Về Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015

Thứ ba, 14/06/2011 16:44

 

 PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

(ĐCSVN)- Dự thảo Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với số tiền đầu tư ước tính là 70.000 nghìn tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, việc đổi mới chương trình SGK từ lớp 1 đến lớp 12 được triển khai trên phạm vi toàn quốc kể từ năm học 2002, đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có đánh giá về quá trình đổi mới đó, vậy mà hiện nay Bộ đang lập Dự thảo Đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015. Ông có đồng ý với cách làm của Bộ GD-ĐT?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Nếu nói Bộ GD-ĐT chưa có đánh giá gì về đổi mới chương trình SGK thì hoàn toàn không đúng. Từ năm 2002 đến nay ít nhất Bộ GD-ĐT đã có 4 lần đánh giá. Cụ thể, trong các năm 2004-2005 đã có nghiên cứu cấp nhà nước đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai chương trình SGK cấp tiểu học và THCS. Đối với cấp tiểu học, đánh giá chương trình hai môn toán, tiếng việt toàn cấp; đánh giá SGK hai môn toán, tiếng việt lớp 1 và lớp 3. Đối với cấp THCS: đánh giá chương trình các môn toán, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý toàn cấp; đánh giá SGK các môn toán, vật lý, hoá học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý lớp 6 và lớp 7, lớp 8. Như vậy là năm học 2004-2005 đã có đánh giá mang tính quốc gia toàn bộ chương trình SGK tiểu học và THCS.

Đến năm 2008, Bộ GD-ĐT tổ chức đánh giá chương trình SGK phổ thông. Việc đánh giá được thực hiện từ các tổ chức giáo viên đến phòng, Sở GD-ĐT, có sự tham gia đánh giá độc lập của Hội Khuyến học, Hội Cựu Giáo chức, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam. Phạm vi đánh giá chương trình sách giáo khoa là tất cả các môn học từ lớp 1 đến lớp 11.

Trong năm 2009, sau khi chương trình THPT đã triển khai được 1 vòng (đến lớp 12), Bộ GD - ĐT tổ chức đánh giá tình hình triển khai chương trình và SGK phổ thông. Năm 2009, Bộ GD - ĐT cũng đã tổ chức đánh giá sâu chương trình SGK của một số môn học: môn giáo dục công dân (trung học); môn thủ công, kỹ thuật ở tiểu học.

Nhưng theo tôi bây giờ Bộ vẫn cần phải có sự đánh giá tổng thể. Đó là đánh giá theo yêu cầu mới trong bối cảnh mới của đất nước, cập nhật xu thế của quốc tế để xem chương trình cũ chưa đáp ứng được ở chỗ nào, kế thừa được những gì... Không có nước nào làm chương trình mới toanh từ trên trời rơi xuống cả. Dù có xây dựng chương trình mới cho năm 2015 thì cũng phải kế thừa tất cả những ưu điểm của chương trình hiện hành.

Phóng viên: Vậy Đề án đặt ra thời điểm này có thích hợp không, thưa ông?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Thực ra Đề án này được tiến hành dự thảo xuất phát từ Thông báo 242 của Bộ Chính trị. Thông báo 242 của Bộ Chính trị có từ tháng 4/2009. Trong nhiều giải pháp có giải pháp thứ 4 là tiếp tục đổi mới chương trình giáo dục, rà soát lại sách giáo khoa phổ thông, đổi mới hiện đại, chuẩn bị cho chương trình mới vào những năm sau 2015.

Nghị quyết Đảng cũng yêu cầu nghiên cứu một cách kỹ lưỡng nhưng phải kịp thời để có thể triển khai chương trình và SGK mới vào năm 2015. Với mốc ấy nếu không làm từ bây giờ thì làm sao mà kịp. Vấn đề không phải là có nên đổi mới hay không mà là đổi mới nên theo định hướng nào ? Thế nào là đổi mới căn bản và toàn diện như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu lên. Cần nghiên cứu để lựa chọn được một cách làm tốt nhất…

Các nước trên thế giới họ đổi mới rất linh hoạt. Không nhất thiết phải thay đổi tất cả các cấp học; không nhất thiết phải làm lại tất cả các môn học. Năm 2008 Australia làm lại chương trình, nhưng họ chỉ làm lại 4 môn: tiếng Anh, lịch sử, toán, khoa học hoặc người ta không nhất thiết là phải thí điểm, ví dụ Phần Lan, họ nghiên cứu kỹ lưỡng, phản biện kỹ lưỡng rồi làm luôn...

Đề án chưa nói rõ là có nên cải cách toàn bộ không? Theo tôi phải rà soát lại trên tinh thần tôi vừa nói để lựa chọn một cách đổi mới linh hoạt và phù hợp với Việt Nam. Hiện Đề án mới chỉ đưa ra những định hướng lớn, chuẩn bị những cơ sở khoa học cho việc đổi mới chương trình SGK sắp tới mà thôi.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, thời điểm này chưa nên đổi mới mà nên rà soát lại chương trình phổ thông nhằm cắt giảm, giảm tải chương trình SGK hiện nay? Ông có ý kiến gì về việc này?

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Đó cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, việc giảm tải cũng không phải đơn giản. Trước hết cần xem hiện tượng quá tải có phải do mình chương trình SGK không? Hiện tượng quá tải là có thật, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó chương trình và SGK chỉ là một; cơ sở vật chất nghèo nàn, thiết bị dạy học, cơ sở vật chất yếu kém, sân chơi không có; sĩ số lớp học quá cao, các nước phát triển mỗi lớp chỉ 20-25 học sinh, trong khi ở Việt Nam là trên 50 học sinh, thậm chí có lớp 60, trên 60 học sinh nên rất khó đổi mới phương pháp dạy và học …Trình độ giáo viên cũng là một nguyên nhân. Do nhu cầu về giáo dục quá lớn cho nên đầu vào giáo viên chất lượng không bảo đảm. Nếu tôi là Bộ trưởng thì việc đầu tiên của tôi là cải cách các trường sư phạm để đào tạo được đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu mới. Những giáo viên giỏi có trình độ sư phạm cao thì dù chương trình và SGK có nặng một chút, họ vẫn có thể xử lí tốt, giờ học vẫn rất nhẹ nhàng. Giáo viên các nước phát triển đầu vào rất có chất lượng, khi ra trường cũng được hưởng chế độ đãi ngộ cao nên thu hút được nhiều người giỏi; kết quả là GD họ phát triển rất nhanh.

Ngoài ra còn do áp lực thi cử mang lại, tâm lí phụ huynh ai cũng muốn con mình vào đại học, cho dù thực chất các em không đủ trình độ, nên buộc các em học thêm tràn lan. Hiện nay ở nước ta khâu phân luồng từ cấp phổ thông kém nên chỉ có mỗi con đường đi đại học vì nếu không vào được đại học thì gần như thất nghiệp. Chỉ có một “cửa” vào đại học nên áp lực thi cử rất nặng nề. Đây là thực trạng chung của nhiều nước Châu Á chứ không gì Việt Nam.

Riêng về mặt chương trình và SGK, một số môn có hiện tượng “quá tải”, đi vào nhiều vấn đề quá khó, không hề cần thiết đối với học vấn phổ thông, nhất là với người lao động phổ thông. Trong khi lại thiếu những cái đơn giản mà hàng ngày phải vận dụng, chẳng hạn cần dạy các em khi vào phòng người khác phải gõ cửa; đọc thư, đọc trộm nhật ký của người khác là xấu… Những cái cơ bản trong cuộc sống thì không được chú trọng, trong khi lại dạy nhiều thứ quá cao siêu. Cũng cần phải dạy những kiến thức cao siêu nhưng đó là dành cho những học sinh có năng khiếu, cho các lớp chuyên.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực