Thảo luận vấn đề gốc, vấn đề nền tảng của sự nghiệp giáo dục

Thứ năm, 01/09/2011 17:11

(ĐCSVN) - Sáng 31/8, tại Hà Nội, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Triết lý giáo dục Việt Nam” nhằm bàn về quan điểm, lý thuyết, nhận thức, tư duy về giáo dục - đào tạo ngang tầm thời đại, phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa và phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài phát biểu đề dẫn tại buổi Tọa đàm. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin được giới thiệu bài phát biểu đề dẫn này.

 

PGS, TS Nguyễn Viết Thảo – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 phát biểu đề dẫn

Dân tộc Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, luôn luôn coi trọng hiền tài, chấn hưng giáo dục, khai mở dân trí như kế sách vững bền để phát triển đất nước.

Trong thời đại mới từ ngày thành lập nước, mồng 2 tháng 9 năm 1945 đến nay, nền giáo dục Việt Nam vừa kế thừa di sản giáo dục dân tộc, vừa vươn tới những ưu việt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa và tiếp thu tinh hoa giáo dục hiện đại. Nhờ vậy, tuy trình độ phát triển kinh tế còn thấp, nhưng nước ta đã đạt nhiều chỉ tiêu giáo dục, văn hóa, khoa học – kỹ thuật… tương đối cao, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, khâm phục.


Trong những năm đổi mới hiện nay, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tiếp tục dành sự quan tâm to lớn cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, tạo nên nhiều thành tựu quan trọng, như Đại hội XI đã nêu: Đổi mới giáo dục đạt một số kết quả bước đầu; việc huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục, đào tạo, phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm; quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển; tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng, năm 2010 đạt 40% tổng số lao động đang làm việc.


Tuy nhiên, như Đại hội XI đánh giá, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc xã hội: Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn hạn chế; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập. Xu hướng thương mại hoá và sa sút đạo đức trong giáo dục khắc phục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội.


Để đưa nền giáo dục nước nhà ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới; ngang tầm với những xu hướng của nền giáo dục thế giới, Đại hội XI khẳng định chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”.


Để thực hiện chủ trương lớn do Đại hội XI nêu ra, toàn xã hội và ngành giáo dục, đào tạo cần triển khai hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp. Với vai trò là tiếng nói của Đảng và nhân dân trên mạng điện tử internet, Báo điện tử Dảng cộng sản Việt Nam đã mở Chuyên trang “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo” từ ngày 1 tháng 8 năm 2011. Chuyên trang có mục đích, nhiệm vụ tuyên truyền quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối giáo dục, đào tạo của Đảng, Nhà nước ta; thông tin kịp thời những hoạt động của toàn xã hội nhằm đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo; đồng thời, mở diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý, đảng viên, nhân dân và bạn đọc nói chung đóng góp ý kiến xung quanh công việc rất hệ trọng và lâu dài này.


Như một hoạt động trong khuôn khổ chuyên trang, Báo đã tổ chức cuộc Tọa đàm Triết lý giáo dục Việt Nam. Với sự nhiệt tình tham gia của các nhà giáo nhân dân, các giáo sư, chuyên gia đã từng gắn bó cả cuộc đời mình với công việc “trồng người” cao quý, cuộc Tọa đàm đã thảo luận vấn đề gốc, vấn đề nền tảng của sự nghiệp giáo dục – đó là triết lý, quan điểm, cơ sở lý luận cho nền giáo dục, đào tạo của đất nước./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực