Xung quanh vấn đề giảm tải chương trình giáo dục hiện nay

Thứ ba, 11/10/2011 08:48

 
                          Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: VA

(ĐCSVN) - Chủ trương giảm tải trong dạy và học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) sau khi triển khai thực hiện đã được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ vì lâu nay chương trình học của cả ba cấp học phổ thông được cho là “quá nặng”. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề giảm tải này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

GS.Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, chương trình không nặng nhưng vì thời gian quá ít nên mới nặng. Với môn Toán chương trình tương đương với nước ngoài, nhưng chỉ học 3 tiết/tuần (chương trình chuẩn) và 4 tiết/tuần (chương trình nâng cao), trong khi các nước không như vậy. Điều người dân và các thầy giáo bức xúc là phải giảm mạnh chương trình để lượng kiến thức phù hợp với thời lượng học sinh học để có thể tải được. Giải pháp thầy Cương đưa ra đó là bỏ đi từng bài, thậm chí từng chương. Muốn làm như vậy, Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu rất kỹ. Có thể bỏ những chương không ảnh hưởng đến các môn học khác, không ảnh hưởng về sau. Việc giảm tải phải làm cẩn thận và mạnh dạn bỏ đi khoảng hơn 20% chương trình.

Giáo viên ở một trường THPT Hà Nội dạy môn Giáo dục Công dân lại băn khoăn, bản thân toàn bộ môn này đã được dư luận học sinh xem là “quá tải” khi các em gọi nói là “môn phụ”. Phải chăng vì áp lực đó mà Bộ cứ mạnh tay cắt, cắt cả những nội dung có ý nghĩa giáo dục rất thiết thực như: bài dạy về hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc xã hội, hoặc nội dung về mối quan hệ gia đình và trách nhiệm của thành viên.

Thầy Nguyễn Mạnh Hưởng, Trường Phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho biết: Nhìn chung, các thầy cô giáo và giáo viên đều hoan nghênh “tinh thần giảm tải” vì vừa bớt gây áp lực cho giáo viên phải cố gắng dạy cho hết nội dung chương trình trong thời gian có hạn, vừa giảm tâm lý căng thẳng cho học sinh khi học tập. Việc giảm tải tuy đã tạo cho giáo viên môn Lịch sử có tâm lí thoải mái hơn khi giảng dạy, nhưng Bộ GD-ĐT còn “rụt rè”, chưa mạnh dạn, có lẽ Bộ GD-ĐT còn đang nghe ngóng tình hình, sự phản hồi của giáo viên và học sinh.

Thầy Mạnh Hưởng dẫn chứng, khác với nhiều môn học khác, chọn nội dung kiến thức nào của môn Lịch sử để giảm tải khá phức tạp. Vì kiến thức lịch sử mà học sinh phải học luôn gắn liền với sự kiện về thời gian, không gian, nhân vật…Sự kiện này mất đi nó lại trở thành tiền đề, nguyên nhân phát sinh cho sự kiện khác. Ví dụ, một trong những nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933), nếu Bộ GD – ĐT giảm tải nội dung cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 (bỏ, không dạy) thì khi dạy về Con đường dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), học sinh sẽ không thể hiểu rõ nguồn gốc của chiến tranh. Như vậy, việc giảm tải nội dung chương trình là cần thiết, nhưng cần lựa chọn đúng.

Để việc giảm tải thật sự có hiệu quả, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội đề nghị: Thời gian tới, Bộ GD-ĐT nên tập trung làm hai việc: thứ nhất, nghe ý kiến của giáo viên, để sang năm tiếp tục điều chỉnh bài dạy cho thật tốt, thật chính xác hơn. Thứ hai, để việc giảm tải là rèn tư duy, rèn những kỹ năng cho học sinh, thì Bộ GD-ĐT nên phát động các chuyên gia, nhà giáo giỏi soạn những câu hỏi tình huống để rèn tư duy và tính năng cho học sinh, giúp cho giáo viên có ngay tư liệu để dạy. Bên cạnh đó, Bộ nên đưa những đề kiểm tra lớp 10, 11 và những đề thi lớp 12 theo kiểu vận dụng thay vì phải học thuộc lòng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực