo dục phụ thuộc không ít vào nhân cách người thầy.

Song, thầy dạy ta không chỉ là người lên lớp hàng ngày, mà còn là những người ở họ có những điều mà ta học được. Người có điều đáng để ta học, dù là chút ít, cũng coi như là người thầy. Có lòng tôn trọng như vậy thì con người có rất nhiều thầy, và do đó có nhiều cơ hội để học hỏi. Người xưa dạy rằng, ai cho ta một chữ đều là thầy ta, mà có cho ta nửa chữ thì cũng vẫn là thầy (Nhất tự vi sư; Bán tự vi sư).

GS, TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký
Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: CPV)

Thầy dạy học là một từ thiêng liêng, bởi thầy bao giờ cũng là khả kính. Xưa kia, làm thầy thường không giàu. Trường làng ngày xưa được lập nên, thầy không có lương tháng. Dân góp tiền nuôi thầy, trò tổ chức lại thành những nhóm đồng môn đứng ra lo liệu việc nhà của thầy để thầy có thì giờ mang lại cho trò chữ nghĩa của thánh hiền.

Sau Cách mạng tháng Tám, để có người giúp dân xóa mù chữ, Hồ Chí Minh kêu gọi dân góp gạo nuôi thầy.

Thầy không phải là cái gì đó mua được. Khi người ta mua được thầy thì đạo làm trò sẽ chấm hết. Trò kính thầy thì không bao giờ được chán học. Thầy yêu trò nên không bao giờ thấy mệt mỏi.

Với cái đạo ấy, thầy Khổng Tử ngày trước dạy rằng: Học nhi bất yếm/Hối nhân bất quyện. Nghĩa là, học không biết chán, dạy không biết mỏi.

Điều đó thật chí lý.

Những năm trên chiến khu Việt Bắc (trong giai đoạn đầu kháng chiến chống thực dân Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho treo trên tường lời dạy trên của Khổng Tử. Người coi câu đó như một di sản quý báu bởi tính triết lý giáo dục ở đó hết sức sâu sắc.

Sự học có giá trị quyết định đến việc hình thành những con người có nhân cách tốt đẹp. Do vậy, nhiều đời nay, con người luôn mong muốn có được những trường học để con em qua đó mà nên người.

Ước nguyện ấy càng lớn lao trong thời đại ngày nay. Trong xã hội nông nghiệp lạc hậu, người lao động không có trường học theo đúng nghĩa của trường học. Trường học ngày xưa (thời phong kiến nước ta), chỉ là trường của các thầy đồ. Thầy dạy không có sách giáo khoa, không có chương trình, không có bất cứ quy chế quản lý của Nhà nước. Thời kỳ Pháp thuộc, trường học chỉ mang lại cho trò một nội dung giáo dục nô dịch.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa đã đem lại cho dân hệ thống giáo dục dân chủ mới, đã xây dựng cho dân những trường học để đào tạo con em họ và cho chính họ thành người lao động giác ngộ xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, hệ thống giáo dục mới này khi chúng ta còn đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mới chỉ tạo ra những nhà trường theo mô hình trường học của xã hội nông nghiệp đang trên đường chuyển sang kinh tế công nghiệp. Nhà trường đó thực chất là nhà trường truyền thụ kiến thức. Nó lạc hậu xa với nhà trường tại những quốc gia phát triển.

Đảng chủ trương đi vào kinh tế tri thức trong một số lĩnh vực sản xuất ngay khi đất nước chưa hoàn thành công nghiệp hóa. Đã đi vào kinh tế tri thức thì phải có nhà trường tri thức. Chuyển từ nhà trường truyền thụ kiến thức sang nhà trường trang bị tri thức đòi hỏi một cuộc cải cách thật sự về nội dung và phương pháp giáo dục - giảng dạy, về tổ chức hệ thống giáo dục trong xã hội theo hướng hình thành xã hội học tập phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện phát triển của nước ta.

Xã hội học tập được hiểu là một xã hội thực hiện một nền giáo dục, trong đó ai cũng học tập, ai cũng học tập suốt đời và ai cũng có trách nhiệm tham gia phát triển giáo dục. Trong xã hội học tập, con người phải vươn lên làm chủ tri thức, làm chủ công nghệ mới, xây dựng cho mình năng lực lao động sáng tạo. Người ta sẽ học trong trường và ngoài nhà trường, học chính quy và học không chính quy, học trong những thời gian và không gian khác nhau.

Nền giáo dục đó là nền giáo dục tri thức, bao gồm những trường học tri thức, những tổ chức học tập giúp con người tiếp cận tri thức, sáng tạo tri thức. Tri thức sẽ chi phối tất cả, từ việc làm giàu cho tới việc ứng xử trong xã hội, thực hiện một lối sống văn hóa trong một cuộc sống nhân văn hơn. Lúc đó, cái triết lý sống chắc sẽ như Socrates từng quan niệm: Trong xã hội, tri thức là cái thiện, ngu muội là cái ác. Do đó, phải có triết lý giáo dục trong điều kiện xây dựng nền giáo dục tri thức.

Vì vậy, cần thực hiện tốt lời dạy của Hồ Chí Minh: Học không bao giờ cùng/Học mãi để tiến bộ mãi/Càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm./.

GS. TS Phạm Tất Dong
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực