Tiếp tục góp ý Dự thảo Luật Giáo dục Đại học

Thứ năm, 06/10/2011 16:54

(ĐCSVN)- Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Giáo dục Đại học tại Hà Nội. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch hiệp hội chủ trì  Hội thảo.

 

 Ông Lê Khắc Đóa, Phó Hiệu trưởng
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội


Tại Hội thảo, đại diện các trường phía Bắc cho rằng dự thảo Luật Giáo dục Đại học lần thứ 5 chưa mang tính hệ thống. Các bất cập trong hệ thống giáo dục chưa được giải quyết thấu đáo trong dự thảo Luật. Ông Lê Khắc Đóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đề nghị có hẳn một chương riêng về cơ sở hệ thống giáo dục ĐH, trong đó chỉ ghi chung là các trường ĐH và làm rõ chức năng của ĐH Quốc gia (ĐHQG). Cụ thể, ĐHQG trực thuộc Chính phủ thì phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiến tới đào tạo trình độ thạc sĩ,  tiến sĩ; chuyển các học viện thành trường ĐH; trường ĐH công được làm gì.

Trong khi đó, ông Hoàng Trọng Thiêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh đề nghị làm rõ vai trò của Hội đồng trường. Việc tổ chức thi “3 chung” đã làm 10 năm, lúc đầu là khá nhưng làm lâu quá thì nó lạc hậu và cản trở,  nên Bộ cần xem xét lại.

Về vấn đề thẩm định các chương trình, ông Lê Viết Khuyến, nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng với cơ chế chỉ có Bộ và trường, Bộ cần phải cho các hiệp hội với vai trò là đơn vị độc lập được giám sát, kiểm định. Bộ cần đưa ra các chuẩn tối thiểu để các trường thực hiện. Một hệ thống ĐH tốt phải có 4 tiêu chí: thống nhất, bình đẳng, chất lượng, hiệu quả.

Về hệ thống giáo dục ĐH, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình đề nghị chỉ nên có một hệ thống trường đại học sẽ giảm bớt được sự phản đối rất nhiều. Chính sách phát triển giáo dục ĐH phải nhằm vào quy mô như thế nào, cơ cấu ngành ra sao, chất lượng như thế nào để phát triển. Trong Luật giáo dục ĐH cũng cần có các chính sách đầu tư đối với trường, đối với người dạy, đối với người học. Bà Hà cho rằng, mô hình quản lý và tài sản trong dự thảo không ổn vì phân 3 loại hình trường (trường công, trường tư, trường có vốn đầu tư nước ngoài) nhưng lại chỉ có một mô hình quản lý.

 
        Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng

Nói về tự chủ cho các trường, ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng đề nghị thêm tự chủ về ngành nghề, tự chủ về cấp bằng. Về vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho rằng nên quy định rõ thế nào là lợi nhuận và phi lợi nhuận. Ông Trần Hữu Nghị đề nghị Nhà nước nên có đặc ân cho các trường ngoài công lập bằng cách cho đất, cho vay vốn ưu đãi. Nếu có đánh thuế thì Nhà nước hoàn thuế lại cho các cơ sở đó đầu tư xây dựng.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) Chu Hồng Thanh cho biết, quá trình soạn thảo Luật Giáo dục Đại học, ban soạn thảo luôn chú trọng đề cao tính tự chủ cho các trường. Đây cũng là vấn đề  quan trọng mà dự thảo Luật đề ra./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực