Đón năm học mới - chăm lo xây thêm trường bán trú ở vùng khó

Thứ sáu, 12/08/2011 17:12

Năm học 2011 – 2012, huyện Kbang (Gia Lai) đã tiến hành chia tách và thành lập 4 trường Dân tộc bán trú tại các địa bàn vùng khó khăn gồm Trường PTDT bán trú tiểu học Đăk Rong, Trường PTDT bán trú THCS Đăk Rong (xã Đăk Rong), trường PTDT bán trú THCS Lơ Ku (xã Lơ Ku) và Trường PTDT bán trú Krong (xã Krong). Đây là tiền đề mang tính đột phá giúp địa phương hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học, huy động tối đa đối tượng trong độ tuổi ra lớp góp phần từng bước rút ngắn khoảng cách giáo dục vùng khó khăn với vùng thuận lợi.

Trường PTDT bán trú tiểu học Đăk Rong là một trong những trường được chia tách có quy mô đầu tư khá lớn trên 3 tỷ đồng xây dựng khang trang với 6 phòng học, 10 phòng ở giáo viên và học sinh. Cùng với đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 5 phòng ở cho học sinh bán trú, những thầy, cô giáo trong trường cùng phụ huynh học sinh cũng đóng góp sức người, sức của nỗ lực hết mình trong việc xây dựng dãy nhà ăn, nhà bếp cho các em với diện tích 200m2. Thầy Phạm Quốc Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: mọi công tác chuẩn bị cần thiết để đón 435 học sinh, trong đó có 196 em học sinh dân tộc bán trú vào khai giảng năm học mới đã được nhà trường chuẩn bị kỹ lưỡng và đảm bảo đúng kế hoạch.

Cho đến thời điểm này, khi mà năm học mới đang cận kề, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất trường lớp học, nhà ở cho học sinh bán trú tại Kbang đã cơ bản hoàn thành, trong đó công tác xã hội hóa giáo dục đã nhận được sự tham gia tích cực từ chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn mà các trường dân tộc bán trú ở Kbang gặp phải đó là mức hỗ trợ 17kg gạo và 300 nghìn đồng/ tháng dành cho mỗi học sinh bán trú vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của các em. Để mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục Kbang rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa từ các cấp, các ngành nhằm chung tay cùng địa phương chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, nhất là ở những vùng sâu, vùng khó khăn cách trở.

Là một tỉnh miền núi với hơn 70% số xã còn nhiều khó khăn với 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số có kết quả trên là cả một chặng đường gian nan và đầy thử thách của toàn nghành giáo dục nói chung và của huyện Kbang nói riêng. Có những thôn, làng cách trường học 20 đến 30 km điều kiện còn khó khăn, cái ăn chưa được no, cái mặc chưa đủ ấm thì việc học ở đây thật sự đồng bào không mấy mặn mà. Chính vì lẽ đó mà những ngôi trường bán trú sẽ là nơi giúp học sinh vùng khó tiếp tục ước mơ được học tập và nỗ lực cố gắng trên hành trình đi tìm tri thức của mình./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực