Yêu thương qua từng con chữ

Thứ hai, 12/09/2011 16:55

Trường mầm non Thào Chư Phìn nằm nép dưới chân rừng sa-mu, thân cây mọc thẳng lên cao đón ánh sáng mặt trời. Ðó là nơi 216 cháu là con em đồng bào dân tộc Mông, Thu Lao theo học.

 

 Thầy giáo Giàng A Giăng dạy học sinh dân tộc Mông
(lớp 3A, Trường tiểu học số 1 Sín Chéng, Si Ma Cai)
viết tiếng Việt.

Giờ ra chơi, trên sân bê-tông rộng và sạch, các cháu chơi trò xếp chữ, cưỡi ngựa đu quay, trượt máng vòi voi..., tiếng cười trẻ thơ vang rộn một góc rừng.

Ở trên đỉnh núi có độ cao hơn 1.000 m so với mặt biển thì nhà xây rất hiếm, hầu như chỉ có nhà làm bằng gỗ, bằng đất xù xì, ẩm thấp và rất tối. Chủ tịch UBND xã Thào Chư Phìn, Giàng Seo Ký nhớ lại: Ðể xây trường mầm non cho các cháu, hàng trăm người dân trong xã thay nhau "cõng" từng viên gạch, từng cân cát, sỏi, xi-măng, từng đoạn sắt... vượt dốc Sáo Chải. Nhà có nhiều người làm nhiều, nhà ít người làm ít, tất cả đều góp sức, góp công. Nhà nước cấp kinh phí, dân hiến đất, góp công san nền, vận chuyển vật liệu để hôm nay, giữa đại ngàn có một mái trường kiên cố cho các cháu. Ðó mới là một phần khó khăn của việc đem cái chữ lên vùng cao!

Cô giáo Ðỗ Thị Tiên Phong, Hiệu trưởng nhà trường ví: "Vì cái chữ cho con em mình, chính quyền và các bậc phụ huynh đã cõng cả ngôi trường lên non!". Cô kể: Ở bản Sín Pao Chải có ông Thào A Sáng, người dân tộc Mông, thấy Nhà nước xây trường cho các cháu có chỗ vui chơi, hát múa, học chữ..., không phải lang thang ở nhà hay trên góc nương rẫy nghịch đất mất vệ sinh, phấn khởi quá, ông tình nguyện mang nước, cho rau, nấu cơm cho tốp thợ người dưới xuôi xây trường cho nhanh. Hôm khánh thành Trường mầm non Thào Chư Phìn vui như hội, nhiều người không có con đi học cũng kéo đến xem. Ðúng là "trăm nghe không bằng một thấy", có vượt dốc cao, lởm chởm đá sắc, hun hút thung sâu, gấp khúc cua tay áo... trên đoạn đường 18 cây số từ thị trấn huyện lỵ Si Ma Cai lên xã vùng cao Thào Chư Phìn này, mới thấy xây được trường học ở đây đúng là một kỳ tích. Càng thấy rõ hơn, dù khó khăn bội phần, nhưng cấp ủy đảng, chính quyền và người dân nơi đây đã dành những gì tốt đẹp nhất cho con em mình- thế hệ tương lai của quê hương, đất nước.

Các cô giáo ở Trường mầm non Thào Chư Phìn vẫn còn nhớ: Cách đây chừng bốn năm, phụ huynh người Mông "tha lôi" trên lưng những đứa trẻ ba tuổi lên nương, rồi trải chiếc địu vải ra một góc nương, đóng cọc túm bốn góc, bỏ con nhỏ vào đó để đánh gốc, tra hạt. Bố mẹ mải làm, có đứa trẻ bị kiến đốt tím chân tay, mặt mũi. Các cháu lớn hơn thì bố mẹ giao việc chăn trâu, kiếm củi giúp gia đình. Không được ra lớp, nên không hề biết một chữ tiếng phổ thông, rất khó giao tiếp... Các cô giáo lại phân công nhau, buổi tối lặn lội đến tận nhà vận động phụ huynh cho các cháu đến trường. Hỏi chuyện, cô giáo nào cũng có ba "bảo bối", đó là đôi giày vải thật tốt, chiếc gậy thật chắc và cái đèn pin thật sáng để buổi tối leo đồi lội suối đến từng nhà vận động đưa trẻ trong độ tuổi đến trường. Cô giáo Bùi Thị Thu Trang còn nhớ rõ, vào dịp khai giảng năm học mới cách đây hai năm, bụng mang dạ chửa vẫn cặm cụi chống gậy leo dốc Sáo Chải đến nhà ông Sùng A Chứ, vận động đưa hai đứa trẻ ba tuổi và năm tuổi xuống ở bán trú tại điểm trường Hố Séo Chải, để các cháu được chăm sóc và học chữ, học múa hát.

Trường mầm non Thào Chư Phìn có mười cô giáo, chia nhau ra bốn điểm trường, nằm cách xa trường chính từ năm đến bảy cây số. Các cô giáo Trang, Phong, Hồng... đều quê từ Hải Phòng, Phú Thọ, Yên Bái đã gắn bó với vùng đất này nhiều năm. Có cô giáo đưa cả chồng, con lên đây lập nghiệp. Nhưng còn nhiều cô do hoàn cảnh riêng, đành gửi con nhỏ ở quê xa, lên đây làm "người mẹ thứ hai" của con em đồng bào dân tộc. Cô giáo hiệu trưởng Ðỗ Thị Tiên Phong bộc bạch: "Khó khăn còn nhiều, nhưng được cái đồng bào và các cháu rất quý trọng cô giáo, coi như người thân của bản. Có xâu măng rừng, mớ cá suối hay tấm bánh khoai... phụ huynh đều mang đến tận nơi biếu cô giáo, dặn dò giữ gìn sức khỏe để dạy dỗ các cháu nên người". Chính nhờ sự tận tâm của các cô giáo, tận lực của phụ huynh và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương, nên 100% trẻ em trong độ tuổi ở Thào Chư Phìn đều được đến lớp học mầm non, được nuôi dạy tập trung, học tiếng Việt, vui múa hát. Dịp Tết Trung thu này các cháu có bánh kẹo, hoa quả và đèn ông sao, trích từ Quỹ khuyến học của xã và tấm lòng của những cô giáo ở Trường mầm non Thào Chư Phìn để cùng vui phá cỗ.

Từ trên đỉnh núi Sáo Chải mờ sương tụt xuống thung lũng sông Chảy, tôi đến Trường tiểu học số 1 Sín Chéng. Sau cái bắt tay thật chặt, "thầy hiệu trưởng đặc biệt" Ðặng Phương Ðài dẫn tôi đi thăm chỗ ở bán trú, nhà ăn, phòng học tin học... Thật bất ngờ vì ở xã vùng sâu khó khăn của một huyện nghèo thuộc diện 30a đã có ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, với đủ cơ sở vật chất, khang trang, sạch đẹp từ cảnh quan tới nội thất từng phòng học, phòng ở bán trú của học sinh. Trò chuyện mới biết, cái "đặc biệt" của thầy hiệu trưởng Ðài là huy động nguồn lực, xã hội hóa để làm trường ra trường, lớp ra lớp. Nhắc lại chuyện một mình không quản ngày nghỉ, ngày lễ, "bám đối tượng" để xin bằng được cát, gạch, xi- măng và tiền đem về nộp vào Quỹ khuyến học của xã Sín Chéng để làm cổng chào, sân trường, tường rào, phòng ở bán trú, phòng ăn... kiên cố, sạch đẹp đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia, thầy Ðài sôi nổi: Cũng vì thương học sinh quá, mình đâu quản ngại, muốn ăn thì phải lăn vào bếp. Chả thế mà khắp các ban ngành của tỉnh, của huyện cách đây vài năm, hễ cứ thấy mặt thầy Ðài, ai cũng... "ghét", cố tránh cho bằng được!. Căn nguyên của cái sự "ghét" đó cũng vì lo cho học sinh, nên phải "vác mặt" gõ từng đơn vị, xin kinh phí xây dựng trường. Ðến nay, ngoài dãy nhà tầng, với phòng học kiên cố là do kinh phí của Nhà nước, còn các công trình phục vụ học sinh như: Sân trường, bể nước, nhà bán trú, bếp ăn, giường chiếu, chăn màn và cả bát đũa, ấm chén, bàn chải đánh răng..., tổng cộng ngót một tỷ đồng, tất cả là do nhà trường thực hiện xã hội hóa giáo dục. Danh sách các cơ quan mà thầy hiệu trưởng Ðài "hỏi thăm" ghi ra thì hết vài cuốn sổ. Thầy bảo, nghĩ lại mà thấy hoảng bởi cơ quan nào đến xin cũng phải trình bày đủ kiểu, dễ thì buổi sáng, khó thì vài ngày họ mới đồng ý xem xét giúp được bao nhiêu. Thế là cứ mỗi buổi lẽo đẽo xe máy đi xin của thầy Ðài, trường lại có thêm cái bể, góc sân, tường rào bằng con tiện đổ xi-măng... Nhiều đơn vị không có tiền thì ủng hộ cát, xi-măng, gạch... thầy nhận hết. Nhìn ngôi trường khang trang, các bậc phụ huynh rất phấn khởi và yên tâm vì con em mình có chỗ ở, nơi học tốt. Nhờ vậy sĩ số chuyên cần của Trường tiểu học số 1 Sín Chéng luôn dẫn đầu huyện.

Thương học sinh vùng cao còn nghèo mà ham học, các thầy, cô giáo Trường tiểu học số 1 Sín Chéng dồn tâm huyết, tình thương vào trang giáo án, tiết dạy trên lớp, giờ phụ đạo buổi tối cho các em tại khu ở bán trú. Ở lớp 4A của cô giáo Phạm Thị Hương, có em Giàng Thị Sú bị khiếm thị, mỗi giờ ra chơi, cô Hương lại ngồi cạnh cầm tay em tô theo từng nét chữ. Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô giáo tổ chức ngoại khóa dạy các em người dân tộc Mông, Dao, Phù Lá... nói tiếng Việt, để tiếp thu bài giảng tốt hơn. Cùng thầy hiệu trưởng Ðặng Phương Ðài vào thăm lớp 3A của thầy Thào A Giăng, giáo viên người Mông, đã mười năm gắn bó với ngôi trường này. Giờ học tiếng Việt, các em học sinh đua nhau giơ tay lên bảng luyện viết chữ đẹp, những gương mặt học sinh sáng lên niềm tin yêu, hoạt bát. Năm học vừa qua, Trường tiểu học số 1 Sín Chéng có bốn học sinh đạt điểm 10 môn toán trong số hàng trăm học sinh trong toàn huyện thi tuyển vào Trường THCS dân tộc nội trú Si Ma Cai; em Thào A Minh ( học sinh lớp 1A), dân tộc Mông, đạt giải ba cuộc thi "Giao lưu tiếng Việt" toàn tỉnh; em Giàng Thị Mai, học sinh lớp 4A, đạt Trạng nguyên cuộc thi "Nét chữ - Nết người" tỉnh Lào Cai... Ðó là những "bông hoa" đẹp của phong trào dạy tốt, học tốt, kết tinh tình thương yêu của thầy và trò ở nơi vùng cao, biên giới Si Ma Cai.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực